Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Kinh tế

Văn Quan (Lạng sơn): Đẩy mạnh phát triển sản phẩm chủ lực từ cây hồi

PV - 16:53, 17/06/2019

Huyện Văn Quan có 12.500ha cây hồi, chiếm 1/3 diện tích trồng cây hồi toàn tỉnh Lạng Sơn. Doanh thu từ hồi đem lại thu nhập cho người dân toàn huyện khoảng 350-450 tỷ đồng mỗi năm, góp phần giúp người dân giảm nghèo, vươn lên làm giàu.

Hồi được sấy khô trước khi đem chưng cất thành tinh dầu. Hồi được sấy khô trước khi đem chưng cất thành tinh dầu.

Theo ông Nguyễn Văn Sáng, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Văn Quan, những năm gần đây, cây hồi phát triển rất tốt trên đất Văn Quan, với năng suất thu hoạch bình quân đạt 1,32 tấn/ha hồi tươi. Toàn huyện Văn Quan bình quân mỗi năm cung ứng được trên 22.000 tấn hồi tươi. Với mức giá hồi tươi dao động khoảng 13.000-15.000 đồng/kg, hồi khô 80.000 đồng/kg, giúp cho bà con có thu nhập khá.

“Từ đầu vụ 2019 đến nay sản phẩm hồi khô có giá khoảng 115.000 đồng/kg, tăng khoảng 35.000 đồng/kg so đầu vụ”, ông Sáng cho biết.

Theo kế hoạch của huyện Văn Quan, từ năm 2019, huyện đưa cây hồi phát triển theo hướng trở thành sản phẩm chủ lực, theo quy trình hữu cơ và xây dựng mô hình sản xuất sản phẩm hồi theo chuỗi giá trị. Mục tiêu đến năm 2025, huyện nâng diện tích công nhận hồi hữu cơ lên 800ha, về lâu dài sẽ xây dựng sản phẩm hữu cơ trên toàn bộ diện tích hồi của huyện.

Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Văn Quan Nguyễn Văn Sáng cho biết: Để tạo điều kiện tốt nhất cho bà con Nhân dân mở rộng diện tích hồi hữu cơ, UBND huyện cũng đã mở các lớp tập huấn cho bà con về quy trình trồng và chăm sóc hồi như: kỹ thuật chọn cây giống, mật độ trồng, cách chăm sóc, phòng sâu bệnh... Song song với đó UBND huyện cũng đã làm chỉ dẫn địa lý cụ thể trên địa bàn huyện Văn Quan, tìm kiếm, mở rộng thị trường tiêu thụ hồi.

Được biết, hiện trên địa bàn huyện Văn Quan mới chỉ có một cơ sở sản xuất trưng cất tinh dầu hồi của tư nhân. Đó là cơ sở của anh Nông Văn Tú ở thôn Nà Hấy, xã Bình Phúc (Văn Quan). Anh Tú cho biết: Mỗi năm cơ sở của gia đình anh sản xuất, chế biến và tiêu thụ được khoảng từ 7.000-8.000 lít tinh dầu hồi. Với giá tinh dầu hồi dao động khoảng 500-600 nghìn đồng/lít.

Tuy nhiên, cơ sở sản xuất của anh Tú hiện vẫn chủ yếu chưng cất tinh dầu hồi theo kiểu truyền thống. Để trưng cất được một mẻ tinh dầu hồi phải mất 3 ngày 3 đêm nên sản lượng tinh dầu hồi được trưng cất so với sản lượng hồi của địa phương là không đáng kể.

Để mở rộng thị trường tiêu thụ hồi trong nước và quốc tế, huyện Văn Quan đã có chiến lược xây dựng cụm công nghiệp chế biến hồi thô và chưng cất tinh dầu hồi đảm bảo chất lượng, mẫu mã, màu sắc. Đây là Dự án cấp Nhà nước được Bộ Khoa học-Công nghệ đồng ý, Dự án đi sâu vào công nghệ sấy, chưng cất các chất từ hồi. Việc xây dựng thành công nhà máy hồi chuyên sản xuất, chế biến với thiết bị hiện đại, tầm cỡ, đủ khả năng thu mua, bao tiêu toàn bộ sản lượng hồi sẽ giúp chính người trồng hồi được hưởng lợi, có đầu ra ổn định, bền vững, góp phần nâng cao giá trị của sản phẩm hồi và thương hiệu mang tên hồi Văn Quan sẽ đáp ứng yêu cầu xuất khẩu sang các thị trường khó tính.

THÚY HỒNG

Tin cùng chuyên mục
Triển lãm thành tựu kinh tế - xã hội Đắk Lắk chào mừng kỷ niệm 120 năm thành lập tỉnh

Triển lãm thành tựu kinh tế - xã hội Đắk Lắk chào mừng kỷ niệm 120 năm thành lập tỉnh

Sáng 22/11, Ban Tổ chức các hoạt động Kỷ niệm 120 năm thành lập tỉnh Đắk Lắk tổ chức khai mạc Triển lãm “Thành tựu kinh tế - xã hội tỉnh Đắk Lắk chào mừng kỷ niệm 120 năm Ngày thành lập tỉnh; 80 năm ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam; 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân”. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Tuấn Hà tham dự.