Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Công tác Dân tộc

Vận động người dân tham gia BHYT tự nguyện ở vùng cao, “khó càng thêm khó”

Trọng Bảo - 11:04, 27/07/2024

Từ ngày 1/7, mức lương cơ sở tăng đồng nghĩa với việc mức đóng Bảo hiểm y tế (BHYT) cũng tăng; điều này khiến cho việc vận động người dân tham gia BHYT tự nguyện trên địa bàn tỉnh Lào Cai “đã khó nay còn khó hơn”. Việc người dân không có BHYT ảnh hưởng đến công tác chăm sóc sức khỏe mỗi khi ốm đau, bên cạnh đó cũng sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến tiêu chí “tỷ lệ người dân tham gia BHYT” trong xây dựng nông thôn mới.

Do nghỉ việc không có thu nhập, gia đình chị Vi Thị Giang (áo xanh) không có điều kiện để tham gia BHYT tự nguyện
Do nghỉ việc không có thu nhập, gia đình chị Vi Thị Giang (áo xanh) không có điều kiện để tham gia BHYT tự nguyện

Tỷ lê tham gia BHYT tự nguyện giảm 

Hộ gia đình chị Vi Thị Giang, dân tộc Tày ở thôn Trung Đoàn, xã Hòa Mạc, huyện Văn Bàn có 5 khẩu, thì cả 5 người đều chưa có BHYT. Chị Giang cho biết, trước đây khi chị còn đi làm ở công ty ngoài tỉnh, thu nhập ổn định, có điều kiện gửi tiền về để mua BHYT cho các thành viên trong gia đình. Tuy nhiên, năm 2024, Công ty giải thể chị không còn việc làm nên đến nay chưa mua BHYT được.

“Năm nay bản thân tôi không có việc làm, nên không có tiền để mua BHYT cho gia đình. Bản thân tôi cũng biết, khi mua BHYT có rất nhiều lợi ích, nhất là khi ốm đau thì giảm rất nhiều chi phí khám chữa bệnh, nhưng gia đình khó khăn quá nên cũng đành chịu”, chị Giang chia sẻ.

Theo thống kê, từ đầu năm 2024 đến nay, xã Hòa Mạc mới có 80% người dân tham gia BHYT. Tuy là xã nông thôn mới nhưng đời sống của bà con Nhân dân trên địa bàn xã chủ yếu là thuần nông, thu nhập thấp nên việc vận tham gia BHYT tự nguyện gặp rất nhiều khó khăn.

Ông Nguyễn Hồng Hạnh, Chủ tịch UBND xã cho biết: Theo Nghị định 75 của Chính phủ, người dân là đồng bào DTTS được hỗ trợ 70% chi phí mua BHYT tự nguyện, như vậy người dân thuộc hộ DTTS khi tham gia BHYT tự nguyện chỉ phải bỏ 30% chi phí; tuy vậy, tỷ lệ người dân tham gia BHYT tự nguyện của xã vẫn còn thấp.

“Đối với xã nông thôn mới, thì quy định người dân tham gia BHYT phải đạt từ 90% trở lên, như vậy với tỷ lệ đạt 80% thì hiện nay, Hòa Mạc đang không đạt về tiêu chí này. Chúng tôi cũng rất lo lắng, không chỉ ảnh hưởng tới công tác duy trì các tiêu chí trong bộ tiêu chí nông thôn mới mà việc người dân chưa có BHYT còn ảnh hưởng trực tiếp đến công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe Nhân dân. Xã Hòa Mạc đang phấn đấu từ nay đến tháng 11 làm sao phải vận động được người dân tham gia BHYT ít nhất cũng phải đạt từ 90% trở lên”, ông Hạnh cho biết thêm.

Theo thống kê của ngành Bảo hiểm xã hội tỉnh Lào Cai, huyện Văn Bàn là địa phương có tỷ lệ người dân tham gia BHYT thấp nhất trong 9 huyện, thị xã, thành phố của tỉnh Lào Cai. Hiện toàn huyện Văn Bàn mới đạt gần 84,1% người dân có BHYT. 

Bà Nguyễn Thị Huyền Trang, Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội huyện Văn Bàn cho biết: Sau khi Quyết định 861 có hiệu lực thì Văn Bàn là địa phương chịu tác động lớn nhất với khoảng 30 nghìn thẻ BHYT hết hiệu lực. Cùng với đó, từ ngày 1/7 lương cơ sở tăng nên mức đóng BHYT nói chung, BHYT tự nguyện nói riêng cũng tăng nên việc vận động người dân mua BHYT tự nguyện đã khó thì nay càng khó khăn hơn.

“Mức lương cơ sở tăng nhưng thu nhập của bà con nông dân không tăng; việc tham gia BHYT tự nguyện, thì chủ yếu do người dân tự giác tham gia chứ không có chế tài hay quy định nào bắt buộc người dân phải tham gia; chính vì vậy, công tác tuyên truyền vận động vẫn là giải pháp duy nhất. Từ đầu năm đến nay, cơ quan Bảo hiểm xã hội huyện đã tổ chức được 480 buổi tuyên truyền ở cơ sở để vận động người dân tham gia BHYT”, bà Trang thông tin thêm.

Tăng cường tuyên truyền, vận động đến người dân về chính sách ưu việt của BHYT
Tăng cường tuyên truyền, vận động đến người dân về chính sách ưu việt của BHYT

Lương tăng - "khó càng thêm khó"

6 tháng đầu năm 2024, tỷ lệ người dân tham gia BHYT trên địa bàn tỉnh Lào Cai đạt 93%, con số này chưa đạt theo chỉ tiêu của Thủ tướng Chính phủ giao. Sau khi có những tác động từ Quyết định 861, thì Chính phủ đã ban hành Nghị định 75/2023/NĐ-CP về hỗ trợ 70% ngân sách từ Trung ương đối với người dân là đồng bào DTTS các xã vùng I khi tham gia BHYT tự nguyện. Điều này thể hiện rõ sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với người dân vùng sâu, vùng xa. 

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Tuấn Anh, Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh Lào Cai, với đặc thù là tỉnh vùng cao, trên 60% dân số là đồng bào DTTS, việc tuyên truyền vận động người dân tham gia BHYT tự nguyện thời gian qua gặp rất nhiều khó khăn.

“Tôi lấy ví dụ, với gia đình 05 khẩu nếu tham gia BHYT tự nguyện trước đây, thì mức đóng là 3.110.400 đồng/12 tháng, con số này sẽ là 4.043.520 đồng theo mức lương cơ sở mới từ ngày 1/7; tăng hơn 900 nghìn đồng, một con số không nhỏ với người dân vùng cao. Chính vì vậy, việc vận động người dân tham gia BHYT tự nguyện hiện đang gặp nhiều khó khăn”, ông Tuấn Anh nhấn mạnh.

6 tháng đầu năm 2024, tỷ lệ bao phủ BHYT toàn tỉnh Lào Cai đạt 93%
6 tháng đầu năm 2024, tỷ lệ bao phủ BHYT toàn tỉnh Lào Cai đạt 93%

Chính sách BHYT đã từng bước khẳng định và phát huy vai trò là một trong những trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội; là cơ chế tài chính y tế quan trọng giúp người dân khi bị ốm đau không bị rơi vào cảnh nghèo đói. Chính vì vậy, việc tuyên truyền, vận động người dân tham gia BHYT cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị; trong đó tăng cường các giải pháp kêu gọi, vận động nguồn tài trợ từ xã hội tiếp tục hỗ trợ các đối tượng còn khó khăn mua BHYT, hướng tới mục tiêu BHYT toàn dân.