Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Xã hội

Vấn nạn trẻ em DTTS bị đuối nước: Ám ảnh những nỗi đau (Bài 1)

Lê Hường-Thùy Dung - 19:07, 05/07/2021

Những năm qua, tình trạng trẻ em đuối nước luôn để lại nỗi đau, sự ám ảnh không chỉ cho chính các bậc phụ huynh, mà cho cả cộng đồng xã hội. Mặc dù, các cơ quan chức năng, nhà trường, xã hội, các phương tiện truyền thông... cảnh báo rất nhiều, nhưng trên thực tế tình trạng trẻ em đuối nước vẫn đang liên tiếp xảy ra. Minh chứng như trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên, trong những năm gần đây, liên tiếp xảy ra những vụ tai nạn đuối nước, khiến hàng chục trẻ em tử vong. Hầu hết, các vụ tai nạn này đều rơi vào vùng sâu, vùng DTTS và miền núi, nạn nhân là người DTTS. Điều đó, chứng tỏ công tác tuyên truyền và các giải pháp phòng chống đuối nước ở trẻ chưa hiệu quả, vẫn là bài toán gian giải...

Vợ chồng anh Thào Văn Lìn và Lù Thị Xuyến vừa mất hai đứa con do tai nạn đuối nước
Vợ chồng anh Thào Văn Lìn và Lù Thị Xuyến vừa mất hai đứa con do tai nạn đuối nước

Nỗi đau dai dẳng...

Mỗi khi khi hè đến, trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên lại liên tục xảy ra tình trạng đuối nước. Những cái chết thương tâm của trẻ em dù đã được cảnh báo trước nhưng vẫn không tránh khỏi khiến nỗi đau càng thêm ám ảnh, day dứt…

Xã vùng sâu Cư Pui, huyện Krông Bông, tỉnh Đắk Lắk là địa phương thường xuyên xảy ra các tai nạn thương tích ở trẻ, đặc biệt là đuối nước. Từ đầu năm 2021 đến nay, trên địa bàn xã đã xảy ra 4 vụ đuối nước, khiến 5 người tử vong, trong đó có 4 trẻ em DTTS.

Đã gần 1 tháng trôi qua, vợ chồng anh Thào Văn Lìn và chị Lù Thị Xuyến, dân tộc Mông ở thôn Ea Bar, xã Cư Pui vẫn chưa thể nguôi ngoai nỗi đau cùng lúc mất đi hai đứa con. Chiều ngày 24/5, vợ chồng anh Lìn đi ra đồng gặt lúa, vì không có người trông coi nên đành dẫn hai con trai là Thào Minh H. (5 tuổi) và Thào Minh Đ. (4 tuổi) và để các con chơi ở chòi. Mải làm việc không để ý, đến chiều không thấy con trong chòi hai vợ chồng anh Lìn, chị Xuyến hốt hoảng đi tìm thì thấy các con đã tử vong dưới mương nước gần đó.

Ông Sùng Minh Sơn, Trưởng thôn Ea Bar chia sẻ: Hoàn cảnh gia đìnhh anh Lìn, chị Xuyến thuộc diện nghèo của xã. Hai vợ chồng cùng 25 tuổi và mới có hai con là H. và Đ. Tai nạn xảy ra để lại nỗi đau xót vô cùng đối với họ, và cũng là nỗi ám ảnh của người dân thôn Ea Bar.

Tương tự, hơn 1 tháng trước, tại xã Ia Sao, huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai cũng xảy ra 2 vụ tai nạn đuối nước, cướp đi sinh mạng của 2 trẻ. Sự việc đau lòng xảy ra với bé trai dân tộc Gia Rai, mới 17 tháng tuổi, bị tử vong trong bể cá trước nhà, khiến người nhà không khỏi xót xa, ân hận. Giữa tháng 6, cha của cháu Myưn ở làng Dút 1 bị bệnh, phải nằm viện nên mẹ bé gửi con cho ông bà trông để vào viện chăm chồng. Do không sát sao để ý, cháu Myưn bò đến bể cá trong sân và rơi xuống. Đến khi bà phát hiện thì cháu đã tử vong trong bể cá.

Trước đó, giữa trưa một ngày đầu tháng 5, một nhóm học sinh gồm 3 em rủ nhau ra đồng chơi, không may em L.X.L trú tại thôn Tân Lập trượt chân té xuống ao của người dân. Do không biết bơi, L. đã bị đuối nước. Được biết, gia đình L. thuộc diện khó khăn, cha mẹ đi làm xa, cháu ở nhà với bà ngoại, thiếu sự giám sát của người lớn nên đã xảy ra sự việc đau lòng trên.

