Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Công tác Dân tộc

Ủy ban Dân tộc với Chương trình MTQG phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi: Gỡ vướng từ cơ sở (Bài 2)

Thanh Huyền - 16:20, 25/05/2023

Một trong những nhiệm vụ hết sức quan trọng của ngành công tác dân tộc trong giai đoạn này, đó là sớm đưa Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 (gọi tắt là Chương trình MTQG 1719) vào thực tiễn, phát huy hiệu quả, đúng đối tượng, đúng quy định, đúng mục tiêu đặt ra. Vì vậy, việc phối hợp cùng các bộ ngành, địa phương tháo gỡ vướng mắc từ cơ sở, bảo đảm sự thông suốt từ Trung ương đến địa phương, đã và đang được Ủy ban Dân tộc - cơ quan chủ trì đặc biệt quan tâm.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc Hầu A Lềnh trò chuyện, động viên đồng bào DTTS giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc; nỗ lực phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu (tháng 5/2023 tại huyện Bạch Thông, tỉnh Bắc Kạn)
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh trò chuyện, động viên đồng bào DTTS giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc; nỗ lực phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu (tháng 5/2023 tại huyện Bạch Thông, tỉnh Bắc Kạn)

Thời gian qua, nhiều cuộc họp, hội nghị, hội thảo chia sẻ kinh nghiệm, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện Chương trình MTQG 1719 đã được Ủy ban Dân tộc chủ trì tổ chức bằng nhiều hình thức. Mới đây, tại tỉnh Quảng Ngãi, Ủy ban Dân tộc đã phối hợp với UBND tỉnh Quảng Ngãi tổ chức Hội thảo chia sẻ kinh nghiệm thực hiện Chương trình MTQG 1719.

Tại Hội thảo, các đại diện 17 tỉnh khu vực miền Trung, Tây Nguyên, Đông Nam Bộ và một số tỉnh miền núi phía Bắc đã chia sẻ nhiều kinh nghiệm, những kết quả, cũng như những khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện Chương trình về văn bản hướng dẫn, đối tượng, định mức hỗ trợ, cơ chế thực hiện của từng Dự án, Tiểu dự án cụ thể.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh khẳng định ý nghĩa của Hội thảo và cho rằng, Hội thảo đã được lắng nghe nhiều ý kiến chia sẻ tâm huyết của các địa phương, bộ, ngành nhằm chia sẻ những cách làm hay, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện Chương trình MTQG 1719. Để Chương trình MTQG 1719 sớm đi vào thực tiễn, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh đề nghị các địa phương nghiên cứu kỹ hệ thống văn bản hướng dẫn; tăng cường phối hợp, chia sẻ thông tin, kinh nghiệm; làm tốt chế độ thông tin báo cáo; giải quyết kịp thời những phát sinh thuộc thẩm quyền cấp tỉnh; tham mưu kịp thời trả lời các nội dung văn bản xin ý kiến của Trung ương.

Với vai trò chủ trì thực hiện Chương trình MTQG 1719, thời gian này, Ủy ban Dân tộc phối hợp với các bộ, ngành tăng cường tổ chức các đoàn công tác kiểm tra thực tế tại cơ sở, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện Chương trình MTQG 1719.

Thừa ủy quyền của lãnh đạo Ủy ban Dân tộc, Đoàn công tác của Uỷ ban Dân tộc và các bộ ngành do lãnh đạo Văn phòng Chương trình MTQG 1719 làm trưởng đoàn làm việc, tháo gỡ vướng mắc thực hiện Chương trình MTQG 1719 tại huyện Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam (tháng 4/2023)
Thừa ủy quyền của lãnh đạo Ủy ban Dân tộc, Đoàn công tác của Ủy ban Dân tộc và các bộ ngành do lãnh đạo Văn phòng Chương trình MTQG 1719 làm trưởng đoàn làm việc, tháo gỡ vướng mắc thực hiện Chương trình MTQG 1719 tại huyện Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam (tháng 4/2023)

