Theo báo cáo của UBND các tỉnh, qua 5 năm triển khai thực hiện Đề án đã đạt được những kết quả, đáp ứng mục tiêu của Đề án. Hệ thống chính trị cơ sở được củng cố, 100% thôn bản có đảng viên và có chi bộ; 100% các chức danh cán bộ, công chức xã và những người hoạt động không chuyên trách cấp xã, thôn bản được bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng theo vị trí việc làm; trên 90% cán bộ công chức cấp xã đạt chuẩn về trình độ chuyên môn.
Các xã trọng yếu được bố trí, tăng cường cán bộ người dân tộc Mông đảm bảo tỷ lệ, phù hợp với cơ cấu thành phần dân tộc. Qua đó, góp phần ổn định an ninh-chính trị, đáp ứng nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.
Nhìn chung, cán bộ có trình độ chuyên môn tốt, nghiệp vụ từ Trung cấp trở lên, 100% số cán bộ này đều là người địa phương, am hiểu phong tục tập quán đồng bào dân tộc Mông.
Qua đánh giá của các cấp ủy, chính quyền địa phương 2 tỉnh, về cơ bản các nhân viên hợp đồng theo Đề án đã hoàn thành tốt nhiệm vụ, tích cực và chủ động tham mưu cho cấp ủy, chính quyền những nội dung công việc được phân công, góp phần tích cực trong phát triển kinh tế-xã hội…
Tại các buổi làm việc, lãnh đạo tỉnh Lai Châu, Lào Cai cũng kiến nghị những biện pháp nâng cao chất lượng hoạt động của cấp ủy, chính quyền địa phương các xã trọng điểm. Đề nghị Chính phủ tiếp tục thực hiện các chính sách ưu tiên đối với người DTTS, trong đó có người Mông ở vùng sâu, vùng xa. Có cơ chế, chính sách đối với nhân viên hợp đồng sau khi kết thúc Đề án nhưng năng lực tốt, trình độ chuyên môn đảm bảo theo vị trí việc làm; lựa chọn đào tạo theo chức danh khi đã trúng tuyển công chức đối với cán bộ người dân tộc Mông cũng như cán bộ người DTTS nói chung.
Đối với những đề xuất kiến nghị của các địa phương về Đề án, Thứ trưởng Y Thông ghi nhận và sẽ tổng hợp lại để báo cáo Chính phủ trong thời gian tới.
TRỌNG BẢO