Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Kinh tế

Vừa chống dịch, vừa tìm giải pháp bù thu ngân sách

Hoài Dương - 10:51, 22/02/2020

Trước những diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19, cùng với công tác tập trung mọi nguồn lực để phòng chống dịch, nhiều địa phương cũng đồng thời phải lo tính phương án để bù thu ngân sách do tạm dừng hoạt động lưu thông các cửa khẩu trên tuyến biên giới.

Các tuyến cửa khẩu đều tạm dừng lưu thông do dịch Covid-19. (Trong ảnh cửa khẩu Tà Lùng, Cao Bằng vắng vẻ trong mùa dịch)
Các tuyến cửa khẩu đều tạm dừng lưu thông do dịch Covid-19. (Trong ảnh cửa khẩu Tà Lùng, Cao Bằng vắng vẻ trong mùa dịch.)

Lai Châu là tỉnh có 273km đường biên giới với cửa khẩu quốc gia Ma Lù Thàng, cửa khẩu phụ U Ma Tu Khòong và nhiều lối mở trên tuyến biên giới Việt - Trung trực tiếp có các hoạt động giao thương hàng hóa, xuất nhập khẩu (XNK) và du lịch giữa hai nước. 

Thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh, cùng với việc chuẩn bị các tình huống ứng phó, Lai Châu đã tạm dừng hoạt động lưu thông trên các tuyến cửa khẩu, đường mòn, lối mở để bảo đảm việc kiểm soát, phòng chống dịch hiệu quả.

Ông Giàng A Tính, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu cho biết, hằng năm các cửa khẩu đóng góp vào ngân sách của tỉnh gần 70 tỷ đồng từ phí sử dụng kết cấu hạ tầng và thuế XNK. Việc tạm dừng lưu thông trên các cửa khẩu đã ảnh hưởng rất lớn đến việc thu ngân sách của tỉnh.

“Năm nay, chúng tôi tính sẽ tăng cường công tác thu thuế, bảo đảm thu đúng, đủ, kịp thời các khoản thu theo quy định, nhất là các khoản thu còn nhiều dư địa, thu hồi nợ đọng thuế của các doanh nghiệp; tăng cường công tác giải ngân kế hoạch vốn đầu tư xây dựng; đôn đốc thu hồi các khoản tạm ứng; thực hiện tiết kiệm triệt để các khoản chi thường xuyên; cắt giảm tối đa các khoản chi khánh tiết, hội nghị, hội thảo, các khoản chi mua sắm trang thiết bị chưa cần thiết, cấp bách…”, ông Tính thông tin. 

Cũng như Lai Châu, Cao Bằng có hơn 300km đường biên giới với 1 cửa khẩu quốc tế, 3 cửa khẩu chính, nhiều cửa khẩu phụ có cơ hội kết nối hàng hóa nhanh nhất đến các trung tâm kinh tế lớn của Trung Quốc như: Trùng Khánh, Tứ Xuyên, Quý Châu, Quảng Tây. Với Cao Bằng, kinh tế cửa khẩu là một trong những động lực chính đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Tính trung bình, hằng năm các cửa khẩu đóng góp vào ngân sách của tỉnh khoảng 500 tỷ đồng từ phí sử dụng kết cấu hạ tầng và thuế XNK. 

Theo ông Hoàng Xuân Ánh, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng, việc tạm dừng các hoạt động lưu thông trên toàn tuyến biên giới đã ảnh hưởng rất lớn đến việc thu ngân sách của tỉnh Cao Bằng. Để tính bù thu ngân sách, Cao Bằng sẽ duy trì lại hoạt động các cơ sở công nghiệp, tận thu các khoản thu mà trước đây chưa tận thu hết, thu từ nợ đọng thuế…

“Cùng với các chi phí cho hoạt động phòng, chống dịch Covid-19, ngay từ đầu năm, tỉnh Cao Bằng đã chịu thiệt hại khoảng 70 tỷ đồng do trận mưa đá đêm giao thừa. Do vậy, Cao Bằng đang vừa căng mình phòng, chống dịch bệnh, vừa phải lo tính chuyện bù thu ngân sách. Bài toán này không hề dễ với một tỉnh miền núi còn nhiều khó khăn như Cao Bằng”, ông Hoàng Xuân Ánh nói. 

Không chỉ Lai Châu, Cao Bằng mà với tất cả các địa phương có đường biên giới trên bộ và tiểu ngạch sang Trung Quốc như Lạng Sơn, Lao Cai, Quảng Ninh, Hà Giang, Điện Biên… cũng đều đang chịu những tác động đáng kể. Thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy, số thuế thu từ hàng hóa có xuất xứ Trung Quốc trong năm 2019 đạt khoảng 85.500 tỷ đồng, chiếm khoảng 24,2% số thu của ngành Hải quan. 

Theo ông Mai Xuân Thành, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ và Bộ Tài chính, để hạn chế ảnh hưởng do dịch Covid-19, Tổng cục đã chỉ đạo Cục Hải quan các tỉnh biên giới phía Bắc (Lạng Sơn, Quảng Ninh, Cao Bằng, Hà Giang, Lào Cai, Điện Biên, Lai Châu) thành lập các tổ công tác hỗ trợ cho các hoạt động XNK hàng hóa, phòng ngừa dịch bệnh và làm đầu mối cung cấp, trao đổi thông tin với Tổng cục. “Giải pháp này nhằm thúc đẩy hoạt động XNK bình ổn trở lại, hạn chế hụt thu ngân sách do ảnh hưởng của dịch Covid-19”, ông Thành nhấn mạnh.

Tin cùng chuyên mục
Áp thuế GTGT 5% đối với phân bón là phù hợp

Áp thuế GTGT 5% đối với phân bón là phù hợp

Tại tọa đàm tham vấn “Ảnh hưởng của việc áp dụng thuế suất thuế GTGT 5% đến ngành phân bón” mới đây, các chuyên gia kinh tế, tài chính đã khẳng định, cần chuyển đổi áp thuế GTGT 5% với phân bón để có dư địa giảm giá bán. Điều này phù hợp về góc độ khoa học, lợi ích kinh tế và hài hòa lợi ích các bên.