Tham gia đoàn công tác của Ủy ban Dân tộc đến các địa phương trong thời điểm này, chúng tôi nhận thấy một không khí khẩn trương, tích cực, ráo riết triển khai Chương trình MTQG 1719 tại cơ sở. Thực tế các chuyến công tác tại cơ sở đã cho thấy, nhiều địa phương đã và đang tích cực vào cuộc, tập trung chỉ đạo, điều hành thực hiện nhiệm vụ, kịp thời tham mưu, báo cáo, xử lí những vướng mắc phát sinh trong thực tiễn. Các vướng mắc hiện nay liên quan đến thể chế, cơ chế, định mức hỗ trợ, quy trình thực hiện cụ thể của từng dự án, tiểu dự án…

Tại nhiều địa phương, công tác tuyên truyền, vận động được triển khai rộng rãi bằng nhiều hình thức, do đó Chương trình được các cấp, các ngành, dư luận xã hội và người dân đặc biệt quan tâm, tích cực vào cuộc để tổ chức triển khai thực hiện. Bên cạnh đó, nhiều địa phương đã chủ động ưu tiên nguồn lực, lồng ghép các chương trình, dự án trên địa bàn, tập trung đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội cho các huyện nghèo, xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn, khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải. Nhiều địa phương ban hành các chính sách đặc thù, bố trí thêm nguồn lực để tổ chức thực hiện tốt Chương trình MTQG 1719.

Ví dụ, tại tỉnh Hòa Bình, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành liên quan, UBND các huyện, thành phố phối hợp thống nhất, xây dựng phương án giao, phân bổ kế hoạch đầu tư trung hạn vốn ngân sách Trung ương nguồn vốn đầu tư phát triển giai đoạn 2021 - 2025 của tỉnh Hòa Bình là: 1.573.509 triệu đồng.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc Hầu A Lềnh, Phó Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương các Chương trình MTQG chủ trì buổi làm việc với tỉnh Sơn La về kiểm tra, đánh giá thực hiện các Chương trình MTQG năm 2022
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh - Phó Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương các Chương trình MTQG chủ trì buổi làm việc với tỉnh Sơn La về kiểm tra, đánh giá thực hiện các Chương trình MTQG năm 2022

Bí thư Tỉnh ủy Hòa Bình Nguyễn Phi Long cho biết, trong điều kiện còn nhiều khó khăn, nhưng tỉnh đã dành nguồn lực chăm lo, hỗ trợ người nghèo, đồng bào DTTS. Đồng chí Nguyễn Phi Long khẳng định ý nghĩa to lớn của Chương trình MTQG 1719, cùng với hai Chương trình MTQG còn lại sẽ tạo điều kiện thúc đẩy sự phát triển của các địa phương miền núi, còn nhiều khó khăn, tạo sinh kế, giúp đồng bào DTTS có cơ hội phát triển vươn lên.

Chia sẻ những khó khăn của tỉnh, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Phi Long mong muốn Ủy ban Dân tộc tiếp tục quan tâm, phối hợp với các bộ, ngành tham mưu hoàn thiện các chính sách về đội ngũ cán bộ người DTTS; hỗ trợ cho học sinh DTTS; tăng cường các chính sách tạo sinh kế cho đồng bào DTTS; nghiên cứu, bổ sung các dự án hoàn thiện hệ thống hạ tầng; quan tâm đến chính sách bảo vệ rừng. Đối với tỉnh Hòa Bình, cần có chính sách quan tâm đến những địa bàn đặc thù, vùng an toàn khu...

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh đánh giá cao những nỗ lực của các địa phương trong triển khai thực hiện Chương trình MTQG và cho rằng, nhiều địa phương đã có chủ động, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Nhiều địa phương đã thường xuyên đôn đốc, kiểm tra, kịp thời tháo gỡ khó khăn trong quá trình thực hiện. Tuy nhiên, quá trình triển khai thực hiện còn rất nhiều vướng mắc trong thực tiễn.

