Đề tài khoa học “Vai trò của Bộ đội Biên phòng trong xây dựng hệ thống chính trị cơ sở vùng DTTS trên địa bàn các tỉnh biên giới - Thực trạng và giải pháp” được triển khai từ tháng 4/2021 đến tháng 4/2023. Trung tướng, PGs.Ts. Nguyễn Văn Bạo - Giám đốc Học viện Chính trị là Chủ nhiệm đề tài.
Mục tiêu nghiên cứu của Đề tài là làm rõ một số vấn đề lý luận và thực tiễn về vai trò của Bộ đội Biên phòng trong xây dựng hệ thống chính trị cơ sở vùng DTTS trên địa bàn các tỉnh biên giới nước ta; xác định yêu cầu, quan điểm và đề xuất các giải pháp cơ bản phát huy vai trò của Bộ đội Biên phòng trong xây dựng hệ thống chính trị cơ sở vùng DTTS trên địa bàn các tỉnh biên giới đến năm 2030.
Đề tài tiếp cận dưới góc độ chính trị, xã hội, nghiên cứu tổng kết thực tiễn gắn với nghiên cứu lý luận để làm rõ những vấn đề lý luận, thực tiễn về vai trò của Bộ đội Biên phòng trong xây dựng hệ thống chính trị cơ sở vùng DTTS trên các tỉnh biên giới nước ta. Đề tài còn dựa trên cách tiếp cận hệ thống, cách tiếp cận dân tộc học, tiếp cận từ phát triển nội sinh kết hợp ngoại sinh và tiếp cận liên ngành.
Về phương pháp luận, Đề tài dựa trên cơ sở phương pháp luận chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và các quan điểm của Đảng ta. Đề tài sử dụng các phương pháp nghiên cứu như: Điền dã dân tộc học; phương pháp phân tích và tổng hợp; phương pháp kết hợp Logic lịch sử; khảo sát xã hội học; phương pháp thống kê và phương pháp chuyên gia.
Đề tài gồm 3 chương, với những nội dung chính: Một số vấn đề lý luận về vai trò của Bộ đội Biên phòng trong xây dựng hệ thống chính trị cơ sở vùng DTTS trên địa bàn các tỉnh biên giới; Thực trạng vai trò của Bộ đội Biên phòng trong xây dựng hệ thống chính trị cơ sở vùng DTTS trên địa bàn các tỉnh biên giới; Các yêu cầu xây dựng hệ thống chính trị cơ sở vùng DTTS trên địa bàn các tỉnh biên giới và yêu cầu, quan điểm phát huy vai trò của Bộ đội Biên phòng trong xây dựng hệ thống chính trị cơ sở vùng DTTS trên địa bàn các tỉnh biên giới đến năm 2030.
Góp ý cho Đề tài, các thành viên Hội đồng cơ bản đánh giá nhóm nghiên cứu đã triển khai một cách công phu, nghiêm túc và có hệ thống; kết cấu hợp lý, phù hợp với nội dung của Đề tài. Một số ý kiến đề nghị nhóm nghiên cứu cần chỉnh sửa lại thể thức văn bản; tiếp thu các ý kiến, đóng góp của các nhà khoa học để hoàn thiện Đề tài.
Kết quả Hội đồng đánh giá Đề tài được nghiệm thu ở mức “Xuất sắc” trên cơ sở tiếp thu, hoàn thiện ý kiến đánh giá, thảo luận của các thành viên Hội đồng.