Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Bạn đọc

Vì sao người dân không về khu tái định cư?

PV - 08:15, 30/04/2019

Lào Cai được xác định là địa phương thường xuyên xảy ra lũ ống, lũ quét và sạt lở đất trong mùa mưa lũ. Để bảo đảm tính mạng và tài sản của người dân, hằng năm địa phương đã dành hàng tỷ đồng để bố trí, di dời dân ra khỏi khu vực nguy hiểm. Tuy nhiên, đến thời điểm này nhiều khu tái định cư (TĐC) được địa phương đầu tư xây dựng nhưng chỉ có rất ít người dân chuyển về ở.

 Việc thi công khu tái định cư Nậm Bắt đang chậm tiến độ. Việc thi công khu tái định cư Nậm Bắt đang chậm tiến độ.

Dân không đi vì thiếu kinh phí di chuyển

Được biết, tại xã Tân Tiến, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai, sau ảnh hưởng bởi cơn bão lịch sử tháng 7/2014, một vết nứt lớn được phát hiện trên dãy núi thôn Nậm Bắt. Sau khi đi kiểm tra thực tế, ông Nguyễn Hữu Thể, khi đó là Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai đã chỉ đạo phải khẩn trương di dời toàn bộ các hộ dân sống dưới chân núi về nơi ở mới để bảo đảm an toàn.

Tuy nhiên, phải mãi đến tháng 4/2018 công trình TĐC Nậm Bắt mới được khởi công xây dựng với tổng kinh phí được phê duyệt gần 5 tỷ đồng từ nguồn dự phòng ngân sách tỉnh; thời gian hoàn thành dự án là đến tháng 3/2019. Chủ đầu tư dự án là Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng (QLDA-ĐTXD) huyện Bảo Yên, nhà thầu thi công là Công ty Cổ phần Tư vấn Xây dựng Hùng Mạnh.

Đến nay, cơ bản mặt bằng dự án đã được san gạt, hệ thống nước sạch cũng vừa hoàn thành. Theo thông tin từ Ban QLDA-XDCB thì 22/22 hộ dân đã bốc thăm và nhận mặt bằng. Tuy nhiên, hiện mới chỉ có 6 hộ dân chuyển về ở tại khu TĐC.

Là 1 trong 6 hộ chuyển về nơi ở mới, anh Lý Thanh Bằng, dân tộc Dao, thôn Nậm Bắt cho biết: Về nơi ở mới, tôi cảm thấy yên tâm hơn nơi ở cũ vì không còn phải lo lắng về nguy cơ sạt lở mỗi khi mùa mưa lũ đến. Tuy nhiên, với mức hỗ trợ di chuyển như hiện nay là 20 triệu đồng/hộ là quá thấp vì bà con chúng tôi ở đây chủ yếu sản xuất nông nghiệp, đời sống còn nhiều khó khăn. Ví dụ như nhà tôi thì chỉ tính công dỡ ngôi nhà cũ, thuê vận chuyển và mua thêm tấm lợp bổ sung để dựng lại ngôi nhà cũng mất khoảng gần 50 triệu đồng. Gia đình tôi cũng phải vay mượn anh em, họ hàng mới dựng lại được ngôi nhà này, anh Bằng tâm sự.

Cũng theo anh Bằng, sở dĩ bà con chưa chuyển về nơi ở mới là do các hộ quá khó khăn không có tiền cũng như phương tiện để chuyển nguyên vật liệu (từ nhà cũ dỡ ra) để về dựng lại. Tuyến đường từ nơi ở cũ về khu TĐC rất khó khăn, lại là đường cụt lên hầu như không có xe cộ qua lại nên các hộ dân dù có tiền cũng rất khó thuê phương tiện vận chuyển.

“Trước đây nhà mình chuyển nhà ra đây được cũng là nhờ xe của đơn vị thi công họ vào chuyển ra giúp, nhưng do đường xấu quá họ không dám vào chở nữa”, anh Bằng cho biết.

Huyện sẽ hỗ trợ?

Trao đổi về vấn đề này, ông Hồ Cao Khải, Chủ tịch UBND huyện Bảo Yên cho biết, một trong những lý do chính khiến người dân chưa chuyển về TĐC là do dự án chậm triển khai. Theo dự án khu TĐC được bố trí 5 tỷ đồng, nhưng đến thời điểm này tỉnh mới chỉ bố trí được hơn 2 tỷ đồng. Bên cạnh đó, cũng phải nói đến năng lực nhà thầu có vấn đề. Chúng tôi đã chỉ đạo ban QLDA huyện tăng cường giám sát, đôn đốc nhà thầu đẩy nhanh tiến độ dự án”, ông Khải thông tin.

“Bên cạnh đó, kinh phí hỗ trợ cho người dân di chuyển là rất thấp. Hiện, chúng tôi cũng kiến nghị Đảng và Nhà nước cần điều chỉnh nâng mức hỗ trợ di chuyển cho bà con từ 20 triệu đồng/hộ lên 50 triệu đồng/hộ. Vì hầu hết bà con những nơi phải di chuyển đều ở vùng sâu, vùng xa, đời sống còn nhiều khó khăn. Ví dụ như thôn Nậm Bắt thì gần như 100% hộ nghèo nên với mức hỗ trợ 20 triệu đồng như hiện nay thì không đủ để bà con chuyển về nơi mới. Còn riêng về việc người dân không có tiền để thuê phương tiện vận chuyển vật liệu tập kết ra khu TĐC thì chúng tôi cũng đang có kế hoạch có thể sẽ dùng ngân sách của huyện để hỗ trợ cho bà con khoảng 6 triệu đồng/hộ”, ông Khải nhấn mạnh.

Mùa mưa lũ đã cận kề, khu TĐC Nậm Bắt thì vẫn còn dang dở, người dân vì nhiều lý do vẫn sinh sống ở nơi cũ với bao hiểm nguy rình rập. Thiết nghĩ, cấp ủy, chính quyền địa phương cần quyết liệt hơn nữa trong việc đôn đốc đẩy nhanh tiến độ dự án cũng như vận động người dân về nơi ở mới bảo đảm an toàn. Có như vậy mới mong giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản trong mùa mưa lũ năm nay cũng như các năm tới.

Theo Quyết định của UBND tỉnh Lào Cai phê duyệt phương án và kinh phí hỗ trợ di chuyển dân cư ra khỏi vùng thiên tai nguy hiểm đợt 2 năm 2018 thì trên địa bàn tỉnh Lào Cai có 198 hộ dân cần phải di chuyển. Trong đó, có 55 hộ ổn định tại chỗ còn lại là di chuyển về nơi ở mới. Đối với những hộ phải di chuyển được hỗ trợ 20 triệu đồng/hộ; những hộ ổn định tại chỗ được hỗ trợ 10 triệu đồng/hộ.

TRỌNG BẢO

Tin cùng chuyên mục
Thanh Hóa: Yêu cầu các địa phương xử lý dứt điểm cơ sở thu mua, chế biễn gỗ keo trái phép

Thanh Hóa: Yêu cầu các địa phương xử lý dứt điểm cơ sở thu mua, chế biễn gỗ keo trái phép

Tỉnh ủy Thanh Hóa vừa có văn bản yêu cầu các địa phương khẩn trương làm rõ và xử lý nghiêm các tập thể, cá nhân thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý, để các cơ sở thu mua, chế biến gỗ keo tự phát hoạt động trái phép, vi phạm các quy định của pháp luật mà không có biện pháp xử lý kịp thời, hiệu quả.