Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Kinh tế

Vốn tín dụng chính sách giúp phụ nữ vùng cao Bắc Hà thoát nghèo

Khuất Linh - 12:05, 24/06/2021

Nhờ được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi từ Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội (CSXH) huyện ủy thác qua Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN), nhiều chị em phụ nữ DTTS ở huyện vùng cao Bắc Hà, tỉnh Lào Cai đã có điều kiện đầu tư phát triển sản xuất, chăn nuôi hiệu quả. Không ít chị em đã xây dựng được cho mình những mô hình kinh tế phù hợp, tạo nguồn sinh kế lâu dài ổn định, từng bước vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng ngay trên đồng đất quê hương...

Thành quả lao động của chị Bàn Thị Liên thôn Thẩm Phúc, xã Cốc Ly (Bắc Hà)
Niềm vui của chị Bàn Thị Liên thôn Thẩm Phúc, xã Cốc Ly (Bắc Hà) khi vụ dưa cho năng suất cao

“Khởi nghiệp” từ vốn tín dụng chính sách.

Sử dụng hiệu quả đồng vốn chính sách, có thể kể đến gương sản xuất giỏi của chị Bàn Thị Liên (sinh năm 1980), hội viên Chi hội Phụ nữ thôn Thẩm Phúc, xã Cốc Ly với mô hình trồng, chăm sóc vườn dưa hấu rộng gần 1ha. Trong canh tác, chị Liên không sử dụng thuốc diệt cỏ, thuốc kích thích và thuốc bảo vệ thực vật, do đó sản phẩm làm ra bảo đảm an toàn, được thị trường ưa chuộng. Chị Liên chia sẻ: “Mỗi năm, từ vườn dưa này tôi thu 2 lứa, được từ 1-2 tấn quả, giá bán trung bình từ 6 -10.000 đ/kg, cho thu lãi hàng chục triệu đồng, nhờ đó kinh tế gia đình được cải thiện, đã bớt khó khăn,...”.

Nhận thấy hiệu quả kinh tế từ vườn dưa mang lại, năm 2020, chị Liên đã mạnh dạn vay 50 triệu đồng từ Ngân hàng CSXH huyện để đầu tư, mở rộng quy mô vườn trồng và phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm. Chị còn nhiệt tình hướng dẫn, chia sẻ kinh nghiệm canh tác, kỹ thuật trồng dưa hiệu quả cho chị em phụ nữ trong thôn cùng học tập, nhờ đó đã có 4 hộ trong thôn trồng dưa mang lại hiệu quả kinh tế cao. Nỗ lực của chị Liên đã giúp một số chị em trong Chi hội vươn lên thoát nghèo, được Hội LHPN huyện Bắc Hà ghi nhận, đánh giá cao...

Bà Tráng Thị Lan mấy chục năm nay luôn miệt mài gìn giữ nghề may trang phục truyền thống đồn
Bà Tráng Thị Lan mấy chục năm nay luôn miệt mài gìn giữ nghề may trang phục truyền thống của đồng bào DTTS ở vùng cao Bắc Hà

Còn tại thôn Na Hối Tày, xã Na Hối, có mô hình may trang phục truyền thống của bà Tráng Thị Lan, dân tộc Nùng (55 tuổi), cũng là một điển hình. Khi được tạo điều kiện vay 100 triệu đồng từ Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Bắc Hà, với lãi suất ưu đãi, bà Lan đã đầu tư mua máy khâu, nguyên liệu, vải vóc để mở rộng quy mô may trang phục truyền thống. Sản phẩm của bà Lan làm ra đến đâu, tiêu thụ hết đến đó. 

Bà Lan chia sẻ: “Các đội xòe truyền thống của xã thường đến đặt may trang phục biểu diễn, bản thân tôi cảm thấy rất tự hào vì đã tạo nên những bộ trang phục  truyền thống xưa, tôn thêm vẻ đẹp duyên dáng của chị em phụ nữ Tày, Nùng quê tôi…”

Gắn bó với sản xuất nông lâm nghiệp, chị Vàng Thị Hiếu, dân tộc Nùng, dù tuổi đời còn rất trẻ sinh năm 1993, hiện đang đảm trách cương vị Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ thôn Làng Chảng, xã Cốc Lầu lại chọn cho mình mô hình VAC-R để khởi nghiệp.

