Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Kinh tế

Vang vọng tiếng hát từ chân núi Lang Biang

PV - 14:40, 19/06/2019

Người dân dưới chân ngọn núi Lang Biang có năng khiếu âm nhạc bẩm sinh và từ vùng đất này đã có rất nhiều giọng hát hay. Cũng chẳng biết câu chuyện lưu truyền “ăn bảy con ve” có trước hay bản tính lãng mạn, phiêu du của người Lạch, người Chil tạo nên huyền tích dân gian, nhưng số đông người tham gia văn nghệ và thành danh trên sân khấu âm nhạc nước nhà ở vùng đất nhỏ bé này thì quả là điều kỳ lạ…

Những chàng trai, cô gái Lang Biang. Những chàng trai, cô gái Lang Biang.

Một không gian văn hóa đa dạng

Người Lạch và người Chil trên cao nguyên Lang Biang là những bộ tộc được biết đến từ rất sớm. Chính tên gọi của bộ tộc Lạch là khởi thủy của danh xưng TP. Đà Lạt sau này (Đạ Lạch: dòng nước của người Lạch). Đồng bào Lạch và Chil sống tập trung ở các buôn B’Neur, Đăng Ya và Đưng với dân số chỉ khoảng hơn ngàn nhân khẩu ở thị trấn và xã Lát thuộc huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng.

Tổ tiên của họ là những cư dân địa phương đầu tiên gặp gỡ và đón tiếp nhà bác học A.Yersin và đoàn thám hiểm của ông trong hành trình khám phá cao nguyên cách đây hơn một thế kỷ. Đó là cuộc khám phá lịch sử tạo tiền đề cho sự ra đời một đô thị nghỉ dưỡng giữa miền nhiệt đới. Trong nhật ký của mình, nhà bác học người Pháp đã ghi: “Dân cư trong vùng thưa thớt. Vài làng người Lạch sống tập trung dưới chân núi Lang Biang. Họ làm ruộng lúa rất tốt và rất hiếu khách. Chúng tôi được tiếp đón trong nhà chung của buôn Đăng Ya. Các chức sắc mang đến một chóe rượu cần. Rất may, họ không đòi hỏi tôi uống lần đầu hết tất cả…”.

Cứ mỗi lần về với vùng đất dưới chân Lang Biang, cùng chiều với chúng tôi thường là những chuyến xe xuôi từ Đà Lạt. Du khách đến đây từ nhiều miền trong nước và nhiều nước trên thế giới. Họ tìm điều gì ở vùng đất này? Đó là những cuộc chinh phục đỉnh núi cao gần hai ngàn mét thuộc Vườn quốc gia Bidoup-Núi Bà, là những đêm bên bếp lửa rừng nghe câu ca Yalyău, Tămpớt, bập bùng chiêng năm, chiêng ba và giai điệu của khèn M’bướt trong men say rượu cần. Họ tìm về với không gian sử thi. Họ khao khát khám phá thiên nhiên, làm bạn với những cư dân bản địa lâu đời và tìm hiểu phần nào những địa tầng văn hóa hấp dẫn và nhiều bí ẩn. Ở xã Lát, hình như mỗi người dân đều biết làm du lịch. Đêm đêm, buôn làng có chục nhóm cồng chiêng nổi lửa đón khách. Chủ và khách cùng say mê với những vũ điệu rừng lấp lánh ánh mắt hồn nhiên sơn nữ, với rượu cần thịt nướng, với hoa văn thổ cẩm ngập tràn thung lũng. Đặc biệt, bởi sự nổi tiếng của vùng quê nhỏ bé, vốn là nơi sinh ra nhiều ca sĩ chuyên nghiệp đang thành danh trong nước, nhiều du khách muốn được về tận buôn làng nghe chuyện và thưởng thức giọng hát của cư dân dưới chân núi huyền thoại Lang Biang…

Huyền tích “bảy con ve”

Chuyện xưa của người Lạch truyền rằng: Con trai, con gái của buôn làng muốn có giọng hát hay thì phải tìm bắt đủ bảy con ve sầu mang về cho thầy mo đọc thần chú và “sâm” cổ (động tác vuốt vào thanh quản để điều chỉnh cổ họng) rồi nướng lên ăn. Mang chuyện này hỏi Krajan K’Plin, nhạc sĩ người Lạch trưởng thành từ nương rẫy, người đã viết ca khúc “Lang Biang s’ning” (Nghĩ về Lang Biang) lúc chưa hề trải qua một lớp đào tạo sáng tác nào, giúp Bonneur Trinh đăng quang giải Nhất cuộc thi Tiếng hát truyền hình TP. Hồ Chí Minh năm 2001. Anh cho biết: “Không biết thực hư thế nào nhưng câu chuyện này muốn nói lên rằng, người Lạch luôn ước ao có được giọng hát cuốn hút, bền bỉ như tiếng ve sầu. Đó là một lối so sánh và suy nghĩ cực kỳ lãng mạn của cha ông…”.

