Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Bạn đọc

Về nơi cơn lũ đi qua

PV - 16:48, 05/12/2018

Chỉ trong một thời gian ngắn, tỉnh Khánh Hòa phải gánh chịu hai cơn bão, gây thiệt hại nặng nề cả về người và tài sản. Trong đó cơn bão số 8 đã cướp đi sinh mạng của 20 người, chủ yếu là dân nghèo, sống cạnh các sườn núi, chân núi.

Sau nửa tháng vụ lở núi xảy ra, căn nhà của ông Nguyễn Hữu Tỏn vẫn ngổn ngang đất đá. Sau nửa tháng vụ lở núi xảy ra, căn nhà của ông Nguyễn Hữu Tỏn vẫn ngổn ngang đất đá.

 

Ngổn ngang sau lũ

Những ngày đầu tháng 12, chúng tôi về thăm lại hai thôn Thành Phát và Thành Đạt (xã Phước Đồng, tỉnh Khánh Hòa), nơi xảy ra vụ sạt ở núi kinh hoàng trong cơn bão số 8. Hơn nửa tháng trôi qua, nhưng nơi đây vẫn ngổn ngang đất đá, người dân vẫn chưa hết bàng hoàng trước sự tàn phá khủng khiếp của thiên nhiên.

Chỉ sau một cơn mưa, toàn bộ xóm Núi gần như bị xóa sổ, hàng chục căn nhà giờ chỉ còn đống đất đá. Theo người dân hai thôn trên, do ảnh hưởng của bão số 8, trong ngày và đêm 18/11, tại khu vực xã Phước Đồng có mưa rất to. Đến khoảng hơn 6h sáng ngày 18/11, dãy núi sau lưng hai thôn bị sạt lở, làm đất, đá... từ núi cao đổ xuống, khiến hàng trăm căn nhà của hai thôn này trong chốc lát bị vùi lấp. Nhiều người không chạy kịp đã bị thương vong. Tài sản của người dân cũng bị dòng nước lũ cuốn trôi hết sạch…

Ông Nguyễn Hữu Toản, ở thôn Thành Đạt đang cố gắng dọn đất đá tràn vào nhà để có chỗ ở cho hay: Trước đây, gia đình ông ở làng chài phường Vĩnh Phước nhưng đầu năm 2017, khu vực này bị cháy nên Nhà nước giải tỏa và cấp cho gia đình ông lô đất tái định cư tại thôn Thành Đạt để cất nhà ở. "Trận lũ vừa rồi, nhà tôi không bị sập nhưng đất đá tràn vào kín hết ngôi nhà, cuốn trôi tất cả tài sản, không còn lại thứ gì. Năm trước thì nhà cháy, năm nay thì lũ lụt cuốn hết tài sản, không biết lấy gì mà sống", ông Toản buồn rầu nói.

Nhiều hộ dân ở đây còn có hoàn cảnh bi đát hơn gia đình ông Toản, bởi đất đá đã xóa sổ hoàn toàn ngôi nhà của họ, chưa biết đi đâu về đâu. “Chúng tôi vì nghèo mới lên núi ở. Trận lũ vừa rồi đã cuốn sạch ngôi nhà, gia đình tôi có 3 người bị thương và một người chết. Tôi đang thuê nhà chỗ khác để ở, nhưng hiện khó khăn quá”, anh Phan Văn Dũng, có nhà bị sập cho hay.

Còn ông Nguyễn Văn Tư, 85 tuổi, sống tại thôn Thành Đạt cho biết: Tôi sống ở đây đã gần hết đời người, chưa bao giờ phải chứng kiến cảnh tượng kinh hoàng như vậy. Nếu không nhờ hàng xóm giúp đỡ thì chắc chắn tôi cũng đã chết rồi. Giờ nhà sập, không có tiền thuê nhà, tôi sống trong lều tạm do chính quyền dựng lên, hằng ngày ai cho gì ăn nấy. Tôi mong Nhà nước hỗ trợ để có chỗ ở ổn định hơn.

Tập trung khắc phục hậu quả

Ngay sau vụ sạt lở xảy ra, chính quyền và các lực lượng chức năng của địa phương đã có mặt để cứu hộ, trợ giúp người bị nạn. Tuy nhiên, do thiệt hại quá lớn nên người dân 2 thôn Thành Phát và Thành Đạt hiện rất khó khăn, cần sự chung tay chia sẻ của xã hội.

Ông Nguyễn Sỹ Khánh, Phó Chủ tịch UBND TP. Nha Trang cho biết: Những người dân bị nạn trong cơn bão số 8 gần như đều thuộc hộ nghèo, sống nhờ vào biển, cuộc sống bấp bênh. Trước mắt, chúng tôi ưu tiên hỗ trợ gạo cứu đói cho hộ nghèo, cận nghèo, hộ khó khăn bị thiệt hại do bão trong 3 tháng.

Nói về các hộ dân ở ven núi, ông Khánh cho rằng, đây là hậu quả của việc buông lỏng quản lý, mà đầu tiên là ở chính quyền cấp xã. “Nếu chính quyền quản lý chặt và ngăn chặn từ đầu việc dân dời lên các sườn đồi, chân núi thì hậu quả không nặng nề như hôm nay. Khu vực đang được thành phố rà soát và sẽ đề xuất cơ chế hỗ trợ để ổn định cuộc sống người dân”, ông Khánh chia sẻ thêm.

Sau vụ sạt lở núi, tỉnh Khánh Hòa đã yêu cầu TP. Nha Trang rà soát lại toàn bộ khu dân cư sống ven đồi, núi để tỉnh có biện pháp hỗ trợ, có thể bố trí đất tái định cư để người dân ổn định cuộc sống. Ông Nguyễn Tấn Tuân, Phó Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa cho biết: Đây là những khu vực thường xảy ra sạt lở và lũ quét. Sau khi rà soát xong, sẽ lên phương án tái định cư. Trước mắt sẽ ưu tiên cho việc di dời dân ra khỏi các sườn núi. Việc này cần làm ngay, nếu dân không đi, tỉnh sẽ có các biện pháp mạnh tay hơn. Về lâu dài, tỉnh sẽ tính phương án nhằm quản lý chặt hơn việc quản lý sử dụng đất tại địa bàn.

Đây là những khu vực thường xảy ra sạt lở và lũ quét. Sau khi rà soát xong, sẽ lên phương án tái định cư. Trước mắt sẽ ưu tiên cho việc di dời dân ra khỏi các sườn núi. Việc này cần làm ngay, nếu dân không đi, tỉnh sẽ có các biện pháp mạnh tay hơn. Về lâu dài, tỉnh sẽ tính phương án nhằm quản lý chặt hơn việc quản lý sử dụng đất tại địa bàn. (Ông Nguyễn Tấn Tuân, Phó Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa).

LÊ PHƯƠNG

Tin cùng chuyên mục
Kon Tum: Tăng cường kiểm soát tải trọng, tốc độ xe tải chở cát, vật liệu đắp trên địa bàn

Kon Tum: Tăng cường kiểm soát tải trọng, tốc độ xe tải chở cát, vật liệu đắp trên địa bàn

Ngày 28/10, Ban An toàn giao thông tỉnh Kon Tum đã có văn bản gửi Công an tỉnh, Sở Giao thông vận tải, UBND huyện Kon Rẫy và UBND Tp. Kon Tum đề nghị tăng cường quản lý, kiểm soát tải trọng, tốc độ xe tải chở cát, vật liệu đắp trên địa bàn qua đó, nhằm bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, phòng ngừa tai nạn giao thông.