Năm 2019 được vay 50 triệu đồng, chị Hiếu đầu tư phát triển đàn gà, vịt và nuôi cá thương phẩm. Có thời điểm gia đình nuôi đến 1.000 con gà, hơn 300 con vịt đẻ trứng, việc tiêu thụ sản phẩm cũng rất thuận lợi.

Chị Vàng Thị Hiếu chăm sóc đàn vịt đẻ trứng hơn 300 con của gia đình.
Chị Vàng Thị Hiếu chăm sóc đàn vịt đẻ trứng hơn 300 con của gia đình.

Nhờ biết “lấy ngắn nuôi dài”, chú trọng áp dụng tiến bộ kỹ thuật nên đàn vật nuôi nhanh lớn, ít dịch bệnh. Qua mỗi vụ chăn nuôi thành công, kinh tế của gia đình chị Hiếu cũng khấm khá dần lên, trừ chi phí mỗi năm, chị thu lãi từ 80 - 100 triệu đồng. 

Bên cạnh chăn nuôi, chị còn đầu tư trồng rừng quế trên các nương đồi trồng ngô, lúa kém hiệu quả. Hiện, gia đình chị đã có trên 2 vạn cây quế. Đây sẽ là nguồn thu chính của gia đình trong tương lai sau 7-10 năm nữa.

Nỗ lực tạo sinh kế cho phụ nữ DTTS

Tính đến nay, dư nợ ủy thác của Hội LHPN huyện Bắc Hà tại Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện trên 91 tỷ đồng, với 1.763 hộ vay, chiếm 27% tổng dư nợ ủy thác. Đặc biệt 3 tháng đầu năm 2021, đã có trên 200 hội viên phụ nữ được xét duyệt vay vốn với tổng dư nợ trên 9 tỷ đồng. Vốn vay ủy thác tại 54 tổ vay vốn và tiết kiệm thuộc 19 xã, thị trấn trên địa bàn với trên 1.900 khách hàng là hội viên phụ nữ.

 Việc quản lý, giám sát vốn vay chính sách được thực hiện khoa học, hiệu quả nên nợ quá hạn chỉ chiếm 0,05%. Nguồn vốn vay chính sách được phụ nữ đầu tư phát triển một số mô hình chủ yếu như trồng trọt, chăn nuôi, kinh doanh, dịch vụ…

Đáng mừng hơn, nguồn vốn chính sách giúp phụ nữ DTTS tạo dựng sinh kế, từng bước thoát nghèo bền vững, từ đó nâng cao vị thế của phụ nữ trong gia đình và xã hội. Nhiều chị em không chỉ thoát nghèo, ổn định cuộc sống mà còn tạo hiệu ứng tích cực trong cộng đồng, tạo việc làm cho nhiều phụ nữ khác.

Dẫn chúng tôi tham quan các mô hình kinh tế tiêu biểu, ông Giang Phi Tiến, Giám đốc Ngân hàng CSXH huyện Bắc Hà tự hào chia sẻ: “Phụ nữ người DTTS ở Bắc Hà vốn rất chăm chỉ, đảm đang. Họ vừa là người xây tổ ấm, lại đảm đương trách nhiệm chèo lái kinh tế gia đình, do vậy việc tạo sinh kế cho phụ nữ DTTS qua vốn uỷ thác là một trong những mục tiêu đầy tính nhân văn của Ngân hàng CSXH Việt Nam”. 

(Nội dung thông tin, tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ)

Tin cùng chuyên mục
"Quả ngọt" trên đất núi Quảng Nam

"Quả ngọt" trên đất núi Quảng Nam

Những quả đồi đất đá khô cằn ở xã Tam Thạnh, huyện Núi Thành (Quảng Nam), tưởng chừng như không trồng được loại cây gì. Thế nhưng, thời gian gần đây, nhiều hộ dân địa phương đã đầu tư trồng cây dứa. Thấy dứa phát triển tốt, họ mạnh dạn mở rộng diện tích, mỗi vụ thu về hàng trăm triệu đồng.