Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Công tác Dân tộc

Vật nuôi “đặc sản” cho thị trường Tết

PV - 10:04, 23/01/2018

Chỉ còn chưa đầy 1 tháng nữa là đến Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018, các trang trại, gia trại chăn nuôi lợn rừng, gà đồi huyện Lệ Thủy, Quảng Bình đang tích cực chăm sóc cho đàn vật nuôi để kịp thời đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.

Tại trang trại chăn nuôi lợn rừng của chị Nguyễn Thị Huy ở thôn Liêm Tiến, xã Ngư Thủy Nam, thời điểm này, có hơn 40 con lợn rừng đã được khách đặt hàng mua. Để có nguồn hàng phục vụ Tết, chị phải cho lợn sinh sản đúng thời điểm, chất lượng thịt thơm ngon.

[caption id="attachment_3822" align="alignnone" width="929"]

 Nhiều trang trại, gia trại ở Lệ Thủy tăng cường chăm sóc vật nuôi để phục vụ thị trường Tết Nguyên đán 2018. Nhiều trang trại, gia trại ở Lệ Thủy tăng cường chăm sóc vật nuôi để phục vụ thị trường Tết Nguyên đán 2018.

 

Chị Huy chia sẻ, ngoài phương pháp chăn nuôi bằng cách sử dụng các loại thức ăn tự nhiên, không sử dụng cám công nghiệp, khâu chọn giống cũng phải đạt chuẩn.

Lợn phải dễ nuôi, có sức đề kháng tốt, phù hợp với điều kiện gió Lào, cát trắng của vùng biển bãi ngang. Hiện, mỗi năm, chị Huy cho xuất chuồng khoảng 200 con, thu về từ 300 - 400 triệu đồng.

Mặc dù mới chăn nuôi giống gà chọi, gà kiến lai theo phương thức thả vườn được gần 3 năm, nhưng gia đình anh Phạm Văn Việt ở xã Phú Thủy, huyện Lệ Thủy đã có thu nhập khá.

Nhận thấy đất đai quanh nhà rộng rãi có thể áp dụng chăn nuôi các giống gà này, ban đầu, gia đình chỉ nuôi 200 con, đến nay, bình quân một lứa, anh nuôi khoảng 1.000 con, với thức ăn chủ yếu là các loại bột ngô, cám gạo, lúa trộn thêm chuối, rau... nên thịt gà săn chắc, ngon, được thị trường ưa chuộng.

Anh Việt cho biết: từ khi chăn nuôi đến nay, đàn gà của gia đình chưa bao giờ bị dịch bệnh. Khi xuất bán, mỗi con có trọng lượng từ 1,5 đến 2,2 kg với giá từ 100.000-120.00.000 đồng/kg. Càng gần Tết Nguyên đán, nhu cầu mua gà chọi, gà kiến tăng cao, nên giá có thể cao hơn.

Nghề nuôi lợn rừng, gà đồi ở Lệ Thủy phát triển từ năm 2010, ban đầu chỉ có một số hộ ở các xã miền núi chăn nuôi nhưng đến thời điểm này, toàn huyện đã có hàng chục hộ nuôi với quy mô trang trại, gia trại.

Nhiều năm nay, huyện Lệ Thủy đã từng bước có cơ chế chính sách hỗ trợ con giống, chuồng trại lồng ghép từ các nguồn vốn của các dự án cho những hộ ở các vùng khó khăn.

Việc phát triển đàn lợn rừng, gà đồi chất lượng không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nông hộ, góp phần đa dạng hóa vật nuôi ở địa phương mà còn giúp cho người tiêu dùng có thêm nguồn đặc sản sử dụng trong dịp Tết Nguyên đán.

TRỌNG HIẾU