Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Việt Nam nỗ lực thực hiện công ước quốc tế “Chống phân biệt chủng tộc”

Duy Ly - 08:11, 19/04/2021

Vấn nạn phân biệt chủng tộc, từ lâu đã gây ra rất nhiều làn sóng bất bình trên toàn thế giới. Tại Việt Nam, với chính sách và pháp luật thể hiện tinh thần tiến bộ, bình đẳng, công bằng, Việt Nam đã đạt được những thành tựu đáng ghi nhận trong cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa phân biệt chủng tộc ở cả trên bình diện quốc tế và quốc gia.

Người châu Á biểu tình với biểu ngữ: “Tôi không phải là virus” (nguồn: indepthnh.org)
Người châu Á biểu tình với biểu ngữ: “Tôi không phải là virus” (nguồn: indepthnh.org)

Còn nhớ mùa hè năm ngoái, sự ra đi đầy đau xót của người đàn ông da màu George Floyd khi bị viên cảnh sát da trắng bắt, ghì chân lên cổ cho đến chết tại thành phố Minneapolis, bang Minnesota (Mỹ) đã khiến dư luận hết sức phẫn nộ. Đến đầu năm nay, vụ xả súng vào ba tiệm mát-xa tại thành phố Atlanta, bang Georgia (Mỹ), làm 8 người thiệt mạng, trong đó có 6 người là phụ nữ châu Á đã một lần nữa dấy lên hồi chuông báo động về tình trạng phân biệt chủng tộc trên thế giới, đặc biệt là tại Mỹ - quốc gia có số lượng người nhập cư lớn nhất thế giới.

Vấn đề phân biệt chủng tộc với người châu Á diễn ra không chỉ ở Mỹ. Tại châu Âu và Úc, các báo cáo về tội phạm căm hận chống người gốc Á gia tăng, đặc biệt trong khoảng thời gian đại dịch Covid-19, người Việt tại nước ngoài, cũng là những nạn nhân hứng chịu sự phân biệt này.

Tại bang New South Wales (Úc) ghi nhận trường hợp một thiếu niên da trắng có lời lẽ xúc phạm, kỳ thị với hai chị em họ Do gốc Việt. Hung thủ bị cáo buộc 6 tội danh trong đó có tội tấn công người khác và có lời lẽ khiếm nhã.

Rất nhiều cuộc biểu tình đã diễn ra trên thế giới nhằm đòi lại công bằng cho người châu Á. “Stop Asian Hate” (ngưng phân biệt người châu Á); “Asian lives matter” (sinh mạng người châu Á cũng đáng giá) là những biểu ngữ được sử dụng phổ biến.

Tổng thống Mỹ Joe Biden đã lên án vụ xả súng tại bang Georgia vừa qua, và khẳng định tình trạng bạo lực nhằm vào người Mỹ gốc Á là "rất đáng quan ngại". Hiện Tổng thống Mỹ Joe Biden và nhiều nghị sĩ Quốc hội Mỹ đã chính thức lên án tình trạng này và yêu cầu chính quyền các địa phương tăng cường các biện pháp ngăn chặn.

Về phía Việt Nam, vào ngày 31/3 vừa qua, Đại sứ Việt Nam Hà Kim Ngọc cùng với Đại sứ các nước ASEAN tại Mỹ, đã gửi thư đến Ngoại trưởng Mỹ Anthony Blinken và Hội đồng An ninh quốc gia, trong đó lên án các hành động kỳ thị, phân biệt chủng tộc nhằm vào người gốc Á tại Mỹ.

 Cùng với nỗ lực vận động sở tại, Đại sứ quán Việt Nam tại Mỹ liên tục duy trì các kênh thông tin, hỗ trợ 24/7 (24/24 giờ, và cả 7 ngày trong tuần), nhằm theo sát tình hình và kịp thời bảo hộ, hỗ trợ cộng đồng và công dân Việt Nam.

Việt Nam đã có nhiều nỗ lực trong thực hiện Công ước CERD, đặc biệt là việc đảm bảo quyền của các dân tộc thiểu số
Việt Nam đã có nhiều nỗ lực trong thực hiện Công ước CERD, đặc biệt là việc đảm bảo quyền của các dân tộc thiểu số

Tại buổi họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại Giao ngày 25/3 vừa qua, khi được hỏi về các phương án bảo hộ công dân Việt Nam trong tình hình hiện nay, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng khẳng định: Bảo hộ công dân là một trong những ưu tiên trong chính sách đối ngoại của Việt Nam nói riêng, cũng như trong chính sách của Đảng và Nhà nước nói chung. Các cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam ở nước ngoài cũng như các cơ quan trong nước, luôn phối hợp chặt chẽ để đảm bảo sự an toàn, quyền và lợi ích của công dân Việt Nam tại nước ngoài. 

"Người Việt Nam bị xâm hại hoặc bị ảnh hưởng bởi tình trạng phân biệt chủng tộc, có thể liên hệ và thông báo qua tổng đài bảo hộ công dân của Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao Việt Nam và đường dây nóng của các cơ quan đại diện Việt Nam tại nước ngoài", bà Lê Thị Thu Hằng nhấn mạnh thông tin.

Ngày 9/6/1981, Việt Nam chính thức gia nhập Công ước quốc tế về xoá bỏ mọi hình thức phân biệt chủng tộc (CERD), với bốn lần đệ trình Báo cáo quốc gia về thực hiện Công ước CERD vào các năm 1983, 1993, 2000 và 2012. Đặc biệt, Ủy ban Dân tộc đảm nhận là cơ quan đầu mối phụ trách Công ước quốc tế về xoá bỏ mọi hình thức phân biệt chủng tộc và chuẩn bị Báo cáo quốc gia về thực hiện Công ước CERD. 

Những năm qua, Việt Nam đã có nhiều nỗ lực trong thực hiện Công ước CERD, đặc biệt là việc đảm bảo quyền của các dân tộc thiểu số như: Xóa đói giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội… Trong đó, nhấn mạnh đến những thành tựu trong việc đảm bảo quyền cho người dân tộc thiểu số như: hệ thống pháp luật, các quy định đảm bảo quyền con người, các chính sách cụ thể về phát triển kinh tế - xã hội... 

Có thể nói trong suốt hàng nghìn năm lịch sử, Việt Nam đã luôn chứng tỏ với cộng đồng quốc tế, là một dân tộc có truyền thống lịch sử lâu đời về tinh thần đoàn kết, bình đẳng và tương trợ lẫn nhau. 

Ngày nay, các nguyên tắc và quy định về bình đẳng và không phân biệt chủng tộc liên quan đến thành phần dân tộc không những được ghi trong Hiến pháp,  mà còn được cụ thể hóa trong các luật và văn bản dưới luật khác có liên quan và được triển khai thực hiện trong thực tiễn, thông qua nhiều chính sách, chương trình Quốc gia, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các nhóm DTTS, có điều kiện phát triển bình đẳng trong đại gia đình các dân tộc Việt Nam.