Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sự kiện - Bình luận

Về Thanh Nưa vào những ngày tháng 5

Hoàng Khánh - 08:59, 12/05/2022

Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ (1954), quân và dân ta quanh cứ điểm đồi Độc Lập (nay thuộc xã Thanh Nưa, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên) đã kiên cường đứng lên chiến đấu với thực dân Pháp. Hôm nay, mảnh đất dưới chân đồi ấy được phủ lên màu xanh tươi tốt nhờ tinh thần đoàn kết, ra sức thi đua phát triển sản xuất của cộng đồng các dân tộc trên mảnh đất anh hùng.

Trên nền di tích trận địa pháo năm xưa, bản Mển hiện lên trù phú, no ấm
Trên nền di tích trận địa pháo năm xưa, bản Mển hiện lên trù phú, no ấm

Đứng lên từ đổ nát

Những ngày đầu tháng 5, dưới cái nắng hè chói chang, đồi Độc Lập hiện lên hiên ngang và sừng sững. Xưa kia trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, cứ điểm đồi Độc Lập được quân Pháp xây thành một cứ điểm quan trọng, bố trí nhiều hỏa lực mạnh và tiểu đoàn lính tinh nhuệ đã từng chinh chiến và bất bại ở nhiều nơi trên thế giới. Cứ điểm có nhiệm vụ án ngữ phía đông bắc vùng lòng chảo Mường Thanh, ngăn chặn đường tấn công của quân ta từ Lai Châu xuống và bảo vệ cho sân bay Mường Thanh. Chúng gọi quả đồi đó với cái tên "tàu phóng ngư lôi".

Trong ký ức của các bậc cao niên như ông Quàng Văn Ly, 98 tuổi, dân tộc Thái bản Nà Ten, xã Thanh Nưa thì trước ngày thực dân Pháp chiếm đóng đồi Độc Lập, nơi đây là rừng cây xanh tốt, nhiều cây to đường kính 40-50cm. Hàng năm, bà con dân bản Mển, Nà Nốm, Nà Ten mổ trâu, lợn, gà... mang đến chân đồi làm lễ cúng bản, cúng mường (xên bản, xên mường) theo phong tục của dân tộc, cầu cho mưa thuận, gió hòa, mùa màng tốt tươi, người dân bản mạnh khỏe, làm ăn thuận lợi...

Khi chiếm đóng quân Pháp phá rừng cây ở đồi Độc Lập lấy gỗ làm lán trại, công sự, lô cốt, không đủ nguyên liệu, lính Pháp vào mấy bản gần đó phá nhà dân để lấy gỗ. Không những thế, bọn chúng còn bắt Nhân dân các bản quanh cứ điểm Độc Lập đến ở tập trung tại bản Mớ (xã Thanh Nưa) cách đó vài km, chúng sợ đồng bào che giấu Việt Minh.


Du khách viếng thăm di tích đồi Độc Lập
Du khách viếng thăm di tích đồi Độc Lập

Ngày 15/3/1954, bộ đội Sư đoàn 312 và 308 của Quân đội nhân dân Việt Nam đã đánh tan và giải phóng cứ điểm Độc Lập. Khi chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử kết thúc, cứ điểm Độc Lập là bãi chiến trường đổ nát hoang tàn, mặt đất bị bom đạn cày xới, hầm hố giao thông hào chằng chịt, ngổn ngang dây thép gai, vỏ đạn, pháo, bom, mìn. Những năm sau này, nơi đây được Nhà nước quản lý là một điểm trong quần thể di tích lịch sử Chiến thắng Điện Biên Phủ.

 Trở thành điểm sáng vùng biên

Sau ngày giải phóng Điện Biên, Nhân dân các bản quanh cứ điểm đồi Độc Lập nhanh chóng xốc lại tinh thần, đoàn kết, chung lòng xây dựng lại bản làng, khôi phục sản xuất. Cùng với đó “bệ phóng” từ chính sách hỗ trợ của Nhà nước, các trường học, trạm y tế, công trình thủy lợi Nậm Rốm được hình thành, phục vụ đời sống sinh hoạt và sản xuất của người dân. Cuộc sống mới hồi sinh từ trong tro tàn của chiến tranh.

