Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sự kiện - Bình luận

Đồng bào Mường Phăng luôn nhớ về Đại tướng

Vũ Lợi - Lê Ngọc - 11:00, 23/08/2021

Chuyến thăm lại Sở Chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ lần cuối, vào năm 2004, của Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã trở thành khoảnh khắc quý, in đậm trong tâm trí mỗi người dân các dân tộc xã Mường Phăng, TP. Điện Biên Phủ (Điện Biên). Từng lời căn dặn của Đại tướng rằng, bà con Mường Phăng cần tiếp tục phát huy truyền thống Điện Biên Phủ anh hùng, đoàn kết, hăng say lao động; giữ gìn thật tốt Khu di tích cho các thế hệ mai sau vẫn luôn được nhắc đến trong những cuộc họp bản, trong những giờ học của học sinh...

Ông Lò Văn Biên bên chiếc đài kỷ vật của Đại tướng Võ Nguyên Giáp tặng
Ông Lò Văn Biên bên chiếc đài kỷ vật của Đại tướng Võ Nguyên Giáp tặng

Bóng “già bản” trong lòng người dân

Trở lại Mường Phăng hôm nay, những câu chuyện cảm động về “già bản” Võ Nguyên Giáp vẫn được nhiều người nhắc nhớ mãi. Mỗi kỷ niệm, mỗi hiện vật về Đại tướng luôn khắc sâu trong trái tim người dân nơi đây. Trong ngôi nhà sàn cuối bản Bua, xã Mường Phăng, mỗi ngày ông Lò Văn Biên, nguyên Bí thư Đảng ủy xã Mường Phăng vẫn dành thời gian ngắm chiếc đài quay băng màu đỏ - kỷ vật quý giá của gia đình ông. Đây là món quà mà Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã tặng cho bố ông - là ông Lò Văn Bóng, người tham gia bảo vệ an ninh vòng ngoài, kiêm liên lạc cho Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954.

Nhớ lại những giây phút cảm động, được tay bắt mặt mừng bên bác Giáp, ông Lò Văn Biên xúc động kể: Năm 2004, nhân Kỷ niệm 50 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã lên thăm lại nhân dân vùng căn cứ địa cách mạng Mường Phăng. Nghe tin Đại tướng lên, Nhân dân cả xã Mường Phăng và các xã lân cận trong vùng đã chờ sẵn từ sáng sớm tại cánh đồng Phiêng Ta Lét để đón người Anh hùng dân tộc.

Chứng kiến sự đổi thay của quê hương Mường Phăng, Đại tướng bày tỏ niềm phấn khởi. Đại tướng động viên nhân dân Mường Phăng phải cố gắng đoàn kết, làm ăn phát triển kinh tế. Đại tướng về thăm cũng có quà cho mọi người. Quà cho ông Bóng - cha của ông là 1 chiếc đài quay băng. Ông Bóng khi đó xúc động lắm và luôn để cạnh bên người để nghe tin tức mỗi ngày. Bây giờ ông Bóng mất rồi, gia đình ông Biên vẫn giữ như kỷ vật quý giá.

Sinh thời Đại tướng Võ Nguyên Giáp luôn dành cho Điện Biên Phủ nói chung, Mường Phăng nói riêng những tình cảm đặc biệt. Ông coi đây như là quê hương thứ hai của mình. Để góp phần giúp nhân dân Mường Phăng có điều kiện hơn trong sản xuất, năm 2008, Đại tướng đã viết thư gửi Bộ Chính trị, Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương đề nghị cho xây dựng hồ thủy lợi Lọong Luông.

Du khách tham quan di tích Sở chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ
Du khách tham quan di tích Sở chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ

Trong thư, Đại tướng viết: “Mường Phăng là một trong những di tích lịch sử quốc gia cần được bảo tồn. Đồng bào các dân tộc tỉnh Điện Biên và xã Mường Phăng đã từng đóng góp sức người, sức của trong hai cuộc kháng chiến và trong thời kỳ xây dựng đất nước, đồng thời góp phần giữ gìn di tích của Chiến thắng Điện Biên Phủ. Để tạo điều kiện cho đồng bào xã Mường Phăng thực hiện công cuộc xóa đói giảm nghèo, đẩy mạnh sản xuất, cải thiện đời sống, tôi đề nghị Ban Chỉ đạo Tây Bắc cùng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tạo điều kiện để tỉnh Điện Biên và xã Mường Phăng xây dựng dự án trên”.

