Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Công tác Dân tộc

Vĩnh Phúc: Đào tạo nghề, tạo sinh kế để giảm nghèo bền vững

Trang Diệp - 18:53, 24/10/2023

Đào tạo nghề cho lao động nông thôn, nhất là lao động người DTTS, được xem là giải pháp quan trọng để giảm nghèo bền vững. Những năm qua, hoạt động này luôn được các ngành, địa phương trong tỉnh Vĩnh Phúc chú trọng, từ đó tạo sinh kế bền vững, góp phần từng bước cải thiện và nâng cao đời sống người dân.

Học sinh trường Cao đẳng nghề Vĩnh Phúc được đào tạo bài bản và hướng tới đào tạo nghề cấp độ quốc tế.
Học sinh trường Cao đẳng nghề Vĩnh Phúc được đào tạo bài bản và hướng tới đào tạo nghề cấp độ quốc tế.

Tạo sinh kế bền vững

Theo đại diện Sở Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) tỉnh Vĩnh Phúc, những năm qua, tỉnh xác định đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng tốt là bước đệm quan trong mục tiêu của tỉnh nhằm đưa Vĩnh Phúc thành một tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại. Theo đó, tỉnh đã đẩy mạnh tuyên truyền, triển khai đầy đủ cơ chế, chính sách của Nhà nước về hỗ trợ đào tạo nghề, làm tốt công tác dự báo nhu cầu sử dụng lao động trên địa bàn; giải quyết việc làm cho người lao động; đổi mới chương trình, nội dung đào tạo nghề phù hợp, linh hoạt.

Đặc biệt, tại các địa phương vùng đồng bào DTTS và miền núi của tỉnh, các chương trình hỗ trợ, giải quyết việc làm cho lao động được thực hiện thường xuyên, gắn với nhiều hoạt động như truyền thông về dạy nghề, tư vấn hướng nghiệp… Bên cạnh đó, Sở LĐTB&XH phối hợp với các địa phương tiến hành điều tra khảo sát và dự báo nhu cầu học nghề, tư vấn về học nghề và việc làm; tổ chức các hội nghị tập huấn, xây dựng các mô hình dạy nghề hiệu quả, thích hợp cho lao động vùng đồng bào DTTS; tổ chức các hội nghị sơ kết, giao ban định kỳ; tổ chức các đoàn công tác trực tiếp đến làm việc với các địa phương để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc…

Qua công tác đào tạo nghề, lao động vùng đồng bào DTTS được nâng cao trình độ, hiểu biết, đảm bảo an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững. Các địa phương trong tỉnh đã chủ động xây dựng kế hoạch đào tạo ngành nghề sát thực tế, nhu cầu học nghề của từng bộ phận người dân, địa phương.

Sau khi tham gia lớp tập huấn về trồng rau an toàn do địa phương phối hợp với các sở, ngành tổ chức, bà Phạm Thị Hoa, xã Xuân Lôi (huyện Lập Thạch) đã chủ động trồng, chăm sóc diện tích rau của gia đình theo hướng an toàn, đảm bảo vệ sinh thực phẩm.

Từ khi tham gia lớp tập huấn về trồng rau an toàn, bà Phạm Thị Hoa, xã Xuân Lôi (Lập Thạch) đã chủ động trồng, chăm sóc vườn rau của gia đình theo quy trình, đem lại thu nhập cao gấp 2 lần so với trồng lúa.
Từ khi tham gia lớp tập huấn về trồng rau an toàn, bà Phạm Thị Hoa, xã Xuân Lôi (Lập Thạch) đã chủ động trồng, chăm sóc vườn rau của gia đình theo quy trình, đem lại thu nhập cao gấp 2 lần so với trồng lúa.

“Trước đây, chúng tôi trồng rau chủ yếu theo kinh nghiệm, thói quen và tập quán canh tác nên thu nhập bấp bênh. Từ khi tham gia lớp tập huấn, tôi được trang bị kiến thức cơ bản, thực hành kỹ thuật trồng rau an toàn, tiếp cận các mô hình nông nghiệp mới, từ đó áp dụng thực tế vào ruộng rau của gia đình. Nhờ đó, hiệu quả kinh tế cao gấp 2 lần so với trồng lúa trước đây”, bà Hoa cho biết.

