Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Phóng sự

Về nơi “Cổng trời Đông Giang”: Tiếp thêm động lực thoát nghèo (Bài 3)

T.Nhân-H.Trường - 18:15, 03/07/2024

Thu nhập bình quân của người dân trên địa bàn huyện Đông Giang hiện nay là hơn 38 triệu đồng mỗi năm. Đến cuối năm 2023, huyện đã giảm được 517 hộ nghèo và phấn đấu mỗi năm giảm thêm 6%, đến năm 2025 còn 25% hộ nghèo. Để có được thành quả đó, ngoài sự nỗ lực của người dân và địa phương, thì các nguồn lực từ Trung ương, tỉnh Quảng Nam đóng góp vai trò rất lớn trong công cuộc thoát nghèo.

Hỗ trợ sinh kế

Hỗ trợ con giống, cây giống, là một trong những giải pháp hiệu quả mà chính quyền các cấp đã trao cho người dân trong những năm gần đây. Đặc biệt, từ khi có nguồn vốn từ các chương trình mục tiêu quốc gia, việc hỗ trợ cho người dân trong sản xuất kinh tế, vươn lên thoát nghèo được nâng lên nhiều lần. Điển hình như việc trao bò lai sinh sản, lợn giống, hươu sao, cây dược liệu cho người dân làm vốn khởi nghiệp.

Gia đình ông Nguyễn Văn Thư, là 1 trong 11 hộ dân ở xã Ba được hỗ trợ hươu để phát triển kinh tế, giảm nghèo
Gia đình ông Nguyễn Văn Thư, là 1 trong 11 hộ dân ở xã Ba được hỗ trợ hươu để phát triển kinh tế, giảm nghèo

Theo đó, thời gian qua, Đông Giang đã hỗ trợ cho hàng chục hộ dân ở nhiều xã, với tổng số 225 con hươu sao lấy nhung, khoảng 550 con heo giống địa phương. Ngoài ra, các hộ dân còn được tham gia tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật nuôi trồng; đẩy mạnh các mô hình liên kết theo chuỗi giá trị từ mô hình nuôi hươu lấy nhung, trồng quế, trồng dược liệu…; từ việc “tạo cần câu” cho người dân, nhiều hộ khó khăn cũng đã mạnh dạn đầu tư để làm  kinh tế.

Từ 5 con hươu được hỗ trợ, ông Alăng Nhơi (thôn Ban Mai, xã Ba) đã đầu tư thêm tiền để làm chuồng trại nuôi hươu. Đến nay, đàn hươu của ông đang phát triển tốt, hứa hẹn sẽ mang lại lợi nhuận kinh tế. “Trước khi được hỗ trợ hươu, chúng tôi được tập huấn kỹ thuật chăm sóc, và kiểm tra điều kiện để được cấp hươu. Tiền đầu tư chuồng trại khoảng 33 triệu đồng. Từ khi hươu đem về nuôi đến nay ăn uống tốt. HIện đã bắt đầu hình thành nhung ở hươu đực rồi” ông Nhơi phấn khởi thông tin.

Phát triển kinh tế vườn kết hợp chăn nuôi đang mang lại hiệu quả kinh tế cho nhiều hộ dân
Phát triển kinh tế vườn kết hợp chăn nuôi đang mang lại hiệu quả kinh tế cho nhiều hộ dân

Ngoài ông Alăng Nhơi, ở xã Ba còn có 11 hộ khác cũng được cấp hươu sao, trong đó phần lớn là các hộ nghèo, cận nghèo. Như hộ ông Nguyễn Văn Thư (50 tuổi) được xã hỗ trợ cho 5 con hươu sao để phát triển kinh tế, gia đình ông vô cùng mừng rỡ. Ông cho hay, vừa “chia tay” hộ nghèo cuối năm 2022, tuy nhiên, gia đình vẫn đang phải sống trong căn nhà cũ, kinh tế chủ yếu từ mấy sào nương rẫy và làm thuê. Vì thế, khi có tên trong danh sách được hỗ trợ, ông xem đó là cơ hội quý hơn vàng để cải thiện chất lượng cuộc sống.

Ông Thư vui vẻ cho hay: Nhận hươu của chính quyền hỗ trợ nên mình rất vui. Chuồng trại cũng được gia đình cố công đầu tư, nhà trồng thêm cỏ; kỹ thuật nuôi thì đã được cán bộ bày cho. Nhung hươu đã có cán bộ giúp đỡ chỗ bán ổn định nên không lo. Mình rất kỳ vọng thu nhập từ mới bầy hươu đang có.

