Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Kinh tế

“Viên ngọc xanh” giữa đại ngàn

PV - 09:20, 22/04/2019

Danh lam thắng cảnh hồ Ba Bể nằm trong Vườn quốc gia Ba Bể thuộc xã Nam Mẫu, huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn được ví như “viên ngọc xanh” giữa đại ngàn. Đến nơi đây, du khách không chỉ được thăm quan, trải nghiệm về vẻ đẹp thiên nhiên mà còn được thưởng thức những món ăn đặc sản truyền thống, được hòa mình, khám phá bản sắc văn hóa độc đáo của người dân địa phương.

Hồ Ba Bể được ví như “viên ngọc xanh” giữa đại ngàn. Hồ Ba Bể được ví như “viên ngọc xanh” giữa đại ngàn.

Hồ Ba Bể là một kỳ quan thiên nhiên tuyệt đẹp, là nơi lý tưởng cho du khách đến thăm quan và trải nghiệm. Hồ Ba Bể có 3 hồ nhỏ trải dài kết hợp thành một hồ lớn, đó là Pé Lầm, Pé Lù và Pé Lèng. Ngoài ra, hồ còn có các điểm thăm quan thú vị như: Ao Tiên, Thác Đầu Đẳng, Động Puông, Đảo An Mã, Đảo Bà Góa…

Một nét rất riêng và nên thơ ở hồ Ba Bể là những chiếc thuyền độc mộc được làm từ cây gỗ lớn và những thiếu nữ người Tày khoác chiếc áo chàm lướt nhẹ thuyền độc mộc với dáng vẻ khoan thai, êm ả trên mặt hồ. Nhà thơ Dương Khau Luông, Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Bắc Kạn cho biết: Cảnh quan ở hồ Ba Bể được thiên nhiên, được tạo hóa ban tặng, nên vẻ đẹp của hồ Ba Bể rất tự nhiên, nên thơ và cũng rất độc đáo, hiếm có nơi nào, địa danh nào có một nét rất riêng biệt như hồ Ba Bể. Chính vẻ đẹp nên thơ, đặc sắc và độc đáo như vậy nên đây là một điểm khơi nguồn cảm hứng sáng tạo không bao giờ cạn của các văn, nghệ sĩ khi đến hồ Ba Bể...

Không chỉ có cảnh quan độc đáo, Ba Bể còn là mảnh đất với nhiều trầm tích văn hóa, lễ hội độc đáo. Hằng năm, vào ngày mùng 9, mùng 10 tháng Giêng âm lịch, tỉnh Bắc Kạn tổ chức Hội xuân Ba Bể (Hội Lồng Tồng) thu hút hàng nghìn khách thập phương đến thăm quan, du xuân và ngắm cảnh. Tại lễ hội còn có các trò chơi dân gian như: Tung còn, đẩy gậy, chọi gà, chọi bò, kéo co, tung vòng cổ vịt, đua thuyền độc mộc…

Đến với Ba Bể vào dịp này, du khách còn được thăm quan, khám phá về phong tục tập quán và văn hóa của đồng bào nơi đây như: Làng văn hóa bản Pác Ngòi với mô hình du lịch Homestay (du lịch cộng đồng), được ăn nghỉ tại các ngôi nhà sàn truyền thống với những món ăn đặc sản của bà con dân tộc địa phương như: Tép chua, cá hồ nướng, lạp sườn, bánh trời, rượu ngô men lá, những món rau rừng… và thưởng thức những làn điệu dân ca, dân vũ, các làn điệu hát Then đàn Tính mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc.

