Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Kinh tế

Vải thiều Bắc Giang: Lại tiếp tục điệp khúc trồng-chặt

PV - 09:49, 30/07/2018

Vụ vải thiều vừa qua, người dân Bắc Giang lại rơi vào hoàn cảnh “được mùa, mất giá”. Theo đó, nhiều hộ đã ồ ạt chặt vải thiều chuyển sang trồng các loại cây có múi.

Trồng vải, bán củi

Tần ngần bên đống củi vừa đốn, bà Nguyễn Thị Thanh, ở bản Tràng Bắn, xã Đồng Vương, huyện Yên Thế cho biết, quê bà ở miền xuôi, lên vùng miền núi này sinh sống từ những năm 1990, và lập gia đình với ông Hà Văn Thoa. Ông bà lặn lội mãi mới trồng được 300 cây vải thiều. Những năm 2010, cây vải được giá, cuộc sống gia đình bà đỡ nghèo và đang từng bước ổn định. Tuy nhiên, năm nay giá vải xuống thấp, thương lái chỉ trả 2000 đồng/kg. Quá chán nản, ông bà đã quyết định chặt toàn bộ số vải thiều mà mình đã dày công chăm bón, tính cách làm ăn khác.

Người dân xếp củi vải dọc các vườn đồi ở Bắc Giang. Người dân xếp củi vải dọc các vườn đồi ở Bắc Giang.

Cách đó không xa, ông Linh Văn Quyền ở bản Na Sa cũng xót xa cho biết, nhà ông có 6ha đồi vải thiều nhưng năm nay, ông chán không muốn hái. Ông Quyền thở dài: Ban đầu tôi cũng nhờ người tới hái vải. Trung bình mỗi người hái được 60kg vải/ngày. Năm nay, 60 cân có giá hơn 170 ngàn đồng. Trong khi đó, giá nhân công đã là 200 ngàn/người. Chưa kể công phân bón, chăm bẵm năm nay gia đình tôi lỗ nặng.

Trước việc giá vải xuống quá thấp, hiện nay gia đình ông Quyền đã chặt hơn 1ha vải thiều. Số củi chặt xuống bán với giá 1000 đồng/kg. Ông Quyền thờ dài: “Chặt vải để bán củi là một việc cực chẳng đã. Tuy giá chẳng được bao nhiêu, nhưng được đồng nào hay đồng đấy”. Hiện nay, ông Quyền tính chuyển đổi sang trồng cây trồng khác hy vọng sẽ có tương lai tốt hơn.

Loay hoay chuyển đổi đến bao giờ

Ông Linh Văn Kiên, Phó Chủ tịch UBND xã Đồng Vương cho biết, Đồng Vương là một xã đặc biệt khó khăn với trên 80% người DTTS sinh sống. Những năm 2010, diện tích trồng vải của Đồng Vương lên tới 170ha, những lúc cao điểm trên 200ha. Tuy nhiên, năm nay, giá vải thấp kỷ lục người dân ồ ạt chặt vải. Hiện tại, cây vải trên địa bàn chỉ còn 110ha.

Nói về hướng phát triển kinh tế của người dân, ông Linh Văn Kiên cho biết, vài năm trở lại đây, sau khi chặt vải thiều, người dân Đồng Vương chủ yếu chuyển sang trồng cây có múi như cam, bưởi. Hiện trên địa bàn đã chuyển đổi gần 33ha trồng bưởi và trên 15ha sang trồng cam. Xu hướng này đang được nhiều hộ dân quan tâm.

baodantoc_vai2

Tuy nhiên, ông Kiên cũng thẳng thắn thừa nhận, giống bưởi diễn trồng trên đất Đồng Vương chỉ đạt yêu cầu về số lượng nhưng chất lượng không cao. Tép bưởi khô, không được thơm, ngọt như giống bưởi gốc. Điều này được lý giải do chất đất, chất nước của địa phương chưa thật sự phù hợp.

Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết không chỉ xã Đồng Vương, việc chuyển đổi từ vải thiều sang các loại cây trồng có múi đang được diễn ra trên hầu khắp các địa bàn tỉnh Bắc Giang như, huyện Yên Thế, Lục Ngạn, Tân Yên… Đây là xu hướng tiềm ẩn nhiều rủi ro mà người dân cần hết sức lưu ý. Bởi cây vải thiều đã gắn bó lâu năm với người dân. Hiện, Bắc Giang cũng đã bước đầu xây dựng được thương hiệu cho loại cây trồng này.

Vì vậy, thay vì ồ ạt chặt vải chuyển sang cây trồng có múi, các cấp chính quyền; cơ quan chuyên ngành tỉnh Bắc Giang cần đẩy mạnh, quan tâm hơn nữa trong việc hướng dẫn nông dân áp dụng khoa học kỹ thuật đóng gói, bảo quản sản phẩm. Đồng thời, tích cực hơn tìm đầu ra cho vải thiều, mở rộng thị trường nhất là các thị trường lớn như Mỹ, châu Âu.

Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bắc Giang): Trước năm 2010, diện tích trồng vải của tỉnh lên tới hơn 35.000ha, có thời điểm lên tới gần 40.000ha. Tuy nhiên, hiện nay, Bắc Giang còn chưa đến 30.000ha vải thiều.

Tin cùng chuyên mục
Thúc đẩy thương hiệu “Bưởi Phúc Trạch” vươn xa

Thúc đẩy thương hiệu “Bưởi Phúc Trạch” vươn xa

Không chỉ làm cho địa danh Hương Khê (Hà Tĩnh) trở nên nổi tiếng, loài bưởi Phúc Trạch cũng mang lại sự giàu có, phồn thịnh cho người dân ở địa phương. Để thương hiệu “Bưởi Phúc Trạch” tiếp tục phát triển ổn định và vươn xa, mang lại nhiều cơ hội tăng nguồn thu nhập cho người dân, huyện Hương Khê và người trông bưởi đã thực hiện nhiều giải pháp để quảng bá thương hiệu bưởi Phúc Trạch.