Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sức khỏe

Ưu tiên cho sức khỏe sinh sản của đồng bào DTTS

Thiên Đức - 20:30, 08/07/2021

Nhân Ngày Dân số thế giới (11/7), vừa qua, Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) đã gửi tới các quốc gia thông điệp: “Dù là bùng nổ hay suy giảm dân số, giải pháp với tỷ suất sinh luôn nằm ở việc ưu tiên cho sức khỏe sinh sản và quyền sinh sản của tất cả mọi người”. Đây cũng là vấn đề mà Việt Nam luôn quan tâm, nhất là với đối tượng yếu thế sống ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi.

Cán bộ y tế chăm sóc tiền sinh sản cho người dân
Cán bộ y tế chăm sóc tiền sinh sản cho người dân

Nhiều khó khăn thách thức

Chia sẻ về vấn đề chăm sóc sức khỏe sinh sản vùng DTTS và miền núi, bà Naomi Kitahara, Trưởng Đại diện UNFPA tại Việt Nam cho biết: Đây là một vấn đề còn nhiều khó khăn thách thức. Cụ thể, trong chuyến khảo sát tình hình thực hiện chăm sóc sức khỏe bà mẹ, phụ nữ mang thai tại các vùng DTTS tỉnh Lai Châu của UNFPA với Bộ Y tế - Bộ Kế hoạch và Đầu tư vào tháng 5/2021, cho thấy rõ nét điều này. 

Theo số liệu thống kê của Trung tâm Y tế huyện Sìn Hồ báo cáo với đoàn công tác, thói quen đẻ tại nhà, tự đỡ đẻ của người dân nơi đây còn phổ biến; tỷ lệ phụ nữ mang thai sinh con tại nhà, nhất là đồng bào dân tộc Mông, Lự, Dao, Mảng, mặc dù có xu hướng giảm nhưng vẫn ở mức cao, gây ra những nguy cơ tai biến sản khoa trong cộng đồng.

Đặc biệt, từ năm 2020, dưới tác động của dịch Covid-19, tỷ lệ sinh con tại nhà của phụ nữ mang thai ở huyện Sìn Hồ có sự tăng vọt sau nhiều năm giảm nhẹ, ở mức 46,5% (trong khi tỷ lệ chung toàn tỉnh Lai Châu là 33%). Bên cạnh đó, tỷ lệ sử dụng dịch vụ khám thai ít nhất 4 lần của phụ nữ mang thai còn ở mức rất thấp (5,8%) so với tỷ lệ chung trên toàn quốc (trên 73%).

Không chỉ riêng thời kỳ dịch Covid -19, vấn đề chăm sóc sức khỏe sinh sản của phụ nữ vùng DTTS, vốn đã là “hòn đá tảng” trong sự phát triển y tế vùng DTTS và miền núi. Kết quả điều tra thu thập thông tin về hiện trạng kinh tế - xã hội của 53 DTTS Việt Nam năm 2019 cho thấy, tỷ suất sinh của người DTTS là 2,35 con/phụ nữ. Mức sinh này cao hơn so với mức bình quân chung của cả nước là 2,09 con/phụ nữ.

Thời gian qua, dù Việt Nam rất chú trọng nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe khi sinh cho phụ nữ vùng DTTS, tuy vậy, vấn đề này chưa thật sự đồng đều giữa các dân tộc. Cụ thể, cũng theo kết quả của cuộc điều tra thu thập thông tin, tỷ lệ phụ nữ DTTS mang thai có đến các cơ sở y tế khám thai trong lần sinh gần nhất đạt 88%. Tuy nhiên, một số dân tộc có tỷ lệ phụ nữ khám thai rất thấp, như dân tộc như La Hủ (45,3%), La Ha (63,5%), Mảng (65,9%). 

Ngoài ra, tỷ lệ phụ nữ DTTS sinh con tại các cơ sở y tế đạt 86,4%, phụ nữ DTTS sinh tại nhà có cán bộ chuyên môn đỡ 3,9%, phụ nữ sinh tại nhà không có cán bộ chuyên môn đỡ là 9,5%, tại nơi khác là 0,2%; nhưng các dân tộc như, Mảng, Mông, Cống và La Hủ có tỷ lệ sinh con tại nhà và không có cán bộ chuyên môn đỡ rất cao, lần lượt là 50,6%, 38,8%, 37,0% và 36,5%.

Cần chú trọng hơn tới sức khoẻ sinh sản cho người dân vùng DTTS và miền núi
Cần chú trọng hơn tới sức khoẻ sinh sản cho người dân vùng DTTS và miền núi

Ưu tiên cho sức khoẻ sinh sản

Chia sẻ thông điệp Ngày dân số thế giới năm nay, ông Phạm Vũ Hoàng, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (Bộ Y tế) cho biết: thời gian qua, đại dịch Covid -19 đã ảnh hưởng đến công tác chăm sóc sức khỏe, đặc biệt trong lĩnh vực sức khỏe sinh sản và sức khỏe tình dục. Do đó, UNFPA đã đưa ra thông điệp “Dù là bùng nổ hay suy giảm dân số, giải pháp với tỷ suất sinh luôn nằm ở việc ưu tiên cho sức khỏe sinh sản và quyền sinh sản của tất cả mọi người”.

UNFPA phân tích, trong đại dịch, một số quốc gia buộc phải tăng cường các biện pháp giãn cách xã hội, từ đó làm ảnh hưởng, gián đoạn dịch vụ chăm sóc sức khỏe tình dục và sức khỏe sinh sản, do họ coi đây là dịch vụ không thiết yếu.

Từ đó, UNFPA đưa ra khuyến cáo, các quốc gia cần quan tâm ưu tiên hơn tới vấn đề chăm sóc sức khỏe sinh sản của người dân. Theo đó, các quốc gia cần tăng cường hỗ trợ phụ nữ, nhất là phụ nữ yếu thế tiếp cận thông tin, chăm sóc sức khỏe bà mẹ trẻ em sơ sinh tại nhà và nỗ lực đảm bảo mức độ bình đẳng giới. Hơn nữa, phụ nữ cần phải được trao quyền về giáo dục, kinh tế và chính trị để tự đưa ra những lựa chọn liên quan đến cơ thể mình và mong muốn sinh con của bản thân.

Tin cùng chuyên mục
Người bị bệnh sán lá gan cần lưu ý những gì?

Người bị bệnh sán lá gan cần lưu ý những gì?

Sán lá gan là loại ký sinh trùng có thể lây nhiễm sang người và gây bệnh gan, ống mật. Bệnh sán lá gan có thể dẫn đến nhiều biến chứng nghiêm trọng, ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng của người bệnh. Do đó, bạn cần hiểu rõ về nguyên nhân gây bệnh, con đường lây lan của bệnh để có biện pháp phòng tránh kịp thời và bảo vệ lá gan khỏe mạnh.