Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

Văn hóa Mông trên lưng ngựa

Vàng Ni – Vân Long - 14:56, 10/04/2025

Có một bản giao hưởng len lỏi trên những cung đường đá tai mèo, nơi chỉ có trời xanh vời vợi, những vạt nắng rớt xuống lưng chừng núi và những bước chân của đồng bào Mông luôn cao hơn mọi đỉnh núi cao nhất. Bản giao hưởng ấy không chỉ đến từ khèn, từ sáo... mà đến từ những vó ngựa gõ nhịp, từ tiếng lục lạc leng keng, từ tiếng lọc xọc trên bộ yên cương gỗ, đã bạc màu sương gió. Với người Mông, con ngựa không đơn thuần chỉ là con vật thồ hàng, mà nó còn mang trên lưng cả tâm tình, cả văn hóa, cả linh hồn của người Mông.

Hình ảnh chú ngựa tại chợ phiên Bắc Hà, Lào Cai. (Ảnh Vàng Ni)
Hình ảnh con ngựa tại chợ phiên Bắc Hà, Lào Cai. (Ảnh Vàng Ni)

Người bạn đồng hành suốt đời

Ngựa là phương tiện di chuyển và vận chuyển hiệu quả nhất trong đời sống người Mông. Ngựa của người Mông nhỏ, nhưng dẻo dai, chỉ cần có cỏ ngon là đủ để băng đèo lội suối. Nó quen với sương sớm lạnh buốt, quen với những con dốc dựng đứng. Nhờ vậy, ngựa có thể sống cùng người Mông trên những đỉnh núi cao nhất, tách biệt với nhiều cộng đồng khác trước kia.

Từ những buổi chợ phiên tấp nập, những đoàn ngựa thồ nặng gùi ngô, bao tải thảo quả, cho đến những chuyến rong ruổi từ bản này sang bản khác, con ngựa luôn song hành cùng người Mông như một người bạn tri kỷ. Cứ như thế, ngựa trở thành một biểu tượng của sự bền bỉ, kiên cường – phẩm chất đặc trưng của người Mông trên dải đất này.

Không dừng lại ở một con vật nuôi, con ngựa còn gắn bó với mỗi gia đình như một người bạn thân tình. Từ bao đời nay, một hình ảnh gắn liền với người Mông trong những phiên chợ xa, những đoạn đường dài chính là cảnh người phụ nữ nắm đuôi ngựa mà đi bộ phía sau, nhường lưng ngựa cho chồng cưỡi lên. 

Giải đua ngựa tại Bắc Hà, Lào Cai
Giải đua ngựa tại Bắc Hà, Lào Cai

Ngựa không chỉ là phương tiện di chuyển của đàn ông, mà còn là nhân chứng cho sự nhẫn nại, hy sinh vì chồng con của người phụ nữ Mông. Ngựa không chỉ là món tài sản đơn thuần mà dần trở thành người bạn chứng kiến biết bao vui buồn của những gia đình. Từ tình yêu thương đó, ngựa đi vào văn hóa Mông một cách thầm lặng mà sâu sắc, như cách mà chính chúng vẫn lầm lũi cùng bà con làm giàu đẹp quê hương, ứng với những lời nhận xét của nhà sưu tầm văn hóa DTTS Phạm Văn Đồng (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội):

"Con ngựa không chỉ thồ người, thồ hàng, mà nó còn thồ từng áng mây, ánh nắng, thồ từng khối sương mù, thồ cả tâm tình, thồ cả văn hóa Mông về đất Việt Nam".

Nhà sưu tầm văn hóa DTTS Phạm Văn Đồng

Văn hóa Mông trên lưng ngựa

Nếu ai từng tham dự một cuộc đua ngựa truyền thống ở Bắc Hà (Lào Cai) hay mới đây ở Tam Đường (Lai Châu), chắc chắn sẽ hiểu vì sao con ngựa không đơn thuần chỉ là phương tiện di chuyển. Nó trở thành niềm kiêu hãnh, là biểu tượng của lòng dũng cảm và tinh thần thượng võ. Những chàng trai Mông cưỡi ngựa lao mình vun vút trên đường đua, chẳng cần roi vọt, chỉ bằng đôi chân và sự thấu hiểu giữa người và ngựa. Ở đó, không còn là cuộc đua, mà là một nghi thức của bản sắc, một bài ca của sức mạnh và sự tự do.

Đua ngựa tại Tam Đường, Lai Châu (Ảnh: Hà Minh Hưng)
Đua ngựa tại Tam Đường, Lai Châu (Ảnh: Hà Minh Hưng)

Ứng với câu tục ngữ của chính đồng bào "Giàu không nuôi vịt/nghèo không nuôi ngựa", cho đến hiện nay, không phải người Mông nào cũng có đủ kinh phí để tậu một con ngựa. Bởi chỉ riêng việc xây dựng chuồng trại, tích trữ thức ăn, học cách chăm sóc... cũng đã là một khoản tiêu tốn rất lớn của gia đình. Thế nhưng, một khi đã sở hữu, nó chính là sự khẳng định cho một gia thế thịnh vượng.

