Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Công tác Dân tộc

Vấn nạn tảo hôn ở Vân Canh

Thành Nhân - 19:19, 10/03/2023

Dù đã có sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền địa phương, nhà trường cùng các tổ chức chính trị xã hội để cung cấp các kiến thức, kỹ năng cũng như cảnh báo hậu quả của tảo hôn, nhưng đến nay, ở huyện Vân Canh (tỉnh Bình Định) tình trạng tảo hôn vẫn xảy ra thường xuyên.

Phòng Dân tộc huyện Vân Canh vận động Người có uy tín tham gia phòng chống tảo hôn
Phòng Dân tộc huyện Vân Canh vận động Người có uy tín tham gia phòng chống tảo hôn

Đi tìm nguyên nhân

Thống kê của ngành chức năng huyện Vân Canh, cho thấy: Năm 2011, toàn huyện có 29 trường hợp tảo hôn; năm 2012: 33 trường hợp; năm 2013: 39 trường hợp; năm 2014: 52 trường hợp; năm 2015: 18 trường hợp; năm 2020: 36 trường hợp; năm 2021: 17 trường hợp; năm 2022: 19 trường hợp. Các xã có nhiều trường hợp tảo hôn là Canh Hòa, Canh Liên và Canh Hiệp; cá biệt tại xã Canh Hiệp có trường hợp trẻ em gái mới 14 - 15 tuổi đã kết hôn.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến nạn tảo hôn, như: Do ảnh hưởng của phong tục, tập quán lạc hậu; trình độ dân trí và nhận thức pháp luật của người dân còn hạn chế; tuyên truyền, giáo dục giới tính cho thanh thiếu niên chưa được quan tâm đúng mức. Tuy nhiên, việc này cũng có phần trách nhiệm của chính quyền địa phương và các tổ chức hội, đoàn thể. Nhiều trường hợp, dù địa phương biết việc kết hôn của các đôi “vợ chồng non” là vi phạm pháp luật, nhưng không cương quyết ngăn chặn; đợi cô dâu chú rể cưới xong mới gọi lên nhắc nhở rồi cho qua.

Theo ông Sô Lan Tài - Trưởng Phòng Dân tộc huyện Vân Canh, tình trạng tảo hôn tồn tại dai dẳng trước tiên là do nhiều phụ huynh thiếu kiến thức về sức khỏe sinh sản, thiếu sự giáo dục giới tính cho con. Cùng với đó là trình độ dân trí thấp, nhận thức về pháp luật trong vùng đồng bào DTTS còn nhiều hạn chế.

Năm 2022, xã Canh Hòa là địa phương “dẫn đầu” huyện về tảo hôn với 7 trường hợp. Ông Nguyễn Văn Kim - Chủ tịch UBND xã Canh Hòa, lý giải: “Các trường hợp tảo hôn đều tập trung ở đồng bào dân tộc Chăm làng Canh Thành. Mặc dù thực hiện nhiều biện pháp tuyên truyền, nhưng các trường hợp này đều bỏ học sớm, chưa có sự quan tâm của gia đình, các em tự do làm mọi việc mình thích nên thường mắc sai lầm, làm mẹ sớm dẫn đến tảo hôn”.

Cũng trong năm 2022, thị trấn Vân Canh có 5 trường hợp tảo hôn, tập trung ở khu phố Hiệp Hội, trong khi năm 2021 không xảy ra trường hợp nào. Phó Chủ tịch UBND thị trấn Vân Canh Lê Văn Thanh chia sẻ: “Chúng tôi đang cố gắng từng bước nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi về hôn nhân và gia đình cho giới trẻ, nhưng công việc này rất khó thực hiện”.

