Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Kinh tế

Vĩnh Tường (Vĩnh Phúc): Hỗ trợ Hợp tác xã nông nghiệp phát triển

Như Lan - 11:06, 10/12/2020

Hiện nay, trên địa bàn huyện Vĩnh Tường (Vĩnh Phúc), cùng với các Hợp tác xã (HTX) đang hoạt động hiệu quả, vẫn còn khá nhiều HTX hoạt động cầm chừng, kém hiệu quả. Nhằm hỗ trợ các HTX, huyện đã xây dựng Đề án phát triển HTX nông nghiệp kiểu mới, có liên doanh, liên kết theo chuỗi giá trị sản xuất hàng hóa, nông nghiệp công nghệ cao.

HTX nông nghiệp ở xã Vũ Di, huyện Vĩnh Tường đã chủ động ưa cơ giới hóa vào sản xuất, góp phần mang lại hiệu quả kinh tế cao.
HTX nông nghiệp ở xã Vũ Di, huyện Vĩnh Tường đã chủ động đưa cơ giới hóa vào sản xuất, góp phần mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Theo thống kê của UBND huyện Vĩnh Tường, trên địa bàn hiện có 45 HTX nông nghiệp, với trên 25.437 thành viên, trong đó có 8 HTX hoạt động hiệu quả, 33 HTX chưa hiệu quả và 6 HTX đang ngừng hoạt động.

Nguyên nhân là do nhiều HTX  dù đã chuyển đổi theo Luật HTX 2012, nhưng mới thay đổi về chức danh, còn hoạt động sản xuất, kinh doanh chủ yếu vẫn mang tính thời vụ, ngắn hạn, không có phương án, kế hoạch dài hạn. Đồng thời, phương án sản xuất, kinh doanh hằng năm chưa áp dụng công nghệ kỹ thuật cao vào sản xuất, kinh doanh, thiếu sự liên kết chặt chẽ lâu dài, thiếu các sản phẩm mang tính mũi nhọn có giá trị hàng hóa cao do vậy hiệu quả kinh tế mang lại thấp. Đáng nói, nhiều HTX đã ngừng hoạt động, nhưng không giải thể được vì vướng mắc về công nợ, xử lý tài sản, không có kinh phí để tổ chức đại hội thành viên và làm các thủ tục tuyên bố giải thể.

Trước tình hình đó, năm 2020, UBND huyện Vĩnh Tường đã xây dựng Đề án phát triển HTX nông nghiệp kiểu mới, với mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, toàn huyện có 76 HTX nông nghiệp, trong đó có 12 HTX hoạt động hiệu quả. Đề án xác định đổi mới về tổ chức, quản lý, xây dựng và phát triển HTX kiểu mới góp phần làm tăng chuỗi giá trị sản phẩm, giải quyết việc làm và tăng thu nhập cho người lao động, tạo sự chuyển dịch mạnh mẽ về cơ cấu kinh tế nông thôn. 

HTX nông nghiệp xã Ngũ Kiên hình thành vùng sản xuất lúa chất lượng cao. Ảnh: Tư liệu
HTX nông nghiệp xã Ngũ Kiên hình thành vùng sản xuất lúa chất lượng cao. Ảnh: Tư liệu

Theo đó, huyện Vĩnh Tường đã xây dựng chính sách hỗ trợ giải thể, thành lập mới HTX và đầu tư xây dựng mô hình HTX kiểu mới điển hình tiên tiến. Ngân sách huyện sẽ hỗ trợ kinh phí tối đa 30 triệu đồng/HTX thành lập mới, HTX tự nguyện giải thể nhưng không có kinh phí để chi cho việc giải thể.

Đề án cũng hỗ trợ 3 mô hình HTX sản xuất theo hướng VietGAP gắn với bảo quản và chế biến, liên kết tiêu thụ sản phẩm với mức 300 triệu đồng/HTX; 2 mô hình HTX sản xuất ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, với mức 500 triệu đồng/HTX và hỗ trợ xây dựng nhãn hiệu sản phẩm cho HTX với mức 50 triệu đồng/sản phẩm.

Đồng thời, nhằm tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả khu vực kinh tế hợp tác trên địa bàn, huyện đang tăng cường phối hợp giữa Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Liên minh HTX tỉnh mở các khóa đào tạo ngắn hạn, tập trung vào các nội dung như: công tác quản lý, hoạt động của HTX theo Luật HTX 2012; đào tạo về chuyên môn nghiệp vụ, khơi thông nguồn vốn...

Huyện cũng đang tích cực hỗ trợ các HTX nông nghiệp sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, tham gia hội chợ triển lãm, tìm kiếm, mở rộng thị trường tiêu thụ, góp phần thúc đẩy sản xuất kinh doanh của HTX. Kêu gọi nhiều doanh nghiệp ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm cho các HTX...

Nhờ những nỗ lực đó, hoạt động của HTX tiếp tục được duy trì và đang có chiều hướng phát triển. Ông Đặng Xuân Trường, Chủ tịch HĐQT, Giám đốc HTX Dịch vụ tổng hợp Yên Nhiên, xã Vũ Di cho biết: HTX có hơn 500 thành viên, với hơn 100ha diện tích gieo trồng, trong đó, có trên 50ha trồng cây bí đỏ. Năm 2020, tình hình dịch bệnh đã ảnh hưởng lớn tới sản xuất của HTX. Tuy nhiên, được sự hỗ trợ hiệu quả từ chính quyền địa phương, HTX đã mạnh dạn vay vốn, tổ chức lại sản xuất, liên kết với các doanh nghiệp để đảm bảo tính ổn định từ khâu đầu vào đến khâu đầu ra cho các thành viên tham gia HTX. Đến nay, HTX đã dần vượt qua khó khăn, ổn định sản xuất.

Hiện nay, trên địa bàn huyện Vĩnh Tường đã hình thành nhiều vùng sản xuất chuyên canh nông nghiệp như: vùng trồng bưởi tại xã Vĩnh Ninh, Phú Đa; bí đỏ tại xã Yên Lập, Vũ Di; rau ở Tân Tiến, Đại Đồng, Thổ Tang; lúa chất lượng cao ở Vũ Di, Ngũ Kiên; ngô biến đổi gen ở Vĩnh Thịnh, Vĩnh Ninh, An Tường, Cao Đại… 

Với sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền địa phương trong đổi mới hoạt động của kinh tế tập thể, hy vọng đây sẽ là điều kiện rất thuận lợi để các HTX phát triển, đẩy mạnh sản xuất hiệu quả tạo nguồn thu nhập nâng cao đời sống vật chất cho nông dân.