Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sự kiện - Bình luận

Vạn tấm lòng hướng về đồng bào

Nguyễn Thanh - 15:11, 27/08/2021

“Bão dịch” Covid-19 tràn về khiến nhiều bản làng của đồng bào DTTS cũng không thể tránh khỏi. Những trường hợp lây nhiễm từ cộng đồng, những trường hợp nghi nhiễm… đã biến bao trường học, Nhà sinh hoạt cộng đồng, Trạm Y tế thành khu cách ly tập trung. Cuộc sống vùng đồng bào DTTS ngày thường vốn khó khăn nay càng thêm chật vật...

Hỗ trợ lương lực và hàng hóa cho đồng bào khu vực cách ly xã Dân Hóa, huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình
Hỗ trợ lương lực và hàng hóa cho đồng bào khu vực cách ly xã Dân Hóa, huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình

Những khu cách ly giữa đại ngàn

Ấn tượng khó phai đối với chúng tôi trong những tháng ngày dịch bệnh vừa qua, là những cán bộ y tế trong lỉnh kỉnh đồ bảo hộ, lội suối, vượt dốc giữa nắng nóng gay gắt để thực hiện nhiệm vụ truy vết, xét nghiệm những người dân trong vùng nghi nhiễm nơi miền Tây xứ Nghệ. Suốt ngày chỉ quen với nương rẫy, có người đến tiếng phổ thông còn chưa sõi… đã ngơ ngác khi lực lượng chức năng chăng dây, khoanh vùng để cách ly. Câu chuyện đã là kí ức khó quên với người Khơ Mú ở bản Chăm Puông, xã Lượng Minh, huyện Tương Dương và bản La Ngan, Lưu Tiến, xã Chiêu Lưu, huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) cách nay hơn 1 tháng.

Ở thời điểm hiện tại, vùng đồng bào DTTS ở Nghệ An đang có rất nhiều trường hợp F0, cùng  F1, F2 và nhiều công dân đi từ vùng dịch, từ địa bàn khác về đang thực hiện cách ly. Theo đó, huyện Quế Phong có 40 ca F0; Kỳ Sơn có 36 ca F0, 155 F1, 4 F2; Con Cuông có 11 ca F0; Tương Dương có  29 ca F0, 251 ca F1. 

Và rồi, khi những ca nhiễm Covid-19 được phát hiện đã hình thành nên những khu cách ly bất đắc dĩ giữa đại ngàn. Tại Nghệ An, gần như các huyện, xã vùng miền núi nơi có đông đồng bào DTTS sinh sống, đã phải trưng dụng nhiều trường học, trạm y tế làm điểm cách ly.

Chủ tịch UBND huyện Tương Dương (Nghệ An) Phan Đức Sơn kể: Những ngày dịch bệnh bùng phát ở bản Chăm Puông là những ngày cán bộ, chính quyền và Nhân dân xã, huyện “ăn không ngon, ngủ không yên”. Chúng tôi vừa nỗ lực dập dịch vừa phải đảm bảo đủ nhu yếu phẩm cho bà con vùng cách ly. Có rất nhiều khó khăn ảnh hưởng đến quá trình truy vết, cách ly là phần đông bà con không quen nói tiếng phổ thông, nhận thức hạn chế, địa bàn biệt lập, giao thông khó khăn…

Đoàn công tác huyện Đakrông, Quảng Trị tặng quà cho chốt phòng dịch tại thôn Cu Tài 1 xã A Bung
Đoàn công tác huyện Đakrông, Quảng Trị tặng quà cho chốt phòng dịch tại thôn Cu Tài 1 xã A Bung

Dịch bệnh Covid-19 cũng khiến 176 hộ dân người Pa Cô, ở thôn Cu Tài 1 xã A Bung huyện Đakrông (Quảng Trị) đang phải cách ly theo Chỉ thị 16. Cuộc sống của người Pa Cô trên đỉnh Trường Sơn chỉ quen với nương rẫy, nay trở nên khó khăn thêm bội phần với những nguy cơ hiện hữu. Những con đường mòn vắt qua bao dốc núi, nối các bản làng đã phải chăng dây, tạm ngừng lưu thông. Những chốt dã chiến phòng chống dịch cũng đã được lập lên ngay đầu bản, với lệnh giới nghiêm “nội bất xuất, ngoại bất nhập” được ban bố. 

