Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Pháp luật

Vùng biên hòa bình, hữu nghị và phát triển: Sắc mới vùng biên (Bài 1)

Khánh Thư - 06:14, 11/11/2022

Cả nước có 435 xã, phường, thị trấn thuộc 103 huyện, thị xã của 25 tỉnh có đường biên giới trên đất liền với Trung Quốc – Lào – Campuchia. Thực hiện chủ trương của Đảng, nhà nước xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, những năm qua, bên cạnh triển khai các chính sách đầu tư, hỗ trợ phát triển địa bàn biên giới thì các cấp ngành, địa phương đã quan tâm vun đắp tình hữu nghị giữa chính quyền và Nhân dân hai bên biên giới.

Vũ Quang (Hà Tĩnh) là huyện miền núi biên giới đầu tiên của cả nước đạt chuẩn NTM. (Trong ảnh: Vùng sản xuất cam tập trung ở xã Đức Lĩnh, huyện Vũ Quang).
Vũ Quang (Hà Tĩnh) là huyện miền núi biên giới đầu tiên của cả nước đạt chuẩn NTM. (Trong ảnh: Vùng sản xuất cam tập trung ở xã Đức Lĩnh, huyện Vũ Quang).

Từ nguồn lực đầu tư của Nhà nước, khu vực biên giới hiện đã khoác lên mình diện mạo mới; nhiều xã vùng biên đã đạt chuẩn nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao. Hiệu quả của các chương trình, dự án đang hiện diện rõ trong sự phát triển ở địa bàn này, để vùng phên giậu của Tổ quốc thêm phần vững chãi.

Kinh tế khởi sắc

Ia Grai là huyện biên giới của tỉnh Gia Lai, với dân số khoảng 95.195 người, trong đó đồng bào DTTS chiếm gần 47%. Những năm qua, với việc triển khai hiệu quả các chương trình, dự án đầu tư, hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội (KT – XH) vùng đồng bào DTTS và miền núi từ ngân sách Nhà nước đã góp phần quan trọng hoàn thiện cơ sở hạ tầng, thúc đẩy phát triển sản xuất ở các buôn làng trên địa bàn huyện biên giới này.

Chỉ tính riêng trong 4 năm thực hiện Chương trình 135 giai đoạn III (2016 – 2018), huyện Ia Grai đã đầu tư xây dựng hơn 50 công trình hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế và sinh hoạt cho Nhân dân; đồng thời hỗ trợ sản xuất cho hàng nghìn hộ đồng bào DTTS. Cùng với các chương trình, dự án khác được đầu tư từ ngân sách đã từng bước làm thay đổi bộ mặt nông thôn vùng đồng bào DTTS của huyện.

Sắc mới của làng Bi, xã Ia O là một ví dụ cho bước chuyển mình ở vùng đồng bào DTTS ở huyện biên giới Ia Grai. Làng có 200 hộ với trên 1.178 nhân khẩu, hầu hết là đồng bào dân tộc Gia rai. Từ những chương trình đầu tư hạ tầng, phát triển KT – XH, làng Bi đã có bước chuyển mình với nhiều gam màu tươi sáng. Điện lưới quốc gia được kéo về tận các hộ gia đình, trục đường chính từ trung tâm xã về làng được nhựa hóa; công trình phục vụ dân sinh cũng đã được đầu tư bài bản, kiên cố, đảm bảo phục vụ sản xuất, sinh hoạt của người dân.

Nét mới đáng chú ý ở làng Bi là bước chuyển quan trọng trong phương thức sản xuất của bà con. Trước đây, làng chỉ trồng lúa rẫy. Thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân khai hoang, đầu tư công trình thủy lợi, chính quyền xã Ia O đã tuyên truyền, vận động dân làng Bi chuyển sang trồng lúa nước. Từ một vài thửa ruộng ban đầu, hiện làng đã có trên 26ha trồng lúa nước. Bên cạnh đó, với chính sách hỗ trợ cây giống, phân bón và hướng dẫn kỹ thuật, dân làng Bi đã mạnh dạn trồng cây công nghiệp, đưa diện tích trồng cao su của làng lên 48 ha cao su, cà phê 36 ha, điều 30 ha.

Sinh kế của người dân chuyển biến tích cực đã kéo giảm số hộ nghèo của làng Bi. Nếu như năm 2018, làng còn 18 hộ nghèo thì hết năm 2020, hộ nghèo trong làng giảm xuống còn 11 hộ.

Làng Bi, xã Ia O (Ia Grai, Gia Lai) hiện đã có 26ha trồng lúa nước (Trong ảnh: Chiến sĩ Đồn Biên phòng Ia O giúp đồng bào làng Bi thu hoạch lúa - Ảnh: N.A.S)
Làng Bi, xã Ia O (Ia Grai, Gia Lai) hiện đã có 26ha trồng lúa nước (Trong ảnh: Chiến sĩ Đồn Biên phòng Ia O giúp đồng bào làng Bi thu hoạch lúa - Ảnh: N.A.S)

Theo ông Siu Nghiệp, Chủ tịch UBND xã Ia O, sự phát triển của làng Bi cũng là bức tranh sáng ở 8 làng còn lại trên địa bàn xã. Với nguồn lực đầu tư của Nhà nước, đến cuối năm 2021, 9/9 làng của xã đã đạt các tiêu chí, đưa xã Ia O “về đích” nông thôn mới (NTM). Ngày 5/10/2022, xã đã tổ chức lễ đón nhận bằng công nhận đạt chuẩn NTM của tỉnh trong niềm vui của cấp ủy, chính quyền xã và của 2.677 hộ với trên 11.132 nhân khẩu cư trú trên địa bàn.

