Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Tin tức

Ủy ban Dân tộc tham dự Phiên họp thứ 2 của Ủy ban Chuyển đổi số Quốc gia

Hoàng Quý - 16:03, 27/04/2022

Sáng 27/4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban quốc gia về chuyển đổi số chủ trì Phiên họp lần thứ 2 của Ủy ban để đánh giá kết quả thực hiện quý I/2022 và xác định các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm cần tập trung triển khai trong quý II/2022 và thời gian tới. Phiên họp được kết nối trực tuyến tới trụ sở các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Điểm cầu UBDT tham dự trực tuyến Phiên họp thứ 2 của Ủy ban chuyển đổi số quốc gia
Điểm cầu UBDT tham dự trực tuyến Phiên họp thứ 2 của Ủy ban chuyển đổi số quốc gia

Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Y Thông cùng các thành viên Ban Chỉ đạo chuyển đổi số của Ủy ban Dân tộc và Tổ giúp việc của Ban chỉ đạo tham dự tại điểm cầu Ủy ban Dân tộc.

Tại Phiên họp, các đại biểu đã được nghe Bộ Thông tin và Truyền thông - Cơ quan Thường trực của Ủy ban Chuyển đổi số quốc gia báo cáo về tình hình triển khai chuyển đổi số quý I/2022. Theo đó, thời gian qua, nhận thức về tầm quan trọng của chuyển đổi số ở tất cả các cấp, các ngành, nhất là người lãnh đạo, người đứng đầu đã có chuyển biến rõ nét. 100% các bộ, ngành, địa phương đã kiện toàn Ban Chỉ đạo chuyển đổi số do người đứng đầu làm Trưởng ban

Thực hiện thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại Phiên họp lần thứ nhất của Ủy ban, các bộ, ngành, địa phương được giao triển khai 3 nhiệm vụ có thời hạn hoàn thành trong quý I/2022, đều đã hoàn thành đúng hạn. Theo Kế hoạch hoạt động của Ủy ban năm 2022, các bộ, ngành, địa phương được giao triển khai 14 nhiệm vụ có thời hạn hoàn thành trong tháng 3, 4/2022. Do Kế hoạch mới được ban hành ngày 15/3/2022, nên 14 nhiệm vụ này đều đang trong quá trình thực hiện, dự kiến sẽ hoàn thành trong tháng 4/2022.

Đóng góp của kinh tế số cho nền kinh tế Việt Nam ngày càng tăng, doanh thu kinh tế số quý I/2022 đạt khoảng 53 tỷ USD. Trong đó kinh tế số nền tảng có tốc độ tăng trưởng 28%, đạt doanh thu 8 tỷ USD, còn lại là kinh tế số ICT và kinh tế số ngành, với tốc độ tăng trưởng doanh thu trung bình khoảng 15%.

Dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 tiếp tục được triển khai tích cực, hiệu quả. Đến nay, Cổng Dịch vụ công quốc gia đã tích hợp 3.552 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 của các bộ, ngành, địa phương, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp (triển khai Quyết định 06 - đã tích hợp thêm 11/25 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4). Trong quý I/2022, Cổng đã có trên 167.000 tài khoản đăng ký; trên 14 triệu hồ sơ đồng bộ trạng thái; trên 332.000 lượt thực hiện các dịch vụ tiện ích từ cổng; trên 510.000 hồ sơ trực tuyến thực hiện từ Cổng; trên 163.000 giao dịch thanh toán trực tuyến với số tiền hơn 366 tỷ đồng…

Về hạ tầng số, tốc độ truy cập mạng băng rộng ở Việt Nam quý I/2022 được cải thiện so với cùng kỳ năm 2021, đặc biệt là chỉ số tải xuống (download) ở mạng di động băng rộng tăng khoảng 26% (từ 26,92 Mbps lên 33,90 Mbps), ở mạng cố định băng rộng tăng khoảng 44% (từ 44,18 Mbps lên 67,96 Mbps). Cả nước hiện còn 980 thôn lõm sóng băng rộng di động, trong đó, 774 thôn sẽ được các doanh nghiệp viễn thông di động triển khai phủ sóng trước ngày 30/6/2022; 118 thôn chưa có điện, 88 thôn thuộc khu vực vùng sâu, vùng xa, đi lại khó khăn, dân cư thưa thớt, dưới 50 hộ gia đình trong một thôn sẽ tiếp tục được triển khai phủ sóng sau.

Tỷ lệ dân số trưởng thành có điện thoại thông minh là 70,91%; tỷ lệ hộ gia đình có điện thoại thông minh là 85,08%; tỷ lệ hộ gia đình có cáp quang băng rộng là 68,8%.

Chương trình "Sóng và máy tính" cho em đến nay đã có trên 200.000 máy (217.273 máy) đã được trao tặng từ nguồn đóng góp của các doanh nghiệp và ngân hàng. Dự kiến 400.000 máy từ nguồn Quỹ Dịch vụ Viễn thông công ích sẽ được cung cấp từ tháng 6/2022.

Kết luận Phiên họp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính thay mặt Chính phủ đánh giá cao sự vào cuộc, triển khai công việc của các đơn vị. Thủ tướng Chính phủ đề nghị trong việc thực hiện chuyển đổi số cần phải thống nhất các quan điểm: Liên tục đổi mới, tư duy đột phá, có tầm nhìn chiến lược trong việc thực hiện chuyển đổi số; phát huy tính chủ động, sáng tạo, huy động mọi nguồn lực; bám sát thực tiễn, xuất phát từ thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo; đẩy mạnh phân cấp phân quyền, phân bổ nguồn lực hợp lý, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ, tăng cường kiểm tra giám sát; hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, người dân và doanh nghiệp…

Về nhiệm vụ quý II/2022, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu các các bộ, ngành, địa phương khẩn trương, quyết liệt tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ được giao trong Chương trình Chuyển đổi số quốc gia, Chiến lược quốc gia về phát triển Chính phủ số, Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số, kế hoạch năm 2022 của Ủy ban quốc gia về chuyển đổi số.

Đồng thời, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Thông tin và Truyền thông sớm đề xuất việc thành lập Văn phòng Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số; hoàn thành việc đánh giá công bố chính thức danh sách các nền tảng số đáp ứng yêu cầu phục vụ chuyển đổi số, phát triển chính phủ số, kinh tế số, xã hội số; phối hợp với Bộ Kế hoạch Đầu tư hoàn thành triển khai hệ thống phục vụ thống kê, theo dõi dự án đầu tư công cho chuyển đổi số, phát triển chính phủ số, kinh tế số và xã hội số… Bộ Công an khẩn trương hoàn thiện dự thảo Nghị định quy định về bảo vệ dữ liệu cá nhân; phối hợp với các bộ, ngành liên quan hoàn thành Nghị định về định danh và xác thực điện tử trình chính phủ ban hành...