Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

Về vùng đất nghệ thuật lân sư rồng Chợ Lớn: "Thót tim" với những tuyệt chiêu, tuyệt kỹ (Bài 2)

Lê Thuận - 14:56, 07/03/2022

Mặc dù hàng trăm năm qua, múa lân sư rồng đã đạt đến đỉnh cao của nghệ thuật, song các đoàn lân sư rồng nổi tiếng ở TP. Hồ Chí Minh như, Nhơn Nghĩa Đường, Hằng Anh Đường…vẫn không ngừng sáng tạo ra những bí quyết biểu diễn riêng biệt mới, thu hút được người xem. Một số bài múa nổi tiếng trên Mai hoa thung, hay Lân hái lộc trên ngọn tre... luôn làm 'thót tim" khán giả, bới những tuyệt chiêu, tuyệt kỹ với những màn mạo hiểm do các vận động viên trong đoàn thực hiện...

Màn biểu diễn múa Lân trên Mai hoa thung rất ấn tượng
Màn biểu diễn múa Lân trên Mai hoa thung rất ấn tượng

Đỉnh cao nghệ thuật...

Cộng đồng người Hoa rất am hiểu nghệ thuật múa lân, nhưng khi biểu diễn trên những trận pháp Mai hoa thung (giàn với 24 cọc sắt, cao từ 1 đến 3m), hay múa cột cây tre cao 15 m… thì chỉ có vài đoàn lân thực hiện được. Chỉ khi nào phát triển, thực hiện, duy trì những tuyệt kỹ, hay những trận pháp, với thử thách càng khó, rồi hóa giải thành công, sẽ làm tăng uy tín của các đoàn lân trong nghề.

Để có được những màn biểu diễn ấn tượng, người múa lân phải trải qua quá trình khổ luyện dẻo dai, nhuần nhuyễn nhiều tháng, nhiều năm. Múa lân trên Mai hoa thung được xem là khó nhất. Các vận động viên bắt buộc phải dày công tập luyện võ thuật.

 Người trước, người sau múa thành thạo, nhịp nhàng mới tạo ra những cú bay nhảy dũng mãnh trên giàn cọc sắt cao. Với các động tác tung hứng được thực hiện điêu luyện và chuẩn xác bằng những pha bay thót tim cuốn hút đông đảo người xem.

Màn biểu diễn Cao không hái lộc trên cọc tre (Ảnh: Hoàng Duy)
Màn biểu diễn Cao không hái lộc trên cọc tre (Ảnh: Hoàng Duy)

Theo ông Triệu Vi Tài, Đoàn lân Tinh Anh Đường, thì múa lân trên Mai hoa thung với nhiều động tác phức tạp và mạo hiểm nhất. Đây cũng là môn thể thao rèn luyện sức khỏe, đòi hỏi người múa phải có nghề võ thì mới có thể trèo leo, lên xuống được giàn Mai hoa thung. 

Vì vậy, các vận động viên luyện tập nhanh nhất cũng phải mất từ 2 đến 6 năm mới có thể biểu diễn thuần thục. Chính sự dày công tập luyện, những màn nhảy điêu luyện, ngoạn mục đã tạo nên sức hấp dẫn cho múa lân. Múa lân trên Mai hoa thung phải có sự gan lỳ, đam mê, dẻo dai mới biểu diễn những động tác độc lạ, gây ấn tượng cho khán giả.

Múa lân trên Mai hoa thung còn tái hiện hình ảnh linh thú trèo đèo lội suối, bất chấp hiểm nguy mang linh dược, tài lộc về cho gia chủ. 

Màn biểu diễn quan trọng này, đã đạt đến đỉnh cao của nghệ thuật múa lân sư rồng. Đó là biểu trưng của sự may mắn và phú quý, giúp người vượt qua khó khăn để đạt đến điều tốt đẹp nhất.

Một bài múa lân trên Mai hoa thung gồm nhiều tiết mục, như: Song Long quá hải (2 rồng vượt biển), Ngũ phúc lâm môn (5 lân chúc phúc), Nam nhi tự cường (Chí khí nam nhi) và Lân mẫu xuất lân nhi (Lân mẹ đẻ lân con).

Trong múa lân, ngoài màn biểu diễn trên Mai hoa thung, các đoàn lân còn khổ luyện món nghề độc đáo khác được gọi là Cao không hái lộc, múa trên ngọn tre cao tới 15m để hái lộc. Màn múa này do Lưu Hoán Phi, Trưởng đoàn lân Nhơn Nghĩa Đường thực hiện đã gây tiếng vang lớn, khi đạt kỷ lục Việt Nam.

Với màn múa này, lộc được gia chủ treo trên đỉnh cây tre cao chót vót, người múa lân tiến thẳng lên ngọn tre. Trống đánh vang hồi, thanh la nhộn nhịp, tưng bừng, người múa lân căng mình diễn những tư thế khiến khán giả thót tim.