“Phấn khởi nhất là từ các nguồn vốn hỗ trợ của Trung ương, tỉnh và huyện, xã đã hỗ trợ người dân chuyển đổi cây trồng, vật nuôi để phát triển kinh tế, giảm nghèo nhanh và bền vững. Năm 2011, xã có 995 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 43,62% thì đến năm 2021 chỉ còn 75 hộ, chiếm 2,8%. Thu nhập bình quân đầu người tăng từ 9,5 triệu đồng năm 2011 lên 42,1 triệu đồng vào năm 2021”, ông Siu Nghiệp cho biết.

Vùng biên vững chãi

Bức tranh KT – XH với những gam màu tươi sáng ở xã Ia O của huyện Ia Grai cũng đang hiện diện ở tất cả các xã biên giới trên đất liền của cả nước. Theo số liệu trong dự án Luật Biên phòng Việt Nam, cả nước có 435 xã, phường, thị trấn thuộc 103 huyện, thị xã của 25 tỉnh có đường biên giới trên đất liền với Trung Quốc – Lào – Campuchia.

Với nguồn lực đầu tư của Nhà nước, địa bàn biên giới trên đất liền của nước ta đã có bước phát triển KT – XH mạnh mẽ, đời sống của đồng bào các dân tộc ở vùng biên ngày càng được nâng lên. Nhiều địa bàn biên giới đã “về đích” xây dựng NTM, đang tiến tới xây dựng NTM nâng cao. Trong đó, Vũ Quang (Hà Tĩnh) là huyện miền núi, biên giới đầu tiên của cả nước được Thủ tướng công nhận đạt chuẩn NTM vào tháng 3/2021. Tại thời điểm được công nhận đạt chuẩn, thu nhập bình quân toàn huyện Vũ Quang đạt 39,7 triệu đồng/người/năm.

Cùng với bước chuyển mình mạnh mẽ về KT – XH, lĩnh vực quốc phòng – an ninh ở địa bàn biên giới nước ta tiếp tục được giữ vững, khối đại đoàn kết toàn dân tộc được củng cố, tăng cường. Người dân ở địa bàn biên giới luôn chấp hành các quy định của pháp luật, cùng nhau bảo vệ đường biên giới hòa bình, ổn định. Đóng góp vào nền quốc phòng toàn dân có vai trò của những già làng, Người có uy tín trong đồng bào DTTS ở các thôn bản vùng biên.

Đời sống vật chất và tinh thần của người dân khu vực biên giới ngày càng được nâng lên. (Trong ảnh: Nhà rông làng Mít Kom 1, xã Ia O, huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai - Ảnh: TL)
Đời sống vật chất và tinh thần của người dân khu vực biên giới ngày càng được nâng lên. (Trong ảnh: Nhà rông làng Mít Kom 1, xã Ia O, huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai - Ảnh: TL)

Theo Báo cáo số 855/BC-UBDT, ngày 3/6/2022 của Ủy ban Dân tộc tổng kết 10 năm thực hiện Nghị định số 05/2011/NĐ-CP về công tác dân tộc, trong vùng đồng bào DTTS hiện có 29.567 Người có uy tín. Người có uy tín là lực lượng nòng cốt, là cầu nối quan trọng giữa cấp ủy, chính quyền các cấp với đồng bào các DTTS trong việc tuyên truyền, vận động đồng bào các DTTS chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tham gia phát triển kinh tế - xã hội, giữ gìn an ninh, trật tự và đoàn kết các dân tộc.

Trở lại làng Bi, xã Ia O (huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai), ngôi làng cùng uống chung nước của dòng sông Sê San với làng Tăng Lôm, xã Nhang (huyện Đun Mia, tỉnh Ratanakiri, Vương quốc Campuchia). Bao năm nay, già làng Ksor Bơng, sinh năm 1939, dân tộc Gia Rai là “cột mốc sống” ở miền biên viễn này.

Mỗi tối, ông vẫn thường đi quanh làng để nhắc nhở thanh niên dừng uống rượu, ngủ sớm để mai còn lên rẫy hoặc ghé vào nhà nào đó nhắc họ đóng cửa kẻo kẻ xấu lợi dụng để trộm cắp… Ông còn tuyên truyền để người dân trong làng nêu cao cảnh giác, kịp thời phát hiện những đối tượng có ý định xấu vào làng để truyền đạo trái phép hay tìm cách vượt biên.

Nhờ sự vận động của ông, làng Bi cũng đã thành lập được 2 tổ tự quản với 16 thành viên, gồm 1