Chủ tịch UBND huyện Đakrông (Quảng Trị) Thái Ngọc Châu tâm sự: Ngay khi xuất hiện các ca bệnh đầu tiên, đội ngũ y bác sỹ đã cấp tốc lấy mẫu truy vết các trường hợp liên quan. Vì đồng bào ở đây sống tập trung, lại có mối quan hệ họ hàng nên tiếp xúc nhiều, trong khi nhận thức về phòng, chống dịch bệnh còn hạn chế nên số lượng các trường hợp F1, F2 khá đông (6 F1, 125 F2).

Cho đến bây giờ, khi đã dỡ bỏ lệnh cách ly theo Chỉ thị 16, nhưng người dân xã 30a Dân Hóa, huyện Minh Hóa (Quảng Bình) vẫn còn rất ám ảnh. Với rất nhiều người, có lẽ đây là lần đầu tiên trong đời, họ bắt buộc phải cách ly, lấy mẫu xét nghiệm… để khẳng định chắc chắn về virus Sar-cov-2. 

Ông Đoàn Phúc Hạnh, Chủ tịch UBND xã Dân Hóa, huyện Minh Hóa (Quảng Bình) cho biết: Tỉ lệ đồng bào DTTS của xã đến 87%. Quá trình cách ly, truy vết, lấy mẫu gặp rất nhiều vất vả vì địa bàn rộng, nhiều đồi núi và suối gây chia cắt. Đặc biệt là giai đoạn cách ly theo Chỉ thị 16 thì rất khó khăn, bởi đồng bào không thể đi nương rẫy sản xuất, không thể ra ngoài xã mua bán, trao đổi. Xã đã phải cầu cứu huyện và các ban ngành cấp trên hỗ trợ.

Nhiều tấn hàng hóa đã được chuyển đến bà con bản Chăm Puông ngày dịch bệnh
Nhiều tấn hàng hóa đã được chuyển đến bà con bản Chăm Puông trong thời gian cách ly, phòng chống dịch bệnh

Vạn tấm lòng hướng về đồng bào

Ngay sau khi thôn Cu Tài 1 phải thực hiện cách ly theo Chỉ thị 16, 167 hộ dân người Pa Cô gặp nhiều khó khăn. Tại phiên họp khẩn của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh Covid-19 xã A Bung, huyện Đakrông (Quảng Trị) đã chỉ đạo lực lượng thanh niên phát huy tinh thần tình nguyện để tăng cường công tác tuyên truyền vận động Nhân dân chấp hành tốt việc cách ly y tế; đồng thời tham gia cùng lực lượng vũ trang chốt chặn phong tỏa thôn Cu Tài 1, tình nguyện hỗ trợ các hộ gia đình có nhu cầu mua sắm các nhu yếu phẩm thiết yếu. 

Ban Chỉ đạo phòng chống dịch xã A Bung đã ra lời kêu gọi cán bộ, Đảng viên và Nhân dân trên địa bàn phát huy nội lực, tinh thần tương thân, tương ái hướng về bà con thôn Cu Tài 1, nhằm kịp thời hỗ trợ các nhu yếu phẩm cho các hộ gia đình khó khăn trong quá trình cách ly y tế. 

Ông Thái Ngọc Châu, Chủ tịch UBND huyện Đakrông (Quảng Trị) nói: UBND xã A Bung đã thành lập Tổ tiếp nhận và phân phối hàng cứu trợ phối hợp với ban quản lý thôn Cu Tài 1 tiến hành rà soát nhu cầu của bà con nhân dân trong thôn, đặc biệt các hộ có hoàn cảnh khó khăn, neo đơn... nhằm phân phối, hỗ trợ kịp thời các nhu yếu phẩm đến tay bà con Nhân dân trong khu vực bị phong tỏa.

