Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Thời sự

Việt Nam nỗ lực bảo đảm quyền cho người dân tộc thiểu số

Hương Trà (t/h) - 18:15, 01/12/2023

Đoàn công tác Việt Nam do Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Y Thông làm Trưởng đoàn vừa bảo vệ thành công Báo cáo quốc gia thực thi Công ước quốc tế về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt chủng tộc (Công ước CERD) lần thứ 5, trong khuôn khổ Khóa họp lần thứ 111 của Ủy ban Công ước CERD tại Geneva, Thụy Sĩ.



Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Y Thông
Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Y Thông (giữa) tại phiên họp. Ảnh: TTXVN

Đoàn công tác Việt Nam với 22 thành viên đã báo cáo và trả lời nhiều câu hỏi từ Ủy ban Công ước CERD về việc xây dựng hệ thống chính sách pháp luật, đặc biệt là các vấn đề về người DTTS.

Báo cáo CERD 5 của Việt Nam gồm 4 phần, 7 điều, 138 mục, cung cấp thông tin về các biện pháp lập pháp, hành chính, tư pháp hoặc các biện pháp khác và kết quả triển khai các biện pháp đó trong giai đoạn từ năm 2013-2019 nhằm bảo vệ quyền con người, chống các hành vi kỳ thị, phân biệt về chủng tộc tập trung vào người DTTS và người nước ngoài ở Việt Nam.

Báo cáo tuyên truyền các thành tựu bảo vệ nhân quyền cho người DTTS và người nước ngoài ở Việt Nam, nhận diện các khó khăn, thuận lợi trong việc thực hiện Công ước trong giai đoạn báo cáo và định hướng triển khai trong tương lai.

Việt Nam là một quốc gia thống nhất gồm 54 dân tộc chung sống, trong đó 53 DTTS với số dân hơn 14,119 triệu người, chiếm tỷ lệ 14,7% tổng dân số cả nước, với 3,6 triệu hộ, cư trú thành cộng đồng đan xen ở 51 tỉnh, thành phố, 548 huyện, 5.266 đơn vị hành chính cấp xã.

Báo cáo khẳng định chủ trương, đường lối nhất quán của Đảng, Chính phủ Việt Nam về các DTTS như đã được ghi rõ trong Điều 5, Hiến pháp năm 2013 hoàn toàn phù hợp với định nghĩa về chống phân biệt chủng tộc tại Điều 1 Công ước CERD.

Báo cáo cũng chia sẻ những thành tựu Việt Nam đã đạt được trong công tác dân tộc giai đoạn từ năm 2013-2023, với nhiều thành tích nổi bật trong công tác đại đoàn kết toàn dân, hỗ trợ các DTTS phát triển kinh tế-xã hội, xóa đói giảm nghèo, bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, ngôn ngữ, chữ viết,... giúp Liên hợp quốc và bạn bè quốc tế có cái nhìn toàn diện hơn về Việt Nam.

Báo cáo khẳng định cam kết của Việt Nam trong thực hiện quyền và nghĩa vụ của quốc gia thành viên Công ước qua những thành tựu Việt Nam đã đạt được trong công tác hoàn thiện hệ thống pháp luật của Việt Nam phù hợp với các quy chuẩn, tiêu chuẩn quốc tế và bảo vệ giá trị phổ quát về quyền con người nói chung, cùng những nỗ lực của Việt Nam trong việc góp phần xóa bỏ mọi hình thức phân biệt chủng tộc, phân biệt đối xử nói riêng.

Việt Nam đã có nhiều nỗ lực bảo đảm quyền cho người dân tộc thiểu số
Việt Nam đã có nhiều nỗ lực bảo đảm quyền cho người DTTS

Trong bài phát biểu tại Ủy ban Công ước CERD, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc Y Thông, Trưởng đoàn Việt Nam nhấn mạnh, các nguyên tắc và quy định về bình đẳng giữa các dân tộc được thể chế hóa trong pháp luật. Pháp luật Việt Nam đã có những quy định cụ thể về cấm phân biệt đối xử tại Hiến pháp năm 2013 (Điều 16, 26, 35) và nhiều văn bản pháp luật.

Từ năm 2013 đến nay, hệ thống pháp luật Việt Nam liên tục được xây dựng và hoàn thiện tương đối đồng bộ, đáp ứng về cơ bản quyền con người trong đó có việc bảo đảm các quyền và lợi ích chính đáng của đồng bào DTTS. Trong 10 năm qua, Quốc hội Việt Nam đã ban hành 125 luật, trong đó có 352 điều khoản luật trực tiếp liên quan đến quyền và nghĩa vụ của các DTTS.

Việt Nam khẳng định lập trường kiên quyết phản đối và chống chia rẽ, kích động hận thù giữa các dân tộc, chủng tộc. Những hành vi phân biệt chủng tộc hoặc hỗ trợ các hoạt động gây chia rẽ, kỳ thị và phân biệt chủng tộc đều bị pháp luật Việt Nam nghiêm cấm, trừng trị nghiêm khắc.

Trên bình diện quốc tế, Việt Nam tích cực tham gia các diễn đàn, hội nghị về quyền con người, chống phân biệt chủng tộc, cam kết tuân thủ các Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Y Thông cũng thông tin, Việt Nam đã đạt được các tiến bộ quan trọng trong thúc đẩy quyền cho người DTTS, đặc biệt là với các quyền như quyền tham gia các hoạt động quản lý nhà nước, quản lý xã hội, người DTTS được tham gia vào các hoạt động quản lý nhà nước, quản lý xã hội một cách trực tiếp hoặc thông qua đại diện theo những quy định cụ thể, rõ ràng, nhất là hành lang “quy chế dân chủ”.

“'Chúng tôi cảm ơn đoàn công tác Việt Nam đã đến tham dự rất đông đủ, đại diện cho nhiều cơ quan, bộ, ngành. Chúng tôi đánh giá cao phần báo cáo và trả lời của đoàn. Chúng ta đã có cuộc đối thoại mang tính xây dựng với nhiều thông tin và số liệu'', bà Shepherd Verene Albertha, Chủ tịch Ủy ban Công ước CERD cho biết.

Nhằm thực thi tốt hơn nữa với vai trò là thành viên Công ước CERD, Việt Nam cam kết tăng cường vai trò giám sát của người dân, thúc đẩy tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức về Công ước trong cả nước nói chung và đặc biệt là vùng DTTS và miền núi nói riêng.

Việt Nam trở thành quốc gia thành viên của Công ước CERD từ năm 1982. Đây là lần thứ 5, Việt Nam bảo vệ báo cáo quốc gia trước Ủy ban Công ước với nhiều tiến bộ quan trọng trong thúc đẩy quyền bình đẳng các dân tộc.

Ra đời từ năm 1965, Công ước CERD lên án nạn phân biệt chủng tộc và xác lập nghĩa vụ cho các quốc gia thành viên phải áp dụng mọi biện pháp cần thiết và không trì hoãn các chính sách nhằm loại trừ các hình thức phân biệt dựa trên chủng tộc, màu da, dòng dõi, dân tộc hoặc gốc người thiểu số.

Các quốc gia thành viên cam kết sẽ cấm và xóa bỏ sự phân biệt chủng tộc dưới mọi hình thức và bảo đảm quyền bình đẳng trước pháp luật của tất cả mọi người, không phân biệt chủng tộc, màu da, nguồn gốc quốc gia hay sắc tộc, đặc biệt trong việc thụ hưởng các quyền cơ bản của con người gồm các quyền dân sự-chính trị và các quyền kinh tế-xã hội-văn hoá.