Trong văn học, văn nghệ dân gian của đồng bào, con ngựa xuất hiện với vô vàn sắc thái khác nhau. Nó đôi khi có mặt trong những ca khúc giao duyên, tôn vinh giá trị của người con gái xứng đáng được lưng ngựa rước về. Nhưng quen thuộc và đầy thương cảm là trong những tiếng hát than thân. Tỉ như những nàng dâu không may vào nhà không hạnh phúc sẽ chua xót ngâm rằng mình "như thân con ngựa thồ không biết hạ gánh, hạ đồ"(trích cuốn “Con ngựa trong văn hóa người HMông - Bắc Hà - Lào Cai”, NXB Văn hóa thông tin, năm 2014, tác giả Vũ Thị Trang). Hay như cách những người mồ côi than phận mình như con ngựa thỏ (tức những con gầy yếu) mà vẫn phải thồ hàng, lúc nào cũng có thể gục ngã, lăn xuống vực sâu.

Ngoài ra, ngựa còn xuất hiện trong nhiều thể loại khác như tục ngữ, ca dao, câu đố... hay trong tên gọi các vùng đất huyền thoại của đồng bào như ở Hà Giang có những dốc Thẩm Mã (kiểm tra sức ngựa), Mã Pí Lèng (Sống mũi ngựa)...

Dốc thẩm mã Hà Giang (Ảnh: Phóng viên Vũ Mừng, Báo Dân tộc và Phát triển)
Dốc thẩm mã Hà Giang (Ảnh: Phóng viên Vũ Mừng, Báo Dân tộc và Phát triển)

Không chỉ trong đời sống hằng ngày, ngựa còn có một vị trí quan trọng trong tín ngưỡng tâm linh của người Mông. Họ tin rằng, khi một người qua đời, linh hồn họ sẽ cần một con ngựa để vượt qua thế giới bên kia. Vì thế, trong nhiều nghi lễ tang ma, hình ảnh con ngựa dù là thật, hay chỉ tượng trưng trên vàng mã, hay chiếc chõng tre đều xuất hiện, như một phương tiện đưa tiễn linh hồn về miền cực lạc. "Ma ngựa" cũng là một con ma có năng lực ghê gớm mà gia đình người Mông nào cũng phải hết sức lưu ý để tránh nó vào nhà, làm bệnh hại.

Con ngựa đang dần vắng bóng...

Người Mông đã gắn bó với ngựa từ bao đời. Mỗi bước chân của nó không chỉ thồ hàng, thồ người, mà còn thồ cả ký ức của bao thế hệ. Ngựa đưa văn hóa Mông vượt khỏi những rẻo núi, mang sáo khèn xuống phố, đưa chợ phiên vùng cao đến gần với đồng bằng. Nó là sợi dây nối liền quá khứ với hiện tại, là nhịp cầu để văn hóa Mông không bị lãng quên giữa dòng chảy hiện đại.

Bộ yên cương ngựa xuất hiện trong triển lãm “Âm nhạc dân tộc Mông trong thế giớ đương đại” tại Hà Nội (2024) (ảnh: Hmong Culture)
Bộ yên cương ngựa xuất hiện trong Triển lãm “Âm nhạc dân tộc Mông trong thế giớ đương đại” tại Hà Nội (2024). (Ảnh: Hmong Culture)
Tuy nhiên, trước chia sẻ của anh Sùng A Cải, Chủ nhiệm dự án "Ước mơ triệu cây xanh" và là người con của đồng bào Mông tại Yên Bái: “Địa phương anh ít ngựa, giờ mọi người cũng bán hết rồi ấy". Thực tế đáng buồn, ngựa đang dần vắng bóng trong bản làng Mông, nhường chỗ cho xe đạp, xe máy, ô tô len lỏi đến tận những triền núi cao. 

Nếu những phiên chợ không còn dập dìu vó ngựa? Nếu một sinh vật đã thầm lặng cống hiến cho bao đời của đồng bào, bị thay thế bằng những cỗ máy kim loại một cách quá chóng vánh? Khi ấy, không chỉ một loài vật mất đi, mà cả một phần linh hồn của người Mông, của núi rừng Tây Bắc cũng trở thành một hoài niệm, mà không biết liệu có ngày trở lại...

Tin cùng chuyên mục
Cà Mau: Họp mặt mừng Chôl Chnăm Thmây năm 2025

Cà Mau: Họp mặt mừng Chôl Chnăm Thmây năm 2025

Ngày 12/4, tại chùa Monivongsa Bopharam, phường 1, TP. Cà Mau, Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Cà Mau long trọng tổ chức Họp mặt mừng Tết Chôl Chnăm Thmây năm 2025 của đồng bào dân tộc Khmer. Đến dự và tặng quà, hoa chúc mừng có ông Nguyễn Minh Luân, Uỷ viên Thường vụ Tỉnh uỷ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau; bà Nguyễn Thu Tư, Giám đốc Sở Dân tộc và Tôn giáo tỉnh Cà Mau; cùng tham dự có các đồng chí đại diện lãnh đạo Tỉnh uỷ, HĐND, UBND, Uỷ ban MTTQ Việt Nam tỉnh, các sở, ban, ngành và các phòng chuyên môn của Sở Dân tộc và Tôn giáo tỉnh Cà Mau.