Hồ Lọong Luông được khánh thành vào đúng ngày 7/5/2013. Công trình cấp nước tưới cho 150ha đất trồng lúa sản xuất 2 vụ cho Nhân dân các dân tộc Mông, Thái, Khơ Mú… trên địa bàn xã Mường Phăng sản xuất, canh tác thuận lợi.

Khắc sâu lời dặn của Đại tướng

Hình ảnh về Đại tướng và những lời căn dặn của ông trong chuyến thăm lại Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ năm 2004 đã khắc sâu, trở thành mệnh lệnh trong trái tim của mỗi người dân Mường Phăng. Ai cũng lấy đó làm động lực phấn đấu để xây dựng, bảo vệ quê hương ngày càng phát triển, giàu mạnh. Công ơn của Đại tướng trong cuộc đánh đuổi giặc ngoại xâm và những tình cảm đặc biệt quan tâm giúp đỡ trong xây dựng cơ sở hạ tầng, xóa đói giảm nghèo luôn được Nhân dân Mường Phăng trân trọng. Có lẽ vậy mà rừng ở đây được bà con gọi tên trìu mến là rừng Đại tướng, hồ cũng là hồ Đại tướng.

Sau ngày Đại tướng Võ Nguyên Giáp qua đời, 3 ngôi trường mầm non, tiểu học và trung học cơ sở trên địa bàn xã Mường Phăng cũng được đổi tên thành trường Võ Nguyên Giáp, thể hiện tri ân tới vị Đại tướng tài ba. Bà Nguyễn Thị Thanh, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Võ Nguyên Giáp, xã Mường Phăng, TP. Điện Biên Phủ cho biết: Với niềm vinh dự và vô cùng tự hào này, trong những năm qua, tập thể cán bộ giáo viên và học sinh Nhà trường luôn ra sức, nỗ lực phấn đấu và đạt thành tích cao trong dạy và học, xứng danh với ngôi trường mang tên Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Học sinh ở Mường Phăng hôm nay luôn được rèn giũa về truyền thống cách mạng của quê hương
Học sinh ở Mường Phăng hôm nay luôn được giáo dục về truyền thống cách mạng của quê hương

Trường Tiểu học Võ Nguyên Giáp hiện đã đạt chuẩn Quốc gia mức độ II. Học sinh của nhà trường được rèn giũa về truyền thống cách mạng của quê hương, nỗ lực học tập đạt nhiều thành tích cao trong kỳ thi các cấp.

Ông Lò Văn Hợp, Chủ tịch UBND xã Mường Phăng, TP. Điện Biên Phủ chia sẻ: Khắc ghi lời dặn của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, mỗi người dân Mường Phăng hôm nay đều nỗ lực không ngừng trong phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo, bảo vệ phát huy giá trị lịch sử của Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ.

“Những năm trước đây, tình hình phát triển kinh tế - xã hội của xã rất khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao trên 50%. Nghe theo lời căn dặn của Đại tướng, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Mường Phăng quyết tâm xóa hộ đói, giảm hộ nghèo, đời sống của bà con được nâng lên qua từng năm. Năm 2018 xã đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới với diện mạo nông thôn có nhiều thay đổi, đời sống của Nhân dân không ngừng được cải thiện, nhiều mô hình sản xuất, kinh doanh có hiệu quả nâng cao thu nhập cho người dân. Điều đó thể hiện rõ nét sự đồng lòng, quyết tâm của Nhân dân các dân tộc trong xã, quyết tâm xây dựng căn cứ địa cách mạng Mường Phăng ngày càng phát triển.

Tin cùng chuyên mục
Cập nhật dữ liệu thực trạng kinh tế - xã hội sau thiên tai để tránh sai số: Thiệt hại nặng nề về hạ tầng (Bài 1)

Cập nhật dữ liệu thực trạng kinh tế - xã hội sau thiên tai để tránh sai số: Thiệt hại nặng nề về hạ tầng (Bài 1)

Cuộc điều tra, thu thập thông tin thực trạng kinh tế - xã hội của 53 DTTS năm 2024 kết thúc chưa được bao lâu thì các địa phương vùng Trung du và miền núi phía Bắc đã hứng chịu thiệt hại nặng nề do thiên tai, nhất là ảnh hưởng của cơn bão số 3. Điều này có thể dẫn tới những sai số dữ liệu đã được điều tra so với thực tế hiện nay. Vì vậy, khi phân tích dữ liệu điều tra cần có sự thận trọng, đánh giá đa chiều và cập nhật số liệu mới để tránh sai số, từ đó phục vụ công tác dân tộc, chính sách dân tộc trong giai đoạn tới.