Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Thời sự

“Việc hỗ trợ Việt Nam triển khai hiệu quả Chương trình MTQG chính là "cây cầu" tăng cường quan hệ giữa hai quốc gia."

Minh Thu - 18:18, 20/11/2021

Đó là khẳng định của ông John McCullagh Đại sứ Nước Cộng hòa Ai Len tại Việt Nam khi trả lời phỏng vấn phóng viên Báo Dân tộc và Phát triển xung quanh vấn đề này.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT Hầu A Lềnh và ông John McCullagh - Đại sứ nước Cộng hòa Ai Len tại Việt Nam ký văn bản sửa đổi, bổ sung của Thỏa thuận tài trợ giữa Chính phủ Ai Len với Chính phủ Việt Nam về hỗ trợ phát triển cho các xã ĐBKK thuộc Chương trình MTQG (tháng 10/2021)
Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT Hầu A Lềnh và ông John McCullagh - Đại sứ nước Cộng hòa Ai Len tại Việt Nam ký văn bản sửa đổi, bổ sung của Thỏa thuận tài trợ giữa Chính phủ Ai Len với Chính phủ Việt Nam về hỗ trợ phát triển cho các xã ĐBKK thuộc Chương trình MTQG (tháng 10/2021)


Xin ông đánh giá về mối quan hệ hợp tác giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Ai Len trong phát triển bền vững vùng đồng bào DTTS và miền núi của Việt Nam thời gian qua?

Ông John McCullagh - Đại sứ nước Cộng hòa Ai Len tại Việt Nam
Ông John McCullagh - Đại sứ nước Cộng hòa Ai Len tại Việt Nam

Ông John McCullagh: Việt Nam đã đạt được nhiều thành công trong công cuộc giảm nghèo, phát triển bền vững vùng đồng bào DTTS và miền núi. Đóng góp vào thành công chung đó, luôn có sự hỗ trợ, giúp đỡ của các chuyên gia, tổ chức quốc tế, đối tác phát triển. Trong số đó, Chính phủ Ai Len đã luôn dành sự quan tâm, hỗ trợ Chính phủ Việt Nam trong hành trình đi đến thành công. Đối với Ai Len, việc hỗ trợ cho người DTTS tại Việt Nam là một giá trị cốt lõi, ưu tiên quan trọng nhất trong Chương trình hợp tác phát triển.

Năm 2021 là đúng 25 năm hai Chính phủ thiết lập quan hệ ngoại giao. Chúng tôi đã xây dựng nhiều hoạt động cho dịp kỷ niệm quan hệ 25 năm, nhưng do tác động của đại dịch Covid-19 nên chưa thể thực hiện. Tuy nhiên, trong năm qua, chúng tôi đã làm lễ "nhuộm" xanh môi trường tại tỉnh Quảng Trị. Đồng thời, coi hợp tác phát triển là nội dung trọng tâm. Hiện Đại sứ quán Ai Len tại Việt Nam đã có hợp tác với các trường đại học ở Việt Nam, triển khai các dự án làm giảm nguy cơ, tác hại về bom mìn còn sót lại sau chiến tranh. Đồng thời, chúng tôi có chương trình hỗ trợ để giảm thiểu tác động của đại dịch Covid-19, của bão lũ năm 2020 ở miền Trung Việt Nam.

Đối với chúng tôi, hỗ trợ vùng DTTS chính là trọng tâm của hợp tác và phát triển. Trong 15 năm qua (2005 - 2020), đã có hơn 80 triệu EURO được Chính phủ Ai Len hỗ trợ cho cộng đồng DTTS tại Việt Nam. Đây là sự hỗ trợ quan trọng và UBDT là đối tác quan trọng giúp chúng tôi hoàn thành Chương trình hỗ trợ tại Việt Nam.

Ông có nhận xét như thế nào về mối quan hệ và công tác phối hợp giữa hai Chính phủ trong công cuộc phát triển ở Việt Nam?

Ông John McCullagh: Một trong những điểm nhấn quan trọng trong hợp tác phát triển Việt Nam - Ai Len là mối quan hệ giữa hai Chính phủ. Trong nhiều năm qua, mối quan hệ ngày càng bền chặt. Trong quá trình hợp tác triển khai thực hiện các chương trình, chính sách, khi gặp khó khăn, chúng tôi nhận thấy Chính phủ Việt Nam luôn lắng nghe, xử lý các khó khăn và đưa ra các giải pháp phù hợp để giải quyết những khó khăn, thách thức nảy sinh. 

