Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Kinh tế

Vạn Thạnh trước thông tin trở thành trung tâm của đặc khu kinh tế

PV - 13:48, 22/05/2018

Lén lút phá rừng, san lấp đầm-đìa tôm để gom đất, đầu cơ đất; tiền hỗ trợ người gặp bão lụt suýt chạy vào nhà cán bộ; xây dựng trái phép, lập hàng rào cát cứ bãi biển làm du lịch… là những chuyện nóng bỏng đang diễn ra ở xã Vạn Thạnh, huyện Vạn Ninh (Khánh Hòa).

Người dân mong sớm được trả lại sự yên bình vốn có cho vùng biển đảo này.

Đua nhau gom đất, phá rừng

Từ khi nghe được thông tin Khu kinh tế Vân Phong sẽ thành đặc khu và xã Vạn Thạnh là trung tâm của đặc khu nên “cò” đất từ khắp nơi đổ xô về để thu gom đất. Đất đầm, các đìa tôm của nông dân cũng sẵn sàng mua và cho san lấp. Nhiều người dân bị lôi kéo bán hết đất đìa tôm, nguy cơ tương lai sẽ mất kế sinh nhai. Tình trạng này diễn ra liên tục nhưng chính quyền xã Vạn Thạnh vẫn không có biện pháp xử lý.

Việc kinh doanh du lịch ở xã Vạn Thạnh cũng đang diễn ra rất bát nháo. Việc kinh doanh du lịch ở xã Vạn Thạnh cũng đang diễn ra rất bát nháo.

 

Thậm chí nhiều lô đất, đìa tôm được san lấp rồi chuyển nhượng trái phép ngay cạnh UBND xã Vạn Thạnh.

Không chỉ san lấp, chuyển nhượng trái phép, nhiều khoảnh rừng tự nhiên trên vịnh Vân Phong như: Hòn Trì, Hòn Ngang, Hòn Mới, Hòn Đỏ... còn bị phá tan nát để đóng cọc phân lô. Ông Lê Văn Hạnh sống lâu năm ở thôn Điệp Sơn (xã Vạn Thạnh) cho biết: Nếu có phân lô hay bán thì phải do Nhà nước đứng ra và có biện pháp quy hoạch rõ ràng chứ để những kẻ đầu cơ đến náo loạn thế này thì rất ảnh hưởng đến dân chúng.

Theo UBND huyện Vạn Ninh thì: Do thông tin địa phương chuẩn bị trở thành đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt Bắc Vân Phong nên các tổ chức, cá nhân trong, ngoài tỉnh đã và đang giao dịch thực hiện chuyển nhượng đất tương đối nhiều, đẩy giá đất tăng. Chỉ trong 3 tháng đầu năm 2018, địa phương đã tiếp nhận và giải quyết 2.253 hồ sơ liên quan đến đất đai, bằng 65,3% tổng số hồ sơ cả năm 2017. Tình hình lấn chiếm, sử dụng đất sai mục đích... trên địa bàn huyện diễn biến phức tạp, xảy ra tập trung tại 3 xã Vạn Thọ, Vạn Thạnh, Vạn Hưng. Đối với tình trạng lấn chiếm đất đai tại xã Vạn Thạnh, huyện Vạn Ninh đã tiến hành kiểm tra 24 lượt, phát hiện 8 khu vực bị chặt phá cây với khoảng 14ha đất công do xã Vạn Thạnh quản lý.

Trước những diễn biến phức tạp này, ngày 9/5/2018, UBND tỉnh Khánh Hòa đã có công văn khẩn chỉ đạo UBND huyện Vạn Ninh cùng nhiều sở, ngành có biện pháp ổn định đời sống người dân, tạm ngưng việc san nhượng, chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Tuy nhiên, theo nhiều người dân ở xã Vạn Thạnh nếu không có giải pháp bền vững thì khó ổn định lâu dài.

Lợi dụng tiền hỗ trợ

Tại thôn Điệp Sơn, cuối tháng 4/2018, chính quyền xã Vạn Thạnh đã đưa hàng loạt cán bộ chủ chốt trong xã vào danh sách hưởng tiền hỗ trợ thiệt hại bão lũ do cơn bão số 12 xảy ra từ cuối năm 2017, trong khi đó nhiều người dân nghèo thiệt hại nặng nề lại không có tên trong danh sách hỗ trợ. Sau khi nắm bắt tình hình, UBND huyện Vạn Ninh đã đình chỉ việc chi hỗ trợ để rà soát lại. Nhiều người dân bị thiệt hại nặng đều là dân nghèo mong muốn tiền hỗ trợ cần trao đúng đối tượng.

Bà Hồ Thị Xoan (ngụ thôn Đầm Môn, xã Vạn Thạnh) ngao ngán cho biết: Người nghèo mất trắng vì bão lũ, giờ đang chạy ăn từng bữa như chúng tôi thì lại không có tên được hỗ trợ, nhiều lãnh đạo xã thiệt hại ít thì lại được hỗ trợ hàng trăm triệu đồng. Sau khi bị huyện phát hiện những bất thường và tạm dừng việc hỗ trợ, đến ngày 9/5/2018, nhiều người trong các thôn ở Vạn Thạnh vẫn chưa nhận được thông báo mới nào. Mong sớm rà soát, hỗ trợ đúng đối tượng để người dân bớt cơ cực, kịp thời xoay xở cuộc sống. Bà Huỳnh Thị Lộc và nhiều hộ dân khác ở thôn Điệp Sơn cũng mong chính quyền xã Vạn Thạnh rà soát công tâm, căn cứ vào thiệt hại thực tế để sớm đưa danh sách hỗ trợ mới đúng đối tượng.

Không chỉ bức xúc vì tiền hỗ trợ suýt chi sai đối tượng mà hàng trăm người dân Điệp Sơn còn bất an khi một số đơn vị du lịch đến hoạt động không lành mạnh ở thôn. Điển hình như Công ty Cổ phần Sơn Nam đã ngang nhiên lập rào chắn mặt biển, chèn ép du khách và người dân khiến cho người dân Điệp Sơn muốn thưởng ngoạn sản phẩm thiên nhiên ở quê hương mình cũng gặp phiền toái. Đáng nói, Công ty Cổ phần Sơn Nam còn xây dựng trái phép công trình kiên cố ở khu vực biển Hòn Bịp khiến cho cảnh quan bị phá vỡ.

Bà Nguyễn Thị Lệ Thanh, Phó Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Khánh Hòa khẳng định: Ở Điệp Sơn không được xây dựng trái phép. Việc Công ty Cổ phần Sơn Nam lập rào chắn mặt biển nhằm cát cứ địa bàn, không cho người dân và du khách sử dụng dịch vụ của Công ty đi lại, tắm biển là hành động sai, sẽ kiểm tra và xử lý. Nhiều người dân ở Điệp Sơn cho biết: Kinh doanh cũng được nhưng phải có trật tự và tôn trọng người dân lẫn du khách.

ĐÔNG HƯNG

Tin cùng chuyên mục
Kiên Giang: Quyết liệt giải quyết những vấn đề trọng tâm cùng cả nước gỡ “thẻ vàng” của EC

Kiên Giang: Quyết liệt giải quyết những vấn đề trọng tâm cùng cả nước gỡ “thẻ vàng” của EC

Tỉnh Kiên Giang đang tập trung thực hiện các giải pháp cấp bách để giải quyết 4 vấn đề trọng tâm trong chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (gọi tắt là chống khai thác IUU). Nỗ lực này không chỉ góp phần cùng cả nước gỡ cảnh báo “thẻ vàng” của Ủy ban châu Âu (EC) mà còn là giải pháp để Kiên Giang cấu trúc lại nghề cá minh bạch, trách nhiệm và bền vững.