Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Về xã “rốn lũ” những ngày cuối năm

PV - 11:10, 06/02/2018

trở lại huyện Thạch Thành, tỉnh Thanh Hóa sau 3 tháng chịu ảnh hưởng của trận lũ lịch sử, những con đường bị ngập nay đã được thu dọn, chỉnh trang; dọc triền sông Bưởi đi qua các xã trên địa bàn một màu xanh của ngô, mía, rau màu… đang dần được hồi sinh.

Đến hộ gia đình bà Vũ Thị Ngần (ở thôn Định Hưng, xã Thạch Định) lúc bà đang phơi phóng lại một ít thóc bị ngập trong lũ. Bà Ngần cười bảo: “Thóc này phơi phóng lại rồi cho gà, vịt ăn… chứ người ăn sao nổi”.

Gia đình Bà Vũ Thị Ngần, thôn Định Hưng, xã Thạch Định đã ổn định cuộc sống sau lũ. Gia đình Bà Vũ Thị Ngần, thôn Định Hưng, xã Thạch Định đã ổn định cuộc sống sau lũ.

 

Là hộ nghèo, chồng mất sớm, nhà chỉ còn lại bà Ngần và anh con trai, bước sang tuổi tứ tuần nhưng bị bệnh về thần kinh, suốt ngày đi lang thang và nói lảm nhảm. Sau trận lũ tháng 10, cũng như hơn 100 hộ gia đình khác trong thôn, vài con gà vịt, bao thóc bị lũ cuốn trôi; căn nhà đơn sơ che nắng, che mưa của mẹ con bà Ngần cũng bị sụp nốt.

Sau lũ, được sự hỗ trợ của các cấp chính quyền, các nhà hảo tâm, bà Ngần cùng các hộ dân trong thôn cùng nhau khắc phục hậu quả, bắt tay vào sản xuất. Bà Ngần bảo, mấy ngày qua trời rét đậm, luống bắp cải dự kiến sẽ cuốn bắp sớm hơn. Cứ với đà này, chỉ ít hôm nữa là toàn bộ số diện tích rau sạch của bà sẽ được các nhà hàng trên thị trấn xuống mua gom.

“Bao nhiêu phù sa lũ cuốn về cứ dồn hết lên đồng, rau màu chỉ cần xuống giống là bén rồi xanh tốt. Nếu trời thương, đừng bỏ sương muối, mẹ con tôi sẽ có cái Tết tươm tất!”, bà Ngần vui lắm.

T5_2Tương tự như bà Ngần, bà Lại Thị Minh (ở thôn 2, xã Thạch Định) cũng rất khó khăn, khi nước lũ dâng cao, người đàn bà góa bụa này chỉ biết thẫn thờ, tuyệt vọng nhìn lũ cuốn trôi những gì có được của gia đình.

 

Bà Minh kể, ngay sau khi nước lũ rút, chính quyền đã huy động người xuống giúp bà dọn dẹp, sửa sang lại ngôi nhà, dựng lại căn bếp bị cuốn mất trong nước lũ. Một số đoàn từ thiện về tận nơi tặng bà nào chăn màn, quần áo, thực phẩm, tiền mặt.

Kéo chúng tôi ra sau vườn, bà Minh chỉ đàn gà con lông còn óng tơ khoe: “Đây là đàn gà giống gần 20 con được mua bằng tiền của các đoàn từ thiện hỗ trợ. Hơn 20 con gà giò lần trước bị nước lũ cuốn mất cả, tiếc đứt ruột. Cũng may được sự giúp đỡ nên bà mới mua được đàn gà này. Cứ chịu khó chăm bẵm chả mấy chốc lại lớn nhanh như thổi!”.

Theo thống kê của xã Thạch Định, nước lũ đã khiến 169ha lúa hè thu, 27ha mía và rau màu của toàn xã bị thiệt hại nặng nề, nên ngay sau khi lũ rút, chính quyền và nhân dân Thạch Định bắt tay vào dọn dẹp vệ sinh môi trường, dựng lại nhà cửa, ổn định đời sống và khôi phục sản xuất, đặc biệt là sản xuất rau màu vụ Đông.

Để người dân vùng rốn lũ Thạch Định không bị rơi vào cảnh thiếu lương thực, cùng với sự hỗ trợ của các đoàn thiện nguyện, UBND huyện Thạch Thành đã trích từ nguồn dự trữ của huyện hơn 138 tấn gạo cấp cho các xã. Nhiều công ty phân bón, giống cũng đã có mặt, kịp thời để hỗ trợ người dân… Chính vì vậy, chỉ hơn 1 tháng sau khi lũ rút, toàn bộ diện tích đất màu của Thạch Định đã xanh lại màu xanh của ngô và các loại cây rau màu ngắn ngày khác.

Ông Vũ Trọng Hùng, Chủ tịch UBND xã Thạch Định cho biết: “Năm nay có vẻ gian nan với Thạch Định, nhưng gian nan mới biết bền lòng. Bà con coi vậy mà nghị lực ghê lắm! Ai cũng hy vọng trong năm mới, mọi khó khăn sẽ qua và những điều hanh thông, tốt đẹp sẽ lại đến”.

QUỲNH TRÂM - NGỌC HƯNG

Tin cùng chuyên mục
Viết từ nơi địa đầu Đông Bắc của Tổ quốc: Ấm no trên những bản làng vùng cao (Bài cuối)

Viết từ nơi địa đầu Đông Bắc của Tổ quốc: Ấm no trên những bản làng vùng cao (Bài cuối)

Trải qua những năm tháng khó khăn, bất ổn, được sự quan tâm chăm lo đầu tư, hỗ trợ của Đảng, Nhà nước; tinh thần trách nhiệm của các cấp, lực lượng chức năng... diện mạo cơ sở hạ tầng, đời sống của đồng bào DTTS ở những bản làng vùng biên giới nơi địa đầu Đông Bắc của Tổ quốc hôm nay đã và đang ngày càng khởi sắc.