Còn tại xã Ngọc Thanh (TP. Phúc Yên) - địa phương có hơn 46% dân số là đồng bào DTTS. Theo bà Nguyễn Thị Chung, cán bộ LĐTB&XH xã Ngọc Thanh, với đặc điểm là “viên ngọc quý” của vùng đất du lịch, bên cạnh thực hiện chỉ đạo, hướng dẫn của Sở LĐTB&XH, xã đã chủ động phối hợp với các thôn tổ chức thăm nắm trực tiếp về nhu cầu của người dân; tham mưu, kết nối với các đơn vị tổ chức tư vấn hỗ trợ việc làm, xuất khẩu lao động; liên kết với các doanh nghiệp đang hoạt động tại địa phương tạo việc làm, đảm bảo thu nhập cho người dân. Nhờ đó, đời sống nhân dân từng bước phát triển, tỷ lệ hộ nghèo toàn xã giảm còn 1,02%.

Tăng cường hỗ trợ học nghề

Số liệu từ Liên đoàn Lao động tỉnh Vĩnh Phúc cho thấy, với những chính sách hỗ trợ tích cực, nhất là khuyến khích học nghề, trong 5 năm (2016 - 2020), Vĩnh Phúc đã giải quyết việc làm cho 17.828 lao động. Chất lượng đào tạo nghề ngày càng được nâng cao; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt hơn 50%; có 1.650 lao động và 232 người truyền nghề là nghệ nhân, thợ giỏi cấp tỉnh được hưởng chính sách truyền nghề với tổng kinh phí hỗ trợ hơn 7,6 tỉ đồng. Trong đó có 7 ngành, nghề được hỗ trợ gồm: mây tre đan, thêu ren, chế tác đá, rèn, nuôi rắn…

Để thúc đẩy công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm, ngày 8/10/2021, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã có Quyết định số 2830/QĐ-UBND về việc thông qua “Một số chính sách hỗ trợ giải quyết việc làm trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2021-2025”. Thực hiện chính sách này, từ đầu năm đến nay, Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Vĩnh Phúc đã phê duyệt cho 1.486 lao động vay hơn 97 tỷ đồng để tự tạo việc làm tại chỗ và 51 lao động được vay gần 6 tỷ đồng đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài.

Đào tạo nghề cho Phụ nữ tại Vĩnh Phúc đem lại nguồn thu nhập ổn định
Đào tạo nghề cho Phụ nữ tại Vĩnh Phúc đem lại nguồn thu nhập ổn định

Ngoài các hình thức hỗ trợ đào tạo nghề, giải quyết việc làm tại địa phương, hiện tỉnh Vĩnh Phúc đang triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ hoạt động giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2022 - 2025 theo Nghị quyết số 19-NQ/HĐND của HĐND tỉnh. Theo đó, học sinh, sinh viên học 14 nhóm ngành, nghề trong danh mục sau khi tốt nghiệp tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và có hợp đồng lao động làm việc tại tỉnh ít nhất 12 tháng thì sẽ được hưởng hỗ trợ 1 lần. Từ đó, học sinh đồng bào DTTS có cơ hội tiếp cận học nghề và tìm được việc làm ổn định ngay tại tỉnh.

Theo ông Lưu Văn Dũng, Giám đốc Sở LĐTB&XH tỉnh Vĩnh Phúc, thời gian tới, để công tác dạy nghề, giải quyết việc làm tiếp tục phát huy hiệu quả, cùng với tuyên truyền làm thay đổi nhận thức của toàn xã hội về việc học nghề là điều kiện để có việc làm, giảm nghèo bền vững, tỉnh tiếp tục thực hiện đồng bộ giải pháp phát triển nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ và ngành nghề nông thôn, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn. Trong đó, trọng tâm là tăng cường sự gắn kết chặt chẽ giữa chính quyền các cấp, doanh nghiệp, cơ sở dạy nghề và người học nghề từ khâu tổ chức đào tạo nghề đến giải quyết việc làm, tiêu thụ sản phẩm cho người lao động. Đặc biệt, tỉnh sẽ nghiên cứu, tiếp tục có cơ chế, chính sách phù hợp thu hút nghệ nhân, người có kinh nghiệm thực tiễn lâu năm và có tay nghề cao tham gia giảng dạy, truyền nghề tại cơ sở giáo dục nghề nghiệp, từ đó nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp, đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới.