“Lỗ hổng” trong phòng ngừa tai nạn lao động
Tháng 4/2024, ở một số địa phương vùng đồng bào DTTS và miền núi đã xảy ra những vụ TNLĐ nghiêm trọng, khiến nhiều LĐ người DTTS bị thương vong. Gần đây là vụ TNLĐ xảy ra ngày 22/4 tại Công ty Cổ phần Xi măng và Khoáng sản Yên Bái, làm chết 7 công nhân và 3 người bị thương.
Theo lời kể của anh Nông Văn Tuấn (29 tuổi), công nhân bị thương trong vụ TNLĐ này, sau giờ ăn trưa ngày 22/4, kíp thợ gồm 10 người tiến hành sửa chữa, bảo dưỡng dây chuyền máy nghiền; gồm 3 người sửa chữa bên ngoài máy nghiền (trong đó có anh Tuấn), 7 thợ vào bên trong máy nghiền để thay các tấm lát bị mòn.
Công việc sửa chữa, bảo dưỡng máy nghiền không đòi hỏi kỹ thuật cao, chủ yếu cần kíp thợ bên ngoài phối hợp 7 người bên trong bắt vít cố định tấm lát. Vào thời điểm xảy ra tai nạn, quá trình bảo dưỡng máy nghiền diễn ra bình thường. Nhưng sau đó khoảng 30 phút, máy nghiền đang dừng hoạt động bỗng quay mạnh, hất văng 3 người ở bên ngoài xuống đất và làm tử vong 7 người ở bên trong máy nghiền.
Năm 2023, toàn quốc đã xảy ra 7.394 vụ TNLĐ, làm 7.553 người bị nạn, trong đó có 1.720 người bị thương nặng; 699 người tử vong. Sang năm 2024, nhiều vụ TNLĐ đặc biệt nghiêm trọng tiếp tục xảy ra, điều này cho thấy tính bức thiết của việc bảo đảm an toàn lao động tại các đơn vị, doanh nghiệp.
TS. Nguyễn Anh Thơ, Viện trưởng Viện Khoa học An toàn vệ sinh lao động (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) cho rằng, qua vụ việc ở Yên Bái vừa qua và ở nhiều vụ TNLĐ khác trước đây, công tác huấn luyện ATVSLĐ cần phải được kiểm tra, làm rõ.
Pháp luật hiện quy định rất rõ, tất cả các nơi làm việc đều phải có nội quy LĐ, nội quy an toàn và quy trình cho từng máy, thiết bị, công việc; người lao động (NLĐ) phải được tập huấn, huấn luyện về ATVSLĐ một cách thành thục.
Tuy nhiên, việc thực hiện các quy định về ATVSLĐ vẫn còn “lỗ hổng”, đặc biệt là đối với những công việc mang tính phụ trợ như sửa chữa, bảo dưỡng.
Không yêu cầu cao về trình độ của LĐ, lại chỉ mang tính chất “phụ trợ” nên khi việc sửa chữa, bảo dưỡng máy móc đều có tâm lý chủ quan của người sử dụng LĐ và của chính NLĐ.
TS. Nguyễn Anh Thơ cho rằng, chính những công việc phụ trợ là yếu tố gây TNLĐ nhiều nhất vì thiếu những quy trình, thiếu sự giám sát, thiếu những công nhân thường xuyên làm công việc đó, dẫn đến người được giao công việc đó là công việc làm thêm. Công nhân thiếu được huấn luyện thành thục trước khi vào làm việc nên rất dễ chủ quan, dễ xảy ra tai nạn.
“Từ các vụ tai nạn cho thấy, yếu tố lỗi do con người cần được xem xét ở cả chủ doanh nghiệp đến đơn vị huấn luyện, người lao động...”, TS. Nguyễn Anh Thơ nhấn mạnh.
“Lỗ hỏng” trong phòng ngừa TNLĐ do yếu tố con người đã và đang được các cấp ngành liên quan nỗ lực “vá”. Vào tháng Năm hằng năm, trên khắp mọi vùng, miền đều rầm rộ tổ chức Tháng “Hành động về ATVSLĐ” gắn với “Tháng Công nhân”, được tuyên truyền rộng rãi. Tuy nhiên, vẫn còn một số doanh nghiệp, người sử dụng LĐ và NLĐ chưa thực sự quan tâm; công tác huấn luyện ATVSLĐ, đào tạo kỹ năng cho NLĐ một số nơi còn hình thức, chưa sát với thực tiễn.
