Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Phóng sự

Về thăm làng chài trăm tuổi

Lê Vũ - 14:50, 09/04/2021

Nếu bạn đã từng đi qua nhiều danh lam thắng cảnh của đất nước, hãy thử một lần dừng chân ghé lại và cảm nhận vẻ đẹp mộc mạc đầy quyến rũ của làng chài Phước Hải, huyện Đất Đỏ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Giữa cung đường uốn lượn một bên là biển, một bên là núi, mùa mưa thì cây cỏ xanh rì, mùa xuân thì ngập tràn trong sắc hoa anh đào nở rộ, ở đó có một làng chài nhỏ bé đã tồn tại suốt trăm năm...

Những người phụ nữ đang phơi cá khô – đặc sản của Phước Hải (Ảnh tư liệu)
Những người phụ nữ đang phơi cá khô – đặc sản của làng chài Phước Hải (Ảnh tư liệu)

Theo lời các bậc cao niên nơi đây, thì làng chài Phước Hải tồn tại ít nhất hơn trăm năm, hình thành theo bước đường của bà con ngư dân từ các tỉnh miền Trung dọc theo bờ biển về đây lập nghiệp sinh sống. 

Có lẽ Phước Hải cũng sẽ chẳng khác gì các làng chài nằm dọc theo chiều dài đất nước, nếu như nơi đây không biết cách tự gìn giữ lại riêng cho mình những nét đặc trưng vốn có, của một làng chài quê bình dị nằm êm ả bên bờ biển. 

Mặc cho phía dưới là biển Long Hải với các khu du lịch, bãi tắm nhộn nhịp, mặc cho sát phía trên là bãi biển Hồ Tràm với những resot và khu nghỉ dưỡng cao cấp với nhiều du khách trong và ngoài nước, làng chài Phước Hải vẫn nằm đó, mộc mạc, thân thương.

Thuyền thúng – nét đặc trưng của nghề biển tại Phước Hải (Ảnh tư liệu)
Thuyền thúng – nét đặc trưng của nghề biển tại Phước Hải (Ảnh tư liệu)

Người dân ở đây hầu hết đều làm nghề biển, có gia đình đã truyền đến tận 4 - 5 đời. Hằng ngày đàn ông thường ra biển đánh bắt vào buổi sáng, phụ nữ ở nhà làm các công việc nhà và phụ gỡ lưới, làm cá, làm khô…

Anh Dương Văn Nhỏ, một ngư dân sống với nghề biển đã gần 20 năm tại đây, chia sẻ: "Nhà mấy đời đi biển, gia đình, vợ con mình cũng sống nhờ biển, giờ cho lên bờ biết làm gì đâu. Chỉ mong cho mỗi ngày đều trúng được cá, tôm kha khá đủ sống, đủ nuôi vợ con là hạnh phúc”.

Điều đặc biệt ở làng chài Phước Hải là, đa số các chuyến biển đều không đánh bắt xa bờ bằng tàu thuyền lớn, mà chỉ chủ yếu bằng thuyền thúng. Mỗi chuyến biển thường bắt đầu từ 2 - 3 giờ sáng, ngư dân chỉ đánh bắt trong phạm vi khoảng 3 hải lý gần bờ và trở về ngay trong buổi sáng. 

Bình yên làng chài Phước Hải (Ảnh tư liệu)
Bình yên làng chài Phước Hải (Ảnh tư liệu)

Có chứng kiến khung cảnh bãi biển Phước Hải vào mỗi buổi sáng sớm, mới cảm nhận hết được cái đẹp nơi đây. Mỗi chiếc thuyền thúng nhấp nhô vươn mình ra biển mỗi sớm mai, tựa như những thân phận người ngư dân, tuy nhỏ bé, bấp bênh mà vẫn kiên cường vượt qua bao sóng gió. 

Mỗi ngày, mỗi thân phận ấy, mỗi chuyến biển ấy đều đang tiếp tục viết nên những câu chuyện của riêng mình.

Ở đây, biển buổi sáng là sự nhộn nhịp đầy sức sống của ngư dân làng chài, buổi chiều thì lại có một cảm giác bình yên nhưng buồn man mác.

Chị Nguyễn Ngọc TrinhDu khách đến từ TP. Hồ Chí Minh

Mùa lưới thuyền thúng có thể diễn ra quanh năm, nhất là những khi biển động, tàu lớn không thể ra khơi, thì thuyền thúng chính là phương tiện  đánh bắt và cung cấp hải sản sản tại chỗ chủ lực, đảm bảo đời sống... nên dần dà đánh bắt bằng thuyền thúng đã trở thành nét riêng, độc đáo của nơi đây và cũng chính vì thế nhiều người vẫn quen gọi là làng thúng Phước Hải.

Vì đánh bắt gần bờ và quanh năm nên lượng hải sản tại đây luôn ổn định, tươi ngon. Tuy nhiên vì sản lượng đánh bắt theo từng hộ gia đình chỉ vừa đủ, nên hải sản tươi đa phần chỉ để tiêu thụ tại chợ địa phương hoặc một số vùng lân cận. 

Còn hải sản khô và nước mắm nguyên chất lại trở thành đặc sản được đông đảo du khách yêu thích, vì có thể bảo quản được lâu và mang về làm quà cho người thân, từ đó khô và nước mắm Phước Hải cũng trở nên nức tiếng gần xa.

Tin cùng chuyên mục
Ghi ở Sủa Cán Tỷ

Ghi ở Sủa Cán Tỷ

Theo chân Phó Chủ tịch xã Cán Tỷ - Sùng Mí De (huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang) chúng tôi tới thôn Sủa Cán Tỷ làm công tác chuẩn bị cho Ngày Hội Đại đoàn kết toàn dân. Trong lúc chuyện trò cùng trưởng thôn Vàng Chứ Lềnh về sự đổi thay của thôn bản, ông ngỏ lời mời tôi lên thăm nhà của Lù Mí Thánh – Một trong 3 hộ dân của thôn được Nhà nước hỗ trợ xây dựng nhà ở kiên cố trong năm 2023.