Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Xã hội

Vị thế người phụ nữ nâng cao, nạn tảo hôn sẽ giảm

Tráng Xuân Cường - 15:46, 02/09/2021

Tôi vốn là người con của đồng bào dân tộc Mông, đi học nội trú, học đại học rồi trở về quê hương Bắc Hà (Lào Cai) công tác suốt nhiều năm qua nên cũng hiểu được khá rõ về các phong tục, tập quán, văn hóa lối sống của đồng bào dân tộc mình.

Phụ nữ người Mông ở Bắc Hà (Lào Cai) hôm nay
Phụ nữ người Mông ở Bắc Hà (Lào Cai) hôm nay

Nhắc lại chuyện xưa

Trong xã hội phong kiến xưa cũ, do có những quy định khắt khe của chế độ phụ quyền nên hầu hết phụ nữ người Mông không có tiếng nói trong gia đình. Phụ nữ Mông thời xưa không được đi học nên ít người biết chữ. Tình trạng tảo hôn, lấy chồng do mai mối phổ biến trong xã hội người Mông. Những người phụ nữ dân tộc Mông chỉ biết cặm cụi lao động quần quật từ sáng đến tối, cuộc sống rất khổ cực…

Khoảng những năm thập kỷ 70 - 80 của thế kỷ trước, đã có một số gia đình người Mông thay đổi nhận thức, đã tạo điều kiện cho cả con trai và con gái đều được đến trường học chữ. Tuy nhiên, do đường đến trường rất xa, lại gập gềnh khó đi nên đa số học sinh nữ chỉ học hết bậc tiểu học là bỏ học, ở nhà đi làm nương và lấy chồng (tảo hôn) ở độ tuổi 12 - 13. Ở cái tuổi “ăn chưa no, lo chưa tới”, nhiều bà mẹ “nhí” đã phải gồng gánh trên vai bao trách nhiệm của người vợ, người mẹ, trở thành lao động chính trong gia đình…

Chưa hết, do nhận thức còn hạn chế, cộng thêm tư tưởng trọng nam khinh nữ của xã hội phong kiến để lại nên hầu hết các cặp vợ chồng người Mông đều sinh rất nhiều con. Gia đình nào chưa có con trai thì người phụ nữ làm dâu phải chịu áp lực tâm lý rất lớn từ gia đình nhà chồng và dòng họ bên chồng. Họ phải đẻ cho bằng được một thằng con trai, lúc ấy mới được coi là làm tròn bổn phận của người vợ. Bởi thế mà có những bà mẹ mới ngoài tuổi 20 đã có 3 - 4 đứa con. Đứa địu trên lưng, đứa dắt bên hông để lên nương trồng ngô, lấy củi... Ban ngày làm bạn với nương rẫy, đêm về cặm cụi băm rau, nấu cám, nuôi lợn, nấu rượu ngô... nhưng cuộc sống vẫn khó khăn, vất vả trăm bề. Có những năm trời hạn hán, ngô mất mùa, nhiều gia đình lâm vào cảnh thiếu đói lương thực, phải trông chờ vào số gạo trợ cấp của Nhà nước...

Thân phận đổi thay, cuộc sống đổi thay

Trong thời kỳ đổi mới, nhờ sự quan tâm đầu tư, hỗ trợ của Đảng, Nhà nước, cuộc sống của đồng bào Mông đã đổi thay rất nhiều. Nhiều gia đình người Mông đã vươn lên làm giàu từ trồng rừng, trồng lê, mận, đào, thảo quả và chăn nuôi đại gia súc. Các hủ tục, tập quán lạc hậu đang dần dần được loại bỏ. Vai trò, vị thế của phụ nữ Mông đang ngày được cải thiện nâng cao. Các em học sinh nữ đã được đến trường học chữ rồi tốt nghiệp cao đẳng, đại học và có nghề nghiệp ổn định. Nam nữ được quyền tự do yêu đương và kết hôn theo lựa chọn của bản thân chứ không phải cảnh “cha mẹ đặt đâu con ngồi đó” như thời xưa nữa!

Ở các bản làng vùng cao hôm nay, cuộc sống người Mông đã thực sự đổi thay so với trước kia. Tuy nhiên, phần lớn những bà mẹ dân tộc Mông vẫn giữ những đức tính kiên trì, chăm chỉ, chịu thương, chịu khó... Khi nhắc đến phụ nữ Mông là nhắc đến biểu tượng của sự hi sinh, lòng vị tha, sự thủy chung son sắt… Đã đi lấy chồng là dành tất cả tâm sức cho gia đình nhà chồng, cho anh em, họ hàng bên chồng… không một câu oán than!

Bởi vậy nên khi cùng nhau đi chợ phiên, nếu chồng uống rượu say thì vợ vẫn kiên nhẫn ngồi chờ không một lời trách móc. Khi chồng tỉnh thì vợ dìu chồng lên lưng ngựa hay cùng nhau đi bộ về nhà trong đêm. Khi chồng có khách đến nhà chơi, cho dù trong nhà chỉ còn miếng thịt  cuối cùng hay quả trứng, con gà mái duy nhất cũng sẵn sàng mang ra mổ thịt, chế biến làm cơm đãi khách…

Cuộc sống của người Mông nay đã khấm khá hơn, nhưng phụ nữ vẫn phải lo toan nhiều việc, từ nội trợ đến làm ruộng, làm nương… Những đêm đông giá rét, họ vẫn cần mẫn thức khuya, dậy sớm chăm chỉ nuôi con khôn lớn. Trong khó khăn, vất vả, những người phụ nữ Mông lớp trước luôn lạc quan tin rằng, sau này, lớp trẻ người Mông sẽ không còn cảnh tảo hôn, không kết hôn cận huyết thống nữa. Các con cháu sẽ được đi học đến nơi, đến chốn, có công việc ổn định, có tình yêu, hôn nhân tự do hạnh phúc, cuộc sống thật sự được ấm no, bình đẳng chứ không còn phải cực nhọc như thời của ông bà, cha mẹ ngày xưa nữa.

Tin cùng chuyên mục
Cần tăng thuế thuốc lá để giảm lượng tiêu thụ tại Việt Nam

Cần tăng thuế thuốc lá để giảm lượng tiêu thụ tại Việt Nam

Ngày 21/11, Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức Hội nghị tập huấn nâng cao năng lực truyền thông về phòng chống tác hại thuốc lá cho phóng viên, biên tập viên báo, đài; các cán bộ, công chức, viên chức của Sở Thông tin và Truyền thông các tỉnh, thành phố.