Đào tạo nghề gắn với hỗ trợ việc làm
Vĩnh Châu là thị xã vùng biển tỉnh Sóc Trăng, có đông đồng bào dân tộc Khmer sinh sống (chiếm trên 53%). Các ngành, các cấp trên địa bàn thị xã Vĩnh Châu đã chủ động phối hợp, triển khai thực hiện có hiệu quả các các chương trình, dự án về đào tạo nghề và giải quyết việc làm, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo vùng DTTS, đặc biệt, trong đó là Tiểu dự án 3 - Dự án 5 thuộc Chương trình MTQG 1719.
Ông Hồ Văn Khánh, Phó Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – giáo dục thường xuyên thị xã Vĩnh Châu, thực hiện Nghị quyết của HĐND thị xã, đồng thời triển khai Tiểu dự án 3 trên địa bàn, trong năm 2024, Trung tâm đã tổ chức 85 lớp dạy nghề cho 1.377 học viên; số lao động được đào tạo và cấp chứng chỉ là 1.377/1.000, đạt 137,7% chỉ tiêu; đồng thời, tư vấn, giới thiệu việc làm và tự tìm việc làm cho 3.680/2.400 lao động, đạt 153,33%.
Chị Nguyễn Thị Nụ (39 tuổi, trú tại khóm Kinh Ven, phường Khánh Hòa, thị xã Vĩnh Châu) chia sẻ, gia đình chị không có đất sản xuất nên thuộc diện hộ cận nghèo. Từ khi được tham gia lớp đào tạo nghề theo mô hình đan đát, gia đình đã có thêm thu nhập, giúp cuộc sống đỡ vất vả hơn.
Hiện, tổ đan đát của phụ nữ ở khóm Kinh Ven có 18 người, với thu nhập trung bình một người từ 80.000-100.000 đồng/ngày. Nghề đan đã gắn bó với người dân nơi đây mấy năm qua. Những phụ nữ xưa kia quanh quẩn việc nhà hay đi bán vé số dạo, nay đã có nghề nghiệp với thu nhập ổn định để chăm lo gia đình.
Cũng được hỗ trợ nhờ nguồn lực từ Tiểu dự án 3, tháng 8 vừa qua, anh Lâm Văn Mận (50 tuổi, trú tại khóm Kinh Ven) được chính quyền địa phương cho đi học kiến thức về kỹ thuật nuôi dê và được Nhà nước hỗ trợ 6 con dê giống. Đến thời điểm hiện tại, đàn dê của gia đình anh Mận phát triển tốt, đồng thời đã tăng lên thành 9 con. Dự kiến sau Tết Nguyên đán, gia đình anh Mận sẽ thu về khoản thu nhập đầu tiên từ việc chăn nuôi dê sinh sản.
Đẩy mạnh hỗ trợ nghề nghiệp, tạo đà vươn lên cho đồng bào
Ông Trần Trí Vân, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thị xã Vĩnh Châu cho biết, những nỗ lực thực hiện Chương trình MTQG 1719, đặc biệt là các nội dung liên quan đến đào tạo nghề và giải quyết việc làm thời gian qua đã đem lại kết quả tích cực, làm thay đổi diện mạo thị xã Vĩnh Châu. Tốc độ tăng trưởng kinh tế giai đoạn 2019-2024 bình quân đạt 5,15%/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm dần qua các năm. Cụ thể, thị xã hiện chỉ còn 1.418 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 3,35%, trong đó hộ nghèo DTTS là 1.034 hộ; hộ cận nghèo là 5.150 hộ, chiếm tỷ lệ 12,17%, trong đó hộ cận nghèo DTTS là 3.701 hộ.
Theo số liệu thống kê của Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội thị xã Vĩnh Châu, trong năm 2024, số lao động được đào tạo, truyền nghề, kèm cặp nghề là 4.409 người.
“Được đào tạo và hỗ trợ nghề nghiệp, đồng bào đã có thu nhập ổn định. Nhờ vậy, đời sống nhiều hộ đồng bào vùng ven biển ở thị xã Vĩnh Châu ngày càng phát triển, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội chung của địa phương”, ông Trần Trí Vân nói.
Ông Trần Văn Thanh, Phó Trưởng phòng Lao động – Thương binh và Xã hội thị xã Vĩnh Châu, cho hay: Năm 2025, thị xã Vĩnh Châu phấn đấu giảm hộ nghèo trong năm từ 500 hộ, trong đó giảm tỷ lệ hộ nghèo đồng bào dân tộc Khmer 300 hộ.
Đối với lĩnh vực đào tạo nghề, địa phương phấn đấu có lao động qua đào tạo đạt 3.800 người; trong đó, dạy nghề sơ cấp và dạy nghề thường xuyên, dạy nghề kể cả tư nhân đạt 1.000 lao động. Số lao động được tạo việc làm đạt 2.500 người, trong đó, trong đó lao động đi làm việc có thời hạn theo hợp đồng ở nước ngoài 60 người.
Để đạt được mục tiêu này, thị xã Vĩnh Châu sẽ đẩy mạnh tuyên truyền và tư vấn, giới thiệu việc làm cho người lao động, thông qua các phiên giao dịch việc làm với các công ty, doanh nghiệp có uy tín trong việc đưa người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng.
“Địa phương cũng tiếp tục tranh thủ các nguồn lực đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật phục vụ cho công tác đào tạo nghề cho bà con DTTS; tăng cường việc gắn kết các cơ sở giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp nhằm giải quyết việc làm cho lao động sau khi hoàn thành các lớp đào tạo nghề”, ông Trần Văn Thanh cho hay.