Hội LHPN huyện Vân Canh tích cực tuyên truyền phòng chống tảo hôn
Hội LHPN huyện Vân Canh tích cực tuyên truyền phòng chống tảo hôn

Cần quyết liệt vào cuộc

Câu chuyện thay đổi nhận thức nhằm góp phần nâng cao chất lượng dân số, sức khỏe, nguồn nhân lực vùng đồng bào DTTS là cả một quá trình “mưa dầm thấm lâu”. Trong đó, để đẩy lùi tình trạng tảo hôn trên địa bàn huyện Vân Canh, cần sự vào cuộc mạnh mẽ hơn của các cấp, các ngành, hội đoàn thể, tạo sức mạnh tổng hợp.

Thực tế cho thấy, việc nhân rộng các mô hình giảm thiểu tảo hôn hoặc chia sẻ rộng rãi những câu chuyện có thật từ những người DTTS có uy tín, học tập, thành đạt và kết hôn đúng tuổi sẽ có hiệu quả thiết thực đối với công tác này. Đơn cử là các mô hình nâng cao trách nhiệm của các làng, thôn, gia đình khi đưa các chỉ tiêu liên quan đến tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống vào hương ước, quy ước, ký cam kết thi đua không vi phạm; phân công cán bộ thường xuyên đứng chân từng thôn, làng; ký cam kết không để xảy ra tảo hôn giữa gia đình với ban quản lý thôn, làng... Trong đó, xã Canh Hiệp là địa phương thực hiện tốt các mô hình này, góp phần đẩy lùi được tình trạng tảo hôn trong năm 2022.

Bà Phạm Thị Thủy - Chủ tịch Hội LHPN huyện Vân Canh, cho biết: Các cấp hội sẽ tích cực bám cơ sở, nắm bắt tâm tư nguyện vọng, những vướng mắc, nêu gương người tốt việc tốt trong thực hiện Luật Hôn nhân và gia đình, các lĩnh vực khác để thay đổi nhận thức bà con vùng đồng bào DTTS. Trọng tâm là nhắc nhở chị em quan tâm, gần gũi con cái để kịp thời uốn nắn, động viên, hướng dẫn con em mình không kết hôn sớm.

Thời gian qua, lực lượng già làng, Người có uy tín cũng góp phần ngăn chặn kịp thời nạn tảo hôn, nhiều Người có uy tín đã lồng ghép những quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình vào nội dung cuộc hội họp, sinh hoạt để người dân làm quen, hiểu và tuân thủ. Ông Sô Lan Tài đánh giá, những Người có uy tín là một trong những lực lượng mũi nhọn ở cơ sở trong công tác tuyên truyền nhằm đẩy lùi, tiến tới xóa bỏ nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. Họ luôn hoàn thành tốt vai trò vận động, tuyên truyền tại thôn làng.

Ông Nguyễn Xuân Việt - Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Vân Canh thông tin thêm: Địa phương sẽ tiếp tục triển khai sâu rộng Đề án Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng DTTS trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025. Trong đó, trọng tâm là tăng cường công tác chỉ đạo, tổ chức thực hiện, bố trí kinh phí để tuyên truyền, ngăn chặn tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống tại địa phương, tập trung vào đối tượng học sinh đang học tại các trường bán trú, nội trú và các thanh niên bỏ học.

Tin cùng chuyên mục
Thanh Hóa: Biểu dương thanh niên, sinh viên tiêu biểu và gương khởi nghiệp trong vùng đồng bào DTTS và miền núi

Thanh Hóa: Biểu dương thanh niên, sinh viên tiêu biểu và gương khởi nghiệp trong vùng đồng bào DTTS và miền núi

Tỉnh đoàn Thanh Hóa vừa phối hợp với Ban Dân tộc tỉnh tổ chức Hội nghị Biểu dương thanh niên, sinh viên tiêu biểu và tấm gương khởi nghiệp thành công trong vùng đồng bào DTTS và miền núi năm 2024, tại Tp. Sầm Sơn. Tham dự Hội nghị có 300 cán bộ, đoàn viên thanh niên (ĐVTN) tiêu biểu trong vùng đồng bào DTTS và miền núi.