Chính nhờ những ưu điểm về thiên nhiên tuyệt diệu và bản sắc văn hóa độc đáo nơi đây đã giúp nhiều doanh nghiệp đầu tư vào làm du lịch hồ Ba Bể. Được biết, từ ngày tái lập tỉnh, (năm 1997) tỉnh Bắc Kạn đã có chủ trương phát triển du lịch hồ Ba Bể thành khu du lịch sinh thái. Với sự đầu tư của Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn (Saigon Tourist) từ năm 2015 Khu du lịch Ba Bể được đầu tư trên cơ sở thực hiện chiến lược thu hút đầu tư phát triển du lịch Ba Bể; Quy hoạch du lịch hồ Ba Bể đến năm 2030 và thỏa thuận hợp tác giữa tỉnh Bắc Kạn và TP. Hồ Chí Minh. Dự án khi hoàn thành hướng tới đối tượng khách nghỉ dưỡng, hội nghị hội thảo kết hợp thăm quan; kết nối các tuyến điểm nổi tiếng tại vùng Đông-Tây Bắc, giúp Bắc Kạn thuận lợi trong mời gọi các nhà đầu tư khác, tạo công ăn việc làm cho người dân tại địa phương.

Cùng với đó, kể từ khi nhận được sự hỗ trợ của Dự án phát triển Du lịch bền vững Tiểu vùng sông Mekong mở rộng với vốn vay của Ngân hàng phát triển châu Á (ADB), danh thắng hồ Ba Bể đã nhận được sự quan tâm đầu tư lớn hơn để khai thác và phát triển du lịch.

Với kinh phí 10 triệu USD, Dự án Phát triển Du lịch bền vững tiểu vùng sông Mekong mở rộng với vốn vay của Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) đặc biệt chú trọng đến việc khai thác các cơ hội mới được tạo ra nhờ phát triển các hành lang giao thông trong tiểu vùng.

Dự án này khuyến khích các cấp chính quyền địa phương và cộng đồng cũng như khu vực tư nhân cùng làm việc trong quan hệ đối tác nhằm phát triển, khai thác và duy tu các trang thiết bị du lịch của cộng đồng. Theo đó, những năm trở lại đây, người dân các thôn, bản sống quanh khu vực hồ Ba Bể đã và đang đẩy mạnh làm du lịch Homestay để góp phần phát triển kinh tế-xã hội ở địa phương. Dự án cũng giúp chuẩn bị các kế hoạch phát triển và quản lý các khu du lịch, đào tạo cộng đồng dân cư địa phương, đặc biệt là người dân thuộc các dân tộc ít người, các công ty lữ hành tư nhân, phát triển các chiến lược tiếp thị và sản phẩm du lịch.

Chia sẻ với chúng tôi về cảm nhận khi đến thăm quan Ba Bể, một số du khách nước ngoài cho biết, họ ấn tượng với cảnh sắc thiên nhiên kỳ vĩ, hoang sơ ở Ba Bể. Ông Pierre một du khách Thụy Sỹ chia sẻ: “Đây là lần đầu tiên tôi đến Việt Nam cũng là lần đầu tiên tôi đến Ba Bể. Trong chuyến du lịch này, tôi đã đi khắp miền Bắc của nước Việt Nam. Sau khi thăm Ba Bể, chúng tôi sẽ đi thác Bản Giốc và về Hà Nội”. Tôi thấy cảnh quan hồ Ba Bể rất đẹp, con người dễ mến, thân thiện và niềm nở. Tuy nhiên, các bạn cần cải thiện dịch vụ cũng như sự chuyên nghiệp để tạo ấn tượng hơn với du khách. Làm được như vậy, tương lai không xa, Ba Bể sẽ là điểm đến hấp dẫn của du khách quốc tế khi tới Việt Nam…

ÚY THƯƠNG

Tin cùng chuyên mục
Sơn La nâng cao sức cạnh tranh cho sản phẩm nông nghiệp

Sơn La nâng cao sức cạnh tranh cho sản phẩm nông nghiệp

Chủ động nâng cao nhận thức, tư duy trong sản xuất nông nghiệp, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, từ đó nâng cao chất lượng, tăng sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp trên thị trường. Đây là việc làm quan trọng mà ngành Nông nghiệp tỉnh Sơn La đang hướng tới, nhằm phát triển nền nông nghiệp cạnh tranh, tiến tới xây dựng Sơn La trở thành tỉnh phát triển xanh, nhanh và bền vững.