Tinh thần tương trợ với bà con vùng dịch ở bản Chăm Puông hay La Ngan, Lưu Tiến của miền núi Nghệ An đã là động lực lớn để đồng bào Khơ Mú vượt qua dịch bệnh. Kể từ khi thực hiện lệnh phong tỏa với các bản làng này, các huyện Kì Sơn, Tương Dương đã huy động nhân lực, phương tiện, nhu yếu phẩm gửi vào hỗ trợ bà con đang bị cách ly. 

Ông Phan Đức Sơn, Chủ tịch UBND huyện Tương Dương (Nghệ An) cho hay: Ngoài huy động trong huyện, chúng tôi đã tiếp nhận tiền, hàng hóa nhu yếu phẩm tương ứng hơn 3,8 tỉ đồng và đã chuyển đầy đủ, kịp thời đến bà con vùng dịch. Chưa bao giờ, tinh thần thương thân tương ái lại phát huy mạnh mẽ như lúc này.

Đồng bào bản Chăm Puông những ngày cách ly, tháng 7/2021
Đồng bào bản Chăm Puông những ngày cách ly, tháng 7/2021

“Không ai bị bỏ lại phía sau” không chỉ là khẩu hiệu đơn thuần, mà còn là phương châm hành động của các cấp chính quyền, cùng người dân hướng về đồng bào bị cách ly. Cũng nhờ tinh thần sẻ chia, tương trợ ấy mà cuộc sống thường ngày của bà con ở những bản làng thực hiện Chỉ thị 16, những khu cách ly tập trung ở vùng rẻo cao… vẫn đảm bảo. Không thể đủ đầy so với khu vực ngoài vùng cách ly, nhưng đó là tất cả tình người, là nỗ lực lớn thể hiện sự quan tâm của cả cộng đồng dành cho những người không may bị nhiễm Covid-19.

Khi thực hiện bài viết này, chúng tôi đã được lãnh đạo một số địa phương khẳng định rằng: Không để đồng bào DTTS bị thiếu đói do bị ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19. Phối hợp kiểm tra, giám sát, đôn đốc triển khai các gói cứu trợ của Nhà nước đến những người là đồng bào DTTS nói riêng và người bị ảnh hưởng dịch bệnh ở vùng đồng bào DTTS nói chung. Đó là tinh thần chỉ đạo vừa bám sát thực tiễn, vừa thể hiện trách nhiệm cao của cả hệ thống chính trị trong việc chăm lo cho người dân trước dịch bệnh.

Dịch bệnh đang diễn biến rất phức tạp, không ai dám chắc đâu là đợt cách ly, khoanh vùng truy vết cuối cùng. Trước thực tế này, các địa phương khu vực miền núi đã và đang đẩy mạnh tuyên truyền, vận động đồng bào DTTS thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19; tham gia tuần tra, ngăn chặn xuất nhập cảnh trái phép… để hạn chế dịch bệnh lây lan trong cộng đồng.

(Nội dung thông tin, tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ)

Tin cùng chuyên mục
Du lịch nội địa - Bao giờ mới chuyên nghiệp?

Du lịch nội địa - Bao giờ mới chuyên nghiệp?

Lạm thu phí tham quan di tích, danh lam thắng cảnh; khâu tổ chức phân luồng kém dẫn đến tình trạng nhốn nháo, lộn xộn, tắc nghẽn trên đường lên tham quan di tích; cáp treo quá tải nhưng nhà ga vẫn tiếp tục bán vé để mặc du khách xếp hàng đợi cả vài tiếng đồng hồ… Đây là thực trạng đã và đang diễn ra nhiều năm nay tại không ít điểm tham quan di tích, danh lam thắng cảnh ở Việt Nam khiến du khách không khỏi bức xúc, thất vọng.