Chúng tôi đánh giá rất cao những nỗ lực đó của Chính phủ Việt Nam. Và, một trong những hoạt động quan trọng trong quá trình triển khai chương trình, là những chuyến đi giám sát, đánh giá chung giữa hai bên. Đây là cơ hội tốt để hai bên cùng nhìn nhận, đánh giá về những kết quả đạt được và những khó khăn nảy sinh tại địa phương, để có giải pháp tháo gỡ.

Cá nhân tôi đã có nhiều chuyến công tác tại các tỉnh Quảng Trị, Hòa Bình, chứng kiến các công trình hạ tầng nông thôn quy mô nhỏ, thể hiện sự hiện diện của Ai Len tại những vùng đó và cảm thấy được khích lệ khi trao đổi với những người dân, thấy sự tác động lớn của những công trình đó đến cuộc sống hằng ngày của đồng bào DTTS. Tôi hoan nghênh nỗ lực của UBDT trong việc hợp tác chặt chẽ với chúng tôi, đặc biệt là việc xây dựng và triển khai Chương trình MTQG trong thời gian tới.

Với cam kết hỗ trợ của Chính phủ Ai Len trong thực hiện Chương trình MTQG, vùng DTTS và miền núi của Việt Nam đang đứng trước nhiều điều kiện thuận lợi để bứt phá
Vùng DTTS và miền núi đang đứng trước nhiều cơ hội phát triển khi triển khai thực hiện Chương trình MTQG

Chương trình MTQG đã và đang được Chính phủ Việt Nam đẩy mạnh triển khai thực hiện, Chính phủ Ai Len thể hiện sự ủng hộ và đồng hành với Việt Nam như thế nào với Chương trình MTQG, thưa ông?

Ông John McCullagh: Chương trình MTQG với một cam kết về tài chính rất lớn, với thời hạn 10 năm, được chuẩn bị kỹ lưỡng, tính chất bao phủ khá toàn diện. Chúng tôi ghi nhận, trong thời gian vừa qua, UBDT luôn luôn lắng nghe, hợp tác có tính chất xây dựng đối với chúng tôi. Tôi cũng rất kỳ vọng rằng, với những cam kết hỗ trợ của Chính phủ Việt Nam cho người DTTS, sau 10 năm, khi nhắc đến người DTTS, chúng ta sẽ không nghĩ đến đây là những người nghèo. Chúng ta sẽ nghĩ đến sự đa dạng, sự đặc sắc về văn hóa của người DTTS. Cùng đó, chúng ta đã cam kết về một ngân sách bảo đảm trong vòng 10 năm. Sự hỗ trợ trong thời gian tới sẽ cụ thể theo từng khu vực, có tác động sâu.

Chúng ta đã thực hiện rất thành công Chương trình 135. Từ đây, chúng ta đã có nhiều bài học quý báu để áp dụng thực hiện cho Chương trình MTQG trong thời gian tới một cách tốt hơn. Việc hỗ trợ Việt Nam triển khai hiệu quả Chương trình 135 và Chương trình MTQG chính là "cây cầu" tăng cường quan hệ giữa hai quốc gia cách nhau tới 6.000 dặm.

Tôi mong rằng, chúng ta sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ hơn nữa, chung tay xây dựng được nhiều hơn những "cây cầu" nhỏ ở vùng DTTS và miền núi của Việt Nam. Thông qua sự hỗ trợ đó, chúng tôi xây dựng nhịp cầu bằng việc chú trọng mối quan hệ hợp tác với đầu mối là UBDT, đại diện cho Chính phủ Việt Nam với Đại sứ quán Ai Len, đại diện cho Chính phủ Ai Len.

Tuy chỉ trong một thời gian ngắn, nhưng Việt Nam đã có bước tiến rất dài trong phát triển KT-XH, phát triển nhanh vùng DTTS và miền núi. Chương trình MTQG được xem như phương tiện giúp Chính phủ hai nước thực hiện các mục tiêu tốt hơn, nhanh hơn và bền vững hơn. Trong tiến trình đó, Chính phủ Ai Len sẽ nỗ lực đồng hành, giúp đỡ Chính phủ Việt Nam tìm ra phương hướng, thúc đẩy phát triển đất nước Việt Nam nói chung, vùng đồng bào DTTS và miền núi của Việt Nam nói riêng. Với văn bản ký thỏa thuận tài trợ, chúng ta khẳng định cam kết mạnh mẽ thực hiện việc hợp tác tốt hơn nữa vì sự phát triển của vùng đồng bào DTTS Việt Nam.

Trân trọng cảm ơn ông!