Cũng như K’Plin, ca sĩ Bonneur Trinh, cô gái đã lấy tên buôn làng làm nghệ danh và tạo nên “thương hiệu” cho giọng ca của mình sau hơn chục năm thành danh, cũng nói: “Từ hồi ông bà đã yêu ca hát rồi, em cũng không biết giải thích thế nào. Nhưng quả là người Lạch ai cũng biết hát, ai cũng yêu văn nghệ. Đó là bản năng thiên phú, trời đất, núi rừng ban cho mình như thế. Lúc đạt giải Nhất cuộc thi Tiếng hát Truyền hình em cũng chưa trải qua trường lớp nào cả”. Nhạc sĩ kiêm ca sĩ Krazan Dick, người con của buôn Đăng Ya, bộc bạch: “Người Lạch, người Chil dưới chân núi Lang Biang yêu âm nhạc ngay từ khi máu ở trong mình biết chảy.” Cậu bé Dick ngày xưa hát vang núi rừng khi lên rẫy đuổi chim, rượt thú nay đã trở thành một nhạc sĩ tên tuổi sáng tác nhiều ca khúc dạt dào âm hưởng dân ca bản địa. Krazăn Dick còn là một giọng hát chủ đạo của Đoàn Ca múa nhạc Lâm Đồng trong một thời gian dài. Công chúng ví Dick là “Y Moan của vùng nam Tây Nguyên”…

Quả thật, niềm đam mê hát ca đã ngấm từ trong máu của họ. Không một ai yêu âm nhạc, khi đặt chân lên miền cao nguyên lại không tự ngân nga vài câu trong những ca khúc “Nồng nàn Cao Nguyên”, “Tạm biệt suối nguồn”, “Gọi gió” của Krajan Dick hay “Lang Biang s’ning”, “Ka Bing ơi, em hãy về”, “Ban Mê nhớ” của Krajan K’Plin. Riêng tôi thì từ lâu đã thấu cảm âm nhạc của những người con của Yàng dưới chân núi mẹ Lang Biang…

Tiếng hát cất lên từ núi rừng

Khi hay tin Bonneur Trinh đoạt giải Nhất cuộc thi Tiếng hát Truyền hình TP. Hồ Chí Minh, già làng Păngtinh Bor, nói rằng: “Ở đây còn nhiều người hát hay như Trinh lắm.” Quả đúng như vậy, sau đó một năm, hai dì cháu K’razăn Út và Cil Pơi cùng lớn lên ở buôn B’Neur với Trinh tiếp tục gây sự ngạc nhiên khi vượt qua gần 6.000 thí sinh trong cả nước để cùng 15 người khác vào đêm chung kết và nhận giải Sao Mai 2003 do Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức. Chỉ trong một buôn nhỏ mà có tới ba giọng ca nổi lên trong một thời gian ngắn, thật đáng ngạc nhiên. Nhưng càng ngạc nhiên hơn khi nghe nhạc sĩ Krajan K’Plin, phát biểu: “Các giọng hát đó chưa phải là những giọng hát hay nhất của buôn này.” Công chúng trong tỉnh, trong nước còn biết đến tiếng ca của những người con xã Lát, Lạc Dương như Cil Glé, Pantinh Sally, Pantinh Benziên, K’rajan Drim, K’rajan Doan, Liênghot Uyên Ly… rồi Dagout Liêm, Krajan Sik, Krajan Điôn, Liêng Hót Kinh… Ngoài ra, bà con buôn B’Neur, buôn Đưng, buôn Đăng Ya còn nhắc đến mười người con của họ đang theo học tại các trường nghệ thuật trong nước. Mấy năm trước, chúng tôi vào buôn Đăng Ya thì Cil Dalin và Cil Jolin-hai con của Krajan K’Plin mới chỉ là những cô bé, cậu bé phụ việc cho bố trong trong Câu lạc bộ cồng chiêng “Những người bạn Lang Biang”. Trở lại lần này thì Dalin đã học xong Trường Nghệ thuật Quân đội và Yolin cũng đã tốt nghiệp Nhạc viện TP. Hồ Chí Minh. Lại thêm những người trẻ ra đi từ chân núi gia nhập làng sân khấu ca nhạc nước nhà…

Không biết những chàng trai, cô gái ấy có được “ăn bảy con ve” như câu chuyện lưu truyền ở buôn hay không, nhưng qủa thật, người dưới chân ngọn núi Lang Biang có năng khiếu âm nhạc bẩm sinh và từ vùng đất này đã cất lên rất nhiều giọng hát. “Yêu âm nhạc từ khi máu trong người biết chảy”, nhắc lại lời Krazan Dick. Huyền tích “bảy con ve” vẫn mãi được lưu truyền trong câu chuyện buôn làng, sẽ lôi cuốn du khách và người yêu âm nhạc mọi miền về với cao nguyên trong những đêm nổi lửa rừng nghe hát.

UÔNG THÁI BIỂU

Tin cùng chuyên mục
Hoài Ân (Bình Định): Chuẩn bị tổ chức Ngày hội nông sản đặc trưng lần thứ II

Hoài Ân (Bình Định): Chuẩn bị tổ chức Ngày hội nông sản đặc trưng lần thứ II

Theo UBND huyện Hoài Ân (Bình Định), Ngày hội Nông sản lần thứ II sẽ diễn ra trong 3 ngày (16 - 18/5). Đây được đánh giá là ngày hội nông sản quy mô lớn nhất tỉnh Bình Định, quy tụ 105 sản phẩm nông nghiệp đặc trưng của địa phương và một số huyện lân cận.