Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Chính sách dân tộc

Vĩnh Phú nỗ lực giảm nghèo

PV - 10:06, 22/05/2018

Vĩnh Phú (huyện Giồng Riềng, Kiên Giang) là xã có đông đồng bào dân tộc Khmer sinh sống (chiếm 62%). Sau hơn 7 năm xây dựng nông thôn mới, lồng ghép với các chương trình chính sách khác, Vĩnh Phú có nhiều thay đổi rõ nét, đời sống của người dân ngày được nâng lên; tỷ lệ hộ nghèo ngày càng giảm mạnh.

Chị Danh Tô La ở ấp Vĩnh Phước (xã Vĩnh Phúm, Giồng Riềng) thành viên Tổ hợp tác sản xuất rau màu theo hướng thâm canh, giúp gia đình chị thoát nghèo. Chị Danh Tô La ở ấp Vĩnh Phước (xã Vĩnh Phúm, Giồng Riềng) thành viên Tổ hợp tác sản xuất rau màu theo hướng thâm canh, giúp gia đình chị thoát nghèo.

 

Ông Danh Nghĩa, Trưởng ấp Hùynh Tố (xã Vĩnh Phú, Giồng Riềng) cho biết: Toàn ấp có 419 hộ, trong đó đồng bào dân tộc Khmer là 317 hộ (chiếm 75,6%). Những năm trước đây, do trình độ dân trí còn thấp, chậm tiếp cận thông tin để phát triển kinh tế-xã hội, nên đời sống người dân còn nhiều khó khăn. Từ khi phát động phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng cuộc sống mới ở khu dân cư” gắn với xây dựng nông thôn mới, người dân bắt đầu có những chuyển biến rõ rệt.

Bằng những việc làm cụ thể như tuyên truyền vận động nhân dân, đặc biệt là trong đồng bào dân tộc tập trung chuyển giao kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, phát triển mô hình đa canh tổng hợp; động viên nhân dân giúp đỡ nhau về giống, vốn, kinh nghiệm làm ăn, mạnh dạn áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nhờ vậy đến nay có 100% diện tích lúa được sản xuất 2 vụ với giống mới có năng suất cao. Nhiều mô hình lồng ghép: lúa cá-hoa màu trên đất vườn chiếm 70%. Đồng thời chăn nuôi heo, bò phát triển rộng trong ấp; hộ khá giúp hộ nghèo, đoàn kết giúp nhau từng bước vươn lên...

Anh Danh Sanh, ở ấp Huỳnh Tố là hộ thuộc diện nghèo, không có đất sản xuất, 2 vợ chồng sống bằng nghề làm thuê mướn. Năm 2014, anh Sanh được hỗ trợ một con bò giống từ Chương trình 135, mới đây được tặng nhà “Đại đoàn kết”. Hai niềm vui lớn đó đã tạo động lực cho vợ chồng anh Sanh chí thú làm ăn, quyết tâm vươn lên thoát nghèo. Từ con bò được hỗ trợ ban đầu, hiện anh Sanh đã có thêm 3 con bê con và vẫn nuôi con bò cái để những con bê sẽ tiếp tục ra đời, giúp gia đình anh thoát nghèo bền vững.

Trao đổi với chúng tôi ông Huỳnh Thanh Tùng, Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Phú cho biết: Nhờ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đến nay trên địa bàn ấp có điện sinh hoạt và phục vụ sản xuất; đường giao thông bê tông nối liền đến tận các xóm làm cho bộ mặt nông thôn ngày thêm khởi sắc. Hiện xã Vĩnh Phú có 11 cánh đồng mẫu lớn, 4 Hợp tác xã nông nghiệp, 31 Tổ hợp tác sản xuất theo hướng thâm canh tăng năng suất. Kinh tế phát triển, người dân tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới. Nếu như năm 2007 hộ nghèo chiếm gần 30% thì nay hộ nghèo đã giảm xuống còn 7%, riêng trong đồng bào dân tộc Khmer còn trên 8%...

PHƯƠNG NGHI