Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Kinh tế

Về thủ phủ cây mắc ca ở vùng Tây Bắc

Thúy Hồng - 11:10, 27/10/2022

Suốt nhiều năm liền, người dân vùng cao của tỉnh Điện Biên luôn loay hoay với bài toán “nuôi con gì, trồng cây gì” để mang lại hiệu quả kinh tế, tạo sự bứt phá. Nhưng từ khi cây mắc ca bén rễ ở đất Điện Biên đã mở ra hướng đi mới trong phát triển kinh tế, xoá đói giảm nghèo và hứa hẹn trở thành cây làm giàu của đồng bào vùng cao nơi đây.

Người dân huyện Tuần Giáo chăm sóc cây mắc ca. Ảnh TL
Người dân huyện Tuần Giáo chăm sóc cây mắc ca. Ảnh TL

Mắc ca bén rễ với người dân vùng cao

Được tận mắt chứng kiến những cây mắc ca xanh tốt trên những quả đồi của huyện Tuần Giáo, Mường Nhé, Nậm Pồ… phát triển xanh tốt, đang dần phủ xanh những đồi trọc, giúp người dân từng bước ổn định kinh tế mới thấy được sự vào cuộc quyết liệt, mạnh mẽ nhằm thay đổi nhận thức về cơ cấu cây trồng, phát triển kinh tế nông nghiệp đối với người dân của các cấp ủy Đảng, chính quyền Điện Biên.

Gần 10 năm về trước, cây mắc ca được đưa vào trồng thử nghiệm thông qua một số chương trình, dự án ở huyện Tuần Giáo của tỉnh Điện Biên. Cây mắc ca được đánh giá là phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu của một tỉnh miền núi chịu được hạn, sương muối... Sau khi đưa vào trồng thí điểm, đến nay cây mắc ca ở huyện Tuần Giáo đã cho thấy khả năng sinh trưởng, phát triển tốt.

Ông Quàng Văn Bi, xã Quài Nưa, huyện Tuần Giáo cho biết: Cách đây 8 năm, tận dụng diện tích đất đồi hoang hóa, bạc màu, ông đã cải tạo trồng thử nghiệm cây mắc ca. Thấy cây sinh trưởng và phát triển tốt, ông đã mạnh dạn mở rộng diện tích trồng.

Ông Bi chia sẻ: Ngày mới trồng, tôi được hỗ trợ phân bón, hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, kiểm tra, theo dõi sát sao. Sau 5 năm cần cù chăm sóc, diện tích mắc ca đã bắt đầu ra hoa và cho lứa quả đầu tiên.

“Hiện nay tôi có hơn 5.000m2 cây mắc ca đã cho thu hoạch được ba năm. Năm 2021 gia đình tôi thu hoạch được 700kg quả, bán được khoảng 25 - 30 triệu đồng. Với diện tích đất này nếu trồng ngô, trồng sắn chỉ được khoảng 3 - 5 triệu đồng, thấp hơn rất nhiều so với trồng cây mắc ca”, ông Bi cho biết thêm.

Dù được đánh giá là hợp với thổ nhưỡng, khí hậu, sinh trưởng, phát triển tốt nhưng không phải không có những khó khăn khi cây mắc ca mới bén rễ với người dân Điện Biên. Bà Phạm Thị Tuyên, Phó Chủ tịch UBND huyện Tuần Giáo cho biết: Tuần Giáo là địa phương đi đầu trong trồng cây mắc ca, hiện toàn huyện có khoảng 1.400ha cây mắc ca do người dân góp đất với doanh nghiệp mắc ca trồng. “Ngay thời gian đầu mới trồng, do đây là cây trồng mới, quá trình vận động người dân gặp nhiều khó khăn. Nhưng sau thời gian trồng thử nghiệm, cây sinh trưởng, phát triển tốt, mang lại giá trị kinh tế nên đã thay đổi nhận thức của người dân”, bà Tuyên cho biết.

Kể từ năm 2013, sau khi cây mắc ca được trồng thí điểm tại huyện Tuần Giáo, đến nay cây mắc ca đã mở ra hướng đi mới trong phát triển kinh tế của người dân. Từ năm 2016 - 2017, các doanh nghiệp mắc ca Điện Biên bắt đầu xuống giống đầu tư trồng liên kết với người dân trên địa bàn các huyện của Điện Biên.

Sau thời gian có mặt trên đất Điện Biên, cây mắc ca đã dần khẳng định được tính ưu việt hơn so với các loại cây trồng khác. Ông Trần Công Nhì, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Him Lam Maccadamia Điện Biên cho biết: Cây mắc ca thực sự đã mang lại một luồng sinh khí mới cho bà con nơi đây. Từ chỗ e ngại, hiện tại nhiều hộ dân đã mạnh dạn góp đất với các doanh nghiệp để trồng, bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế rất rõ nét, người dân từng bước nâng cao thu nhập.