“Phải có quyết tâm cao, phát huy vai trò, sự tham gia, khơi dậy ý thức tự lực, tự cường của người dân; tăng cường tuyên truyền vận động, tạo đồng thuận trong Nhân đân; tăng cường kiểm tra, giám sát, bảo đảm tính dân chủ; tổng kết, chia sẻ kinh nghiệm hay, bài học quý, nhân rộng điển hình; rà soát lại toàn bộ hệ thống văn bản pháp lý, kịp thời phát hiện những vấn đề mới phát sinh trong thực tiễn; thực hiện tốt quy chế phối hợp”, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Hầu A Lềnh nhấn mạnh.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc Hầu A Lềnh và Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi Bùi Thị Quỳnh Vân tham quan các gian hàng giới thiệu sản phẩm tại Hội nghị thu hút đầu tư vùng đồng bào DTTS tỉnh Quảng Ngãi (tháng 4/2023)
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh và Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi Bùi Thị Quỳnh Vân tham quan các gian hàng giới thiệu sản phẩm tại Hội nghị thu hút đầu tư vùng đồng bào DTTS tỉnh Quảng Ngãi (tháng 4/2023)

Tại buổi làm việc của Đoàn Giám sát việc triển khai các Nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình MTQG làm việc với Ủy ban Dân tộc về kết quả thực hiện Chương trình MTQG 1719, báo cáo của Ủy ban Dân tộc cũng chỉ rõ, trong quá trình triển khai thực hiện Chương trình MTQG 1719 vẫn còn nhiều bất cập, hạn chế. Quá trình xây dựng, hoàn thiện văn bản hướng dẫn vẫn còn kéo dài; nhiều văn bản đã được ban hành nhưng hướng dẫn thực hiện còn chung chung; một số hướng dẫn thiếu đồng bộ hoặc chưa tạo điều kiện thúc đẩy phân cấp khiến địa phương gặp khó khăn, lúng túng trong triển khai thực hiện.

Còn một số địa phương chưa quyết liệt, dẫn đến có sự chậm chễ trong việc thực hiện các nhiệm vụ được giao (nhất là tiến độ giao vốn thực hiện); việc nắm thông tin phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành, đánh giá tình hình triển khai thực hiện Chương trình gặp những hạn chế liên quan việc đến nhiều địa phương chậm thực hiện báo cáo khối lượng nhiệm vụ triển khai, tiến độ giải ngân thực hiện...

Chương trình MTQG 1719 đóng vai trò rất quan trọng đối với vùng đồng bào DTTS của cả nước. Tuy nhiên, với đặc thù là một Chương trình MTQG mới, được triển khai trên một địa bàn rộng, tập trung vào nhóm đối tượng đặc thù là đồng bào DTTS đang sinh sống trên địa bàn có điều kiện tự nhiên khó khăn nhất, địa hình phức tạp và bị chia cắt, dân cư sống thưa thớt, không tập trung, sinh kế còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao, nhu cầu nguồn lực đầu tư lớn trong bối cảnh ngân sách nhà nước còn hạn chế. Vì thế việc thực hiện Chương trình MTQG 1719 trong thực tiễn không tránh khỏi những khó khăn, vướng mắc. Ráo riết gỡ vướng, thúc đẩy nhanh tiến độ thực hiện Chương trình, đòi hỏi sự chung tay của cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương. 

Tin cùng chuyên mục
Chuyển đổi số ở vùng đồng bào DTTS và miền núi Quảng Ninh: Hành trình đầy trở ngại (Bài 1)

Chuyển đổi số ở vùng đồng bào DTTS và miền núi Quảng Ninh: Hành trình đầy trở ngại (Bài 1)

Vượt qua nhiều khó khăn, các địa phương miền núi tỉnh Quảng Ninh đang từng bước chinh phục con đường chuyển đổi số đầy trở ngại. Những thành quả bước đầu trong xây dựng chính quyền số, phát triển kinh tế số, thúc đẩy xã hội số không chỉ góp phần quan trọng nâng tầm lĩnh vực công tác dân tộc, thực hiện chính sách dân tộc trên địa bàn tỉnh, mà còn đẩy nhanh tiến trình phát triển vùng đồng bào DTTS và miền núi, nâng cao chất lượng cuộc sống của đồng bào các DTTS trên địa bàn.