Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Xã hội

Giải quyết các chính sách cho người bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp: Nỗ lực không chỉ từ một phía

Cam Phúc - 10:55, 17/06/2022

Trong Nghị quyết số 19/NQ-CP ngày 16/2/2022 của Chính phủ ban hành Chương trình quốc gia về an toàn, vệ sinh lao động giai đoạn 2021 - 2025, Chính phủ đặt mục tiêu đến 2025, trên 80% người bị tai nạn lao động (TNLĐ), bệnh nghề nghiệp (BNN) được hưởng chế độ bồi thường, trợ cấp. Để đạt được mục tiêu này thì cần sự chung tay từ nhiều phía.

Hiện có số lượng lớn lao động tự do, không có hợp đồng, không có bảo hiểm TNLĐ, BNN nên khi xảy ra TNLĐ, BNN, họ không được hưởng chế độ, dẫn đến gặp khó khăn trong chữa trị.
Hiện có số lượng lớn lao động tự do, không có hợp đồng, không có bảo hiểm TNLĐ, BNN nên khi xảy ra TNLĐ, BNN, họ không được hưởng chế độ, dẫn đến gặp khó khăn trong chữa trị.

“Điểm tựa” từ chính sách

Chính sách bảo hiểm xã hội (BHXH) là một trong những trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội, trong đó, bảo hiểm TNLĐ, BNN là một thành phần, do người sử dụng lao động bắt buộc phải đóng cho người lao động (NLĐ). Đây là nguồn quỹ quan trọng để chia sẻ rủi ro với NLĐ nếu không may xảy ra sự cố.

Chị Lương Thị Nguyên, sinh năm 1987, là công nhân Công ty TNHH Việt Pan Pacific (doanh nghiệp sản xuất hàng may mặc xuất khẩu ở TP. Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang). Sau gần 8 năm làm việc, đầu năm 2021, chị Nguyên thấy có biểu hiện khó thở, viêm họng kéo dài nên đi khám. Các bác sĩ kết luận chị bị bệnh bụi phổi - một trong những bệnh thường gặp ở lao động ngành may.

Chị đã phải xin nghỉ việc gần 1 năm để điều trị bệnh, đồng nghĩa không có khoản thu nhập hằng tháng hơn 7 triệu đồng/tháng. Cũng may, sau khi có kết quả giám định BNN, hoàn thiện hồ sơ, chị được hưởng trợ cấp hằng tháng từ chính sách bảo hiểm tai nạn lao động, BNN. Dù số tiền không lớn nhưng cũng giúp gia đình chị vơi bớt khó khăn trước mắt. Kiên trì điều trị, sức khỏe chị Nguyên ổn định dần, chị đã trở lại làm việc tại doanh nghiệp vào cuối năm 2021.

Chị Nguyên là một trong rất nhiều lao động được chi trả trợ cấp hằng tháng từ Quỹ TNLĐ, BNN, nhờ đó vơi đi một phần khó khăn trong cuộc sống. Theo số liệu của BHXH Việt Nam, chỉ tính trong năm 2021, ngành BHXH Việt Nam đã giải quyết hưởng mới trợ cấp TNLĐ, BNN hằng tháng đối với 2.378 người; trung bình mỗi tháng giải quyết đối với gần 200 người hưởng trợ cấp TNLĐ, BNN hằng tháng. Tổng số tiền giải quyết hưởng trợ cấp TNLĐ, BNN hằng tháng tính đến hết năm 2021 là 697 tỷ đồng.

Cùng với chi trả trợ cấp hằng tháng thì trong năm 2021, Cơ quan BHXH cũng đã giải quyết hưởng trợ cấp TNLĐ, BNN một lần đối với 4.737 người; trung bình mỗi tháng giải quyết gần 400 người hưởng trợ cấp TNLĐ, BNN một lần. Tổng số tiền giải quyết hưởng mới trợ cấp TNLĐ, BNN một lần năm 2021 là 180 tỷ đồng.

Theo đánh giá của BHXH Việt Nam, công tác chi trả các chế độ TNLĐ, BNN được thực hiện kịp thời, theo đúng theo quy định của pháp luật. Đồng thời, Cơ quan BHXH đã đa dạng hóa các hình thức chi trả để tạo thuận lợi cho NLĐ. Đặc biệt, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, BHXH đã đẩy mạnh việc chi trả qua phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt, qua đó giúp người hưởng chính sách hạn chế đi lại, tiếp xúc, bảo đảm được an toàn.