Bài toán nâng cao kỹ năng cho lao động
Như Viện trưởng Viện Khoa học An toàn vệ sinh lao động – TS. Nguyễn Anh Thơ, đã khẳng định, công việc phụ trợ, mở rộng ra là những công việc giản đơn, không yêu cầu cao về trình độ, là "địa chỉ" thường xảy ra TNLĐ. Trong khi đó, với xu hướng dịch chuyển đến các vùng trọng điểm kinh tế, các khu công nghiệp, khu chế xuất và các làng nghề ven đô thị lớn để làm việc, nhưng việc làm của LĐ người DTTS vẫn chủ yếu là công việc giản đơn, hầu hết chưa qua đào tạo.
Cách đây 5 năm, kết quả điều tra thực trạng kinh tế - xã hội 53 DTTS cho thấy, trong gần 8 triệu LĐ người DTTS trên ca nước thì chỉ có 10,3% đã qua đào tạo, còn lại đều không có trình độ chuyên môn kỹ thuật.
Đến thời điểm này chưa có số liệu cụ thể về tỷ lệ LĐ người DTTS đã qua đào tạo đã tăng lên như thế nào (từ ngày 1/7/2024, Tổng cục Thống kê và Ủy ban Dân tộc mới tiến hành cuộc Điều tra thu thập thông tin thực trạng kinh tế - xã hội 53 DTTS, dự kiến công bố vào năm 2025). Tuy nhiên, dựa vào báo cáo tình hình lao động – việc làm năm 2023 của Tổng cục Thống kê cũng có thể thấy, LĐ người DTTS chủ yếu vẫn làm công việc giản đơn.
Cụ thể, trong báo cáo này, Tổng cục Thống kê cho biết, LĐ có việc làm năm 2023 của cả nước là 51,3 triệu người, nhưng có tới 38,0 triệu LĐ chưa qua đào tạo từ sơ cấp trở lên. Số LĐ chưa qua đào tạo chủ yếu ở khu vực nông thôn, miền núi, lao động người DTTS.
Việc chưa qua bất cứ một khóa đào tạo nào khiến nhiều LĐ nông thôn, lao động người DTTS càng phải đối diện với nhiều rủi ro hơn khi làm việc trong môi trường công nghiệp. Khi kỹ năng làm việc an toàn của LĐ còn hạn chế, công tác huấn luyện ATVSLĐ chưa được người sử dụng LĐ quan tâm đúng mức khiến nguy cơ TNLĐ luôn thường trực.
Vấn đề bảo đảm ATVSLĐ cho LĐ nói chung, LĐ người DTTS nói riêng cần được quan tâm chặt chẽ hơn. Bởi hiện nay, trước xu hướng dịch chuyển cơ cấu LĐ ở vùng đồng bào DTTS và miền núi, nhiều chính sách hỗ trợ LĐ người DTTS tiếp cận với sản xuất công nghiệp đã và đang được triển khai, tạo cơ hội việc làm cho LĐ.
Trong đó, nổi bật là chính sách giải quyết việc làm thuộc Tiểu dự án 3 - Dự án 5 của Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 – 20203. Triển khai chính sách này, các địa phương đã tăng cường kết nối để hỗ trợ LĐ người DTTS có cơ hội việc làm tại các công ty trong nước và cả ngoài nước.
Đây là giải pháp để tạo sinh kế cho lao động người DTTS. Tuy nhiên, cùng với triển khai chính sách hỗ trợ LĐ kết nối việc làm, thì các cấp ngành, địa phương cần tăng cường nâng cao nhận thức về ATVSLĐ; chú trọng tuyên truyền phòng ngừa TNLĐ.
Các doanh nghiệp cũng cần tăng cường công tác bảo đảm ATVSLĐ; chú trọng đến các hoạt động tự kiểm tra, chủ động kiểm soát phòng ngừa các yếu tố nguy hiểm tại doanh nghiệp; đồng thời tích cực phòng ngừa TNLĐ; tổ chức huấn luyện ATVSLĐ cho NLĐ.