 Chiêu thức khó nhất là câu cước, leo lên ngọn tre, đứng vuông góc trên ngọn cây tre, tạo thành đường thẳng với mặt đất, rồi úp bụng vào cọc tre, xoay người rất nguy hiểm. Đây là màn độc diễn trên đỉnh cao, tạo cảm giác mạnh thích thú, hồi hộp cho người xem.

Một bài múa lân trên Mai hoa thung trên đường phố vô cùng dũng mãnh, thu hút đông đảo người xem
Một bài múa lân trên Mai hoa thung tại đường phố, vô cùng dũng mãnh, thu hút đông đảo người xem

Phá thế trận trong múa lân

Ngoài những màn biểu diễn mang tính bí truyền, các đoàn lân còn biểu diễn lân phá trận, còn gọi là lân địa bửu (tranh đấu dưới đất) và lân thiên tài (tranh đấu trên không trung).

Theo đại diện của đoàn lân Hằng Anh Đường: “Mỗi màn biểu diễn là một trận pháp thể hiện thần thái, uy nghi và dũng mãnh. Sau khi lập trận pháp, đội lân phải tìm cách hóa giải, mới tạo kịch tính cho người xem. Việc hóa giải trận pháp luôn là những cuộc đấu trí, đấu lực căng thẳng không phải đoàn lân nào cũng thực hiện được”.

Múa lân Chợ Lớn vẫn duy trì hai dòng: Hiện đại và truyền thống. Lân truyền thống vẫn giữ kỷ luật, khuôn phép riêng, buộc vận động viên phải rèn luyện chiêu thức tuyệt kỹ rất công phu. Còn những đoàn lân hiện đại thích biểu trận pháp có thể biến hóa khôn lường. Trong đó, múa lân trên Mai hoa thung và lân hái lộc trên cao mang lại kịch tính trong nghề múa lân.

Những trận pháp mà đoàn lân biểu diễn đòi hỏi công phu, điêu luyện (Ảnh: Hoàng Duy)
Những trận pháp mà đoàn lân biểu diễn đòi hỏi công phu, điêu luyện (Ảnh: Hoàng Duy)

Một số trận pháp khác mà các đoàn lân vùng Chợ Lớn là “Thiên la địa võng”, mà gia chủ thử thách người bằng hàng rào thép gai để người múa lân hoá giải. Hay thế trận Thanh Long - Bạch Hổ, gia chủ bỏ dưới đáy thùng nước ba đồng xu để người múa lân dùng mưu trí, công phu để lấy ra.

Trưởng đoàn lân Thắng Nghĩa Đường cho biết: “Nhiều gia chủ mời cùng lúc hai đoàn lân đến múa, nhằm tạo cuộc cạnh tranh khi hái lộc. Gia chủ thường bày thế trận để hai đoàn cùng phá trận, đoàn nào giành được lộc đem về cho gia chủ thì sẽ chiến thắng, với phần thưởng cao quý cùng sự nể trọng của đối tác, khách hàng”.

Chính vì điều này, mà chuyện múa lân ở xưa Chợ Lớn từng xảy ra những trận giao tranh khốc liệt giữa các đoàn lân tranh giành địa bàn, khách hàng. Thế nhưng, người trong nghề cho rằng, đó chỉ là những lời đồn thổi, thêu dệt những câu chuyện ly kỳ trong làng múa lân.

Hiện các đoàn lân hoạt động rất quy củ theo luật lệ trong giới, nhằm cư xử đúng mực với nhau. Trường hợp hai đoàn cùng phá một thế trận, thì bên nào bể trống hoặc bể đầu lân coi như thua, mất uy tín với khách hàng.

Múa lân của người Hoa ở TP. Hồ Chí Minh nay ngày càng phát triển. Ngoài những bí truyền, nhiều đoàn lân cũng sử dụng “công nghệ biểu diễn” để thi đấu quốc tế. Một số đoàn lân đã tồn tại gần 100 năm qua, khi liên tục hội nhập với khu vực và quốc tế gặt hái rất nhiều thành công, như Đoàn lân huyền thoại Nhơn Nghĩa Đường...

Bài 3: Về vùng đất nghệ thuật lân sư rồng Chợ Lớn: Huyền thoại về Nhơn Nghĩa Đường

Tin cùng chuyên mục
Bảo tồn và phát huy nghề thủ công truyền thống của các DTTS ở Kon Tum

Bảo tồn và phát huy nghề thủ công truyền thống của các DTTS ở Kon Tum

Cộng đồng các dân tộc thiểu số (DTTS) ở Kon Tum có rất nhiều nghề thủ công truyền thống độc đáo, gắn liền với phong tục, tập quán, tín ngưỡng, nghi lễ, sinh hoạt đời sống cộng đồng, mang đậm nét văn hóa truyền thống. Tuy nhiên, trong quá trình hội nhập và phát triển, cũng có không ít nghề truyền thống đứng trước nguy cơ mai một. Trước thực tế này, cùng với nguồn lực đầu tư của Nhà nước, nhiều nghệ nhân ở các bản làng, bằng nhiều cách đã quyết tâm gìn giữ và truyền lửa đam mê cho thế hệ trẻ mai sau.