Theo ông Phạm Kim Thông, Phó Chủ tịch UBND xã Ba, 11 hộ dân được hỗ trợ hươu sao lấy nhung, đến nay đã đưa vào chăn nuôi ổn định. Giống vật nuôi này phù hợp với thổ nhưỡng của địa phương nên đàn hươu phát triển tốt, không bệnh tật, hứa hẹn sẽ thu lợi nhuận trong năm nay. 

Đồng hành cùng người dân

 Câu chuyện hình thành Hợp tác xã chè dây xã Tư, là một mình chứng. Xuất phát từ hiệu quả kinh tế mà cây chè đem lại, nhiều người dân ở xã Ba, xã Tư và vùng lân cận đã bắt đầu trồng và hình thành nên những vùng chè rộng lớn. Hợp tác xã chè ra đời nhằm tạo sự liên kết giữa người dân và thị trường tiêu thụ.

Một mô hình chăn nuôi hiệu quả ở Đông Giang
Một mô hình chăn nuôi hiệu quả ở Đông Giang

Ông Lê Duy Tường, Giám đốc Hợp tác xã chè dây xã Tư cho biết: Diện tích trồng chè ở Đông Giang hiện nay khoảng 35ha, mỗi năm cung ứng ra thị trường gần 30 tấn chè dây, đem lại lợi nhuận kinh tế hàng trăm triệu đồng. Đặc biệt, từ mô hình liên kết sản xuất chè dây đã giúp cho nhiều hộ dân có được thu nhập khá, trung bình khoảng 50 – 70 triệu đồng mỗi năm. Trong đó, tiểu biểu như nhóm hộ bà Đậu Thị Tuyên, ông Nguyễn Minh Quang (xã Ba); nhóm hộ ông Lâm Văn Thông và ông Phạm Quốc Phong (xã Tư)… 

Riêng đối với chè dây Ra Zéh, các nhóm hộ trên địa bàn đã trồng được khoảng hơn 10ha, hiện nay đang tiếp tục mở rộng diện tích. Đối với nhóm này, thì hiệu quả đã rõ, người dân kiếm được vài chục triệu đồng mỗi năm, nhờ đó tỷ lệ nghèo ở địa phương ngày càng giảm đi rõ rệt.

 Mô hình liên kết sản xuất chè dây đã giúp cho nhiều hộ dân có được thu nhập khá
Mô hình liên kết sản xuất chè dây đã giúp cho nhiều hộ dân có được thu nhập khá

Đánh giá hiệu quả từ các mô hình sản xuất của các hộ dân trong thời gian qua, ông Đinh Văn Bảo, Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Giang, cho biết: Thông qua các nguồn vốn hỗ trợ, nguồn vốn từ các chương trình mục tiêu quốc gia, địa phương đã hỗ trợ tốt cho những hộ dân làm kinh tế, từ đó đã xuất hiện các mô hình hay, lan tỏa đến nhiều người cùng thực hiện. Nhờ đó, thu nhập bình quân của người dân tăng lên đáng kể, từ 35 triệu đồng trong năm 2022, thì đến nay đã hơn 38 triệu đồng/người/năm.

Ngoài liên kết nuôi hươu, địa phương còn triển khai nhiều mô hình liên kết sản xuất khác, như nuôi heo, trồng cây quế, trồng dược liệu và cây ăn quả. Những mô hình này bước đầu phát huy hiệu quả, đem lại kinh tế ổn định cho các hộ dân. Với cây ba kích tím, chè dây, việc trồng và tiêu thụ sản phẩm bước đầu cho tín hiệu khả quan. Ngoài ra, nguồn vốn vay ưu đãi, cũng đang góp phần không nhỏ giúp người dân mạnh dạn triển khai các mô hình sản xuất. 

"Thời gian tới, địa phương sẽ tiếp tục có các chính sách phù hợp để động viên người dân hăng hái sản xuất, đổi mới cách làm để vươn lên phát triển kinh tế”, ông Bảo chia sẻ thêm.

Tin cùng chuyên mục
Ghi ở Sủa Cán Tỷ

Ghi ở Sủa Cán Tỷ

Theo chân Phó Chủ tịch xã Cán Tỷ - Sùng Mí De (huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang) chúng tôi tới thôn Sủa Cán Tỷ làm công tác chuẩn bị cho Ngày Hội Đại đoàn kết toàn dân. Trong lúc chuyện trò cùng trưởng thôn Vàng Chứ Lềnh về sự đổi thay của thôn bản, ông ngỏ lời mời tôi lên thăm nhà của Lù Mí Thánh – Một trong 3 hộ dân của thôn được Nhà nước hỗ trợ xây dựng nhà ở kiên cố trong năm 2023.