Cây mắc ca được kỳ vọng là cây làm giàu của người dân vùng cao Điện Biên
Cây mắc ca được kỳ vọng là cây làm giàu của người dân vùng cao Điện Biên

Hứa hẹn trở thành cây làm giàu

Thực hiện Quyết định số 344/QĐ-TTg ngày 15/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển bền vững mắc ca giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050, với mong muốn đưa Điện Biên trở “thành thủ phủ cây mắc ca”, tỉnh Điện Biên đã xây dựng cơ chế, chính sách thu hút đầu tư phát triển cây mắc ca theo mô hình liên kết giữa doanh nghiệp, nhà đầu tư và người dân. Trên cơ sở đánh giá tiềm năng đất đai và các chính sách thu hút đầu tư phát triển cây mắc ca đến nay, tỉnh Điện Biên đã chấp thuận chủ trương đầu tư cho 10 dự án trồng cây mắc ca, với tổng diện tích dự kiến trồng tập trung gần 63.000ha.

Các dự án được chấp thuận đầu tư theo hình thức liên kết với người dân có sự hỗ trợ của Nhà nước thông qua các hợp tác xã. Doanh nghiệp mắc ca sẽ tham gia vào chuỗi giá trị sản xuất - chế biến tiêu thụ theo mô hình 3 bên, gồm “Hộ nông dân - HTX - Nhà đầu tư”.

Ông Lò Văn Tiến, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên cho biết: Với mô hình liên kết này, thời gian đầu thực hiện còn có những băn khoăn, thắc mắc nhưng khi người dân đã hiểu, lợi ích chính đáng được đảm bảo thì các dự án nhận được sự ủng hộ rất cao.

Anh Sùng A Sinh, bản Nậm Ngà 2, xã Nậm Chua, huyện Nậm Pồ cho biết: Nhận thấy cây mắc ca mang lại hiệu quả kinh tế cao, anh đã mạnh dạn đầu tư trồng khoảng 6.000 cây. Hiện nay cây đang sinh trưởng và phát triển tốt. Anh kỳ vọng trong vài năm tới cây sẽ cho trái, giúp gia đình phát triển kinh tế.

Còn tại huyện Mường Nhé, cây mắc ca cũng được đẩy mạnh phát triển là cây mũi nhọn để giải quyết việc làm, phát triển kinh tế, phủ xanh đất rừng. Toàn huyện Mường Nhé đã trồng 452,22ha hiện cây mắc ca, cây sinh trưởng, phát triển tốt.

Ông Nguyễn Quang Hưng, Bí thư Huyện uỷ Mường Nhé cho biết: Dự án Trồng mắc ca công nghệ cao tại huyện Mường Nhé được triển khai theo hình thức doanh nghiệp thuê đất và tạo được sự đồng thuận của người dân. Người dân góp đất trồng cây mắc ca sẽ được nhận vào làm công nhân, được tạo công ăn việc làm và thu nhập.

“Với sự liên kết phát triển sản xuất giữa doanh nghiệp và người dân, chúng tôi rất kỳ vọng trong vài năm tới cây mắc ca sẽ trở thành cây mũi nhọn, phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp của địa phương” ông Hưng cho biết.

Được mệnh danh là “nữ hoàng của các loại hạt”, cây mắc ca không chỉ mang lại giá trị kinh tế cao mà hiện nay cây mắc ca đã và đang trở thành cây xóa đói giảm nghèo ở nhiều địa phương. Với những thành công ban đầu, cây mắc ca hứa hẹn sẽ góp phần làm thay đổi diện mạo vùng nông thôn, trở thành loại cây công nghiệp thế mạnh của Điện Biên trong thời gian tới.

Tin cùng chuyên mục
Triển lãm thành tựu kinh tế - xã hội Đắk Lắk chào mừng kỷ niệm 120 năm thành lập tỉnh

Triển lãm thành tựu kinh tế - xã hội Đắk Lắk chào mừng kỷ niệm 120 năm thành lập tỉnh

Sáng 22/11, Ban Tổ chức các hoạt động Kỷ niệm 120 năm thành lập tỉnh Đắk Lắk tổ chức khai mạc Triển lãm “Thành tựu kinh tế - xã hội tỉnh Đắk Lắk chào mừng kỷ niệm 120 năm Ngày thành lập tỉnh; 80 năm ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam; 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân”. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Tuấn Hà tham dự.