May mặc là một trong những ngành sản xuất công nhân thường nguy cơ mắc bệnh phổi rất cao. (Ảnh minh họa)
May mặc là một trong những ngành sản xuất công nhân thường nguy cơ mắc bệnh phổi rất cao. (Ảnh minh họa)

Tháo gỡ rào cản, tăng hiệu quả phòng ngừa

Theo tìm hiểu của phóng viên, trước đây, các nội dung của bảo hiểm TNLĐ, BNN nằm trong Luật BHXH, chỉ thực hiện chế độ trợ cấp sau khi NLĐ đã điều trị ổn định thương tật, thiếu cơ chế tái đầu tư để phòng ngừa. Vì vậy, không ít doanh nghiệp né tránh thực hiện nghĩa vụ đối với NLĐ.

Khắc phục điều này, tăng cường hơn nữa khả năng phòng ngừa, quy định về chế độ bảo hiểm TNLĐ-BNN được chuyển từ Luật BHXH sang Luật An toàn vệ sinh lao động năm 2015 (có hiệu lực từ ngày 1/7/2016). Nhưng việc thu, chi và quản lý Quỹ TNLĐ, BNN vẫn do Cơ quan BHXH thực hiện.

Để giải quyết chế độ cho NLĐ kịp thời, đúng đối tượng, Cơ quan BHXH Việt Nam đã tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin. Phần mềm Xét duyệt chính sách với trên 250 chức năng, liên thông dữ liệu với các phần mềm nghiệp vụ khác đáp ứng toàn bộ quy định của Luật An toàn, vệ sinh lao động và các văn bản hướng dẫn có liên quan. Hệ thống giao dịch điện tử được quản lý tập trung, thống nhất đảm bảo việc giải quyết hưởng chế độ TNLĐ, BNN đối với NLĐ được nhanh chóng, chính xác và kịp thời.

Tuy nhiên, theo đánh giá của BHXH Việt Nam, để chính sách bảo hiểm TNLĐ, BNN triển khai có hiệu quả hơn nữa, đạt được mục tiêu thì cần sự quan tâm từ phía đơn vị sử dụng lao động (SDLĐ). Một trong những tồn tại hiện nay là các đơn vị sử dụng lao động chưa quan tâm đến các chế độ về hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp; các hoạt động phòng ngừa, chia sẻ rủi ro về TNLĐ, BNN.

Ngoài ra, BHXH Việt Nam cũng chỉ rõ, hiện vẫn còn tình trạng đơn vị sử dụng lao động cố tình né tránh, chậm trễ trong việc lập hồ sơ đề nghị giải quyết chế độ TNLĐ, BNN đối với NLĐ, chỉ lập hồ sơ giải quyết chế độ ốm đau do thủ tục đơn giản hơn. Khi NLĐ khiếu nại thì mới đề nghị cơ quan BHXH hướng dẫn thủ tục để giải quyết chế độ TNLĐ, BNN. Đây là những tồn tại cần có giải pháp giải quyết triệt để, từ đó nâng cao ý thức, trách nhiệm của đơn vị sử dụng lao động trong việc giải quyết các chính sách liên quan cho người bị TNLĐ, BNN.

Một rào cản lớn hiện nay trong việc triển khai các chính sách liên quan cho người bị TNLĐ, BNN là có một lượng lớn NLĐ làm việc không theo hợp đồng lao động. Bộ phận này phần lớn chưa được đào tạo nghề, nhất là chưa được huấn luyện, trang bị bảo hộ về an toàn, vệ sinh lao động, nguy cơ cao mất an toàn lao động. Do số lao động này không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm TNLĐ, BNN nên khi xảy ra TNLĐ, BNN, họ không được hưởng chế độ, dẫn đến gặp khó khăn trong chữa trị, không có nguồn thu nhập để duy trì ổn định cuộc sống, sinh hoạt bản thân.


Tin cùng chuyên mục
Nghệ An: Khó thực hiện nội dung Đào tạo nghề theo Chương trình MTQG 1719 vì nhiều cái thiếu

Nghệ An: Khó thực hiện nội dung Đào tạo nghề theo Chương trình MTQG 1719 vì nhiều cái thiếu

Thiếu đối tượng học nghề, nhu cầu học nghề không nhiều, chưa kể hệ thống cơ sở vật chất, số lượng giáo viên dạy nghề không đủ đáp ứng… đang là thực tế. Đây là nguyên nhân tiểu dự án 3, Dự án 5 thuộc Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2025 (Chương trình MTQG 1719) ở Nghệ An về hỗ trợ đào tạo nghề không thể giải ngân hết nguồn vốn được phân bổ.