Trên con đường bê tông phẳng lỳ, hai bên đường hoa mười giờ đua thắm, từ xa ngắm  bản Mển (xã Thanh Nưa) đẹp như tranh vẽ với thế lưng tựa vào núi, phía trước nhìn ra cánh đồng lúa xanh mướt. Nổi bật trên nền xanh là những nếp nhà sàn mái ngói của đồng bào Thái đã nhuốm màu thời gian khiến cho bất kỳ du khách nào lần đầu đặt chân đến đây đều vô cùng ấn tượng.

Bí thư chi bộ bản Mển Quàng Văn Thương tự hào chia sẻ: Những năm vừa qua, dưới sự định hướng của chính quyền địa phương, sự đồng lòng của Nhân dân, bản Mển đã phát huy hiệu quả lợi thế văn hóa truyền thống độc đáo của dân tộc Thái vào phát triển du lịch cộng đồng gắn với xây dựng nông thôn mới, bảo vệ môi trường thiên nhiên. Bản chúng tôi rất vinh dự được trở thành điểm sáng về cách làm du lịch cộng đồng. Từ việc chủ động đầu tư làm mới diện mạo bản làng, thu hút du khách đến thăm quan trải nghiệm, đến tạo động lực để Nhân dân trong bản bảo tồn, phát huy hơn nữa bản sắc giá trị văn hóa truyền thống, tiêu biểu trong đó là nghề dệt, thêu thổ cẩm với những sản phẩm, quà tặng đặc trưng dân tộc như: Khăn piêu, túi xách, áo, váy…

Du khách trải nghiệm dệt thổ cẩm
Du khách trải nghiệm dệt thổ cẩm

Ông Nguyễn Thanh Tùng, Chủ tịch UBND xã Thanh Nưa cho biết: Mặc dù là xã biên giới với hơn 1.000 hộ dân, song tỷ lệ hộ nghèo ở Thanh Nưa giờ chỉ còn hơn 5%; gần 95% lao động đã có việc làm. Năm 2017, Thanh Nưa vinh dự là một trong các xã biên giới đầu tiên của tỉnh Điện Biên cơ bản đạt 19/19 tiêu chí theo quy định Bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Tương lai xã tiến tới xây dựng mô hình nông thôn mới kiểu mẫu nâng cao tại bản Mển và thôn Thanh Bình – Co Rốm.

Thay đổi rõ nhất về diện mạo các bản là kết cấu hạ tầng nông thôn mới được Đảng, Nhà nước đầu tư và có nhiều mô hình kinh tế, từ sản xuất nông nghiệp, trồng cây công nghiệp, đến kinh doanh dịch vụ.... Từ bãi chiến trường đổ nát năm nào nay là cánh đồng 2 - 3 vụ tươi tốt cho những mùa vàng bội thu. Hạt gạo nơi đây đã thành danh đặc sản Tám thơm bay xa khắp các tỉnh thành trong nước. Cuộc sống mới, sức sống mới đã hiện diện trên vùng đất lịch sử năm xưa.

Giữa nền màu tươi xanh của trời đất quê hương, nghĩa trang đồi Độc Lập hôm nay vẫn hiên ngang đứng đó cùng những tấm bia di tích là minh chứng của lịch sử, tô thắm thêm giá trị, thành quả của công cuộc đổi mới. Đó còn thể hiện cho ý chí và tinh thần kiên cường của Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân các dân tộc Thanh Nưa đang nỗ lực dựng xây quê hương phát triển, xứng đáng với những cống hiến, hy sinh của các thế ông cha một thời vang danh sử sách.

Tin cùng chuyên mục