Ông Nguyễn Tiến Dũng, Chủ tịch UBND xã Ia Sao, huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai chia sẻ, các vụ tai nạn đuối nước xảy ra trên địa bàn thời gian qua, nguyên nhân chính là do sự chủ quan của gia đình. Phần lớn trẻ em thường hiếu động, nếu người lớn không giám sát chặt chẽ rất dễ dẫn đến những tai nạn thương tâm.

Để giúp người dân nâng cao nhận thức, chú trọng giám sát chặt chẽ con trẻ khi đến chơi ở những nơi nguy hiểm, chính quyền địa phương đã thường xuyên tuyên truyền phòng, chống tai nạn đuối nước, lồng ghép qua các buổi họp thôn, làng hàng tháng, đặc biệt là mùa hè và mùa mưa. Xã cũng đã đặt các biển báo, biển cấm để người dân chú ý và về nhắc nhở con cái trong gia đình. Tuy nhiên, cũng không tránh được những tai nạn đáng tiếc như vừa qua.

Người lớn lơ là, con trẻ gặp nạn

Theo báo cáo của Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Đắk Lắk, những năm gần đây, tình trạng đuối nước trên địa bàn tỉnh liên tục tăng. Năm 2019, toàn tỉnh có 58 trẻ tử vong do đuối nước, đến năm 2020 tăng lên 73 em. Từ đầu năm 2021 đến nay, trên địa bàn tỉnh xảy ra 31 vụ đuối nước, làm 41 trẻ em tử vong, so với 6 tháng đầu năm 2020, số trẻ tử vong tăng 21 trường hợp.

Trên thực tế, ngành Lao động-Thương binh và Xã hội các tỉnh Tây Nguyên đã triển khai nhiều biện pháp phòng chống đuối nước và tai nạn thương tích ở trẻ. Tuy nhiên, để có thể hạn chế thấp nhất những tai nạn đuối nước xảy ra cho trẻ em, rất cần sự cảnh giác cao độ, sự theo dõi sát sao của các bậc phụ huynh, đặc biệt là trong những ngày hè.

Trẻ em vùng Tây Nguyên thường tắm ở các ao, hồ, sông, suối
Trẻ em vùng Tây Nguyên thường tắm ở các ao, hồ, sông, suối

Theo ông Nguyễn Văn Tâm, Bí thư Đảng ủy xã Cư Pui, huyện Krông Bông, tỉnh Đắk Lắk, hầu hết các vụ đuối nước trên địa bàn rơi vào vùng DTTS. Gần như năm nào trên địa bàn xã cũng có trẻ em tử vong do đuối nước, nên  xã, nhà trường cũng đã  rất chú trọng công tác tuyên truyền đến các bậc phụ huynh cảnh báo thực tế này. 

Đảng ủy xã cũng đã phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo, huyện Đoàn Krông Bông, mở các lớp dạy bơi miễn phí, các khóa học phòng chống tai nạn thương tích cho học sinh trên địa bàn để hạn chế những vụ việc đau lòng xảy ra.

Ông Nguyễn Duy Tuyết, Trưởng phòng Bảo trợ xã hội, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Đắk Lắk nhìn nhận, tình trạng trẻ đuối nước tăng trong hai năm qua, còn do ảnh hưởng một phần của dịch bệnh Covid-19. Một số thời điểm phải giãn cách xã hội, học sinh nghỉ học dài ngày nên rủ nhau đi chơi, thiếu sự giám sát của người lớn dẫn đến đuối nước. Đặc biệt, đối với trẻ em vùng sâu, vùng xa, vùng DTTS không được tiếp cận với việc dạy bơi, học kỹ năng an toàn phòng chống đuối nước, nên khi xảy ra tai nạn thì không tự cứu được mình...

Tin cùng chuyên mục
Tham vấn tác động của Dự án kênh đào Phù Nam - Techo đến Đồng bằng sông Cửu Long

Tham vấn tác động của Dự án kênh đào Phù Nam - Techo đến Đồng bằng sông Cửu Long

Theo các chuyên gia, nhà khoa học, việc triển khai Dự án kênh đào Phù Nam - Techo của Campuchia sẽ tác động đến môi trường và hệ thống nước sông Mê Kông, nhất là trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp. Vì vậy, việc tham vấn, đánh giá độc lập về dự án được quan đặc tâm đặc biệt, từ đó chuyển tải các ý kiến đến Ủy hội sông Mê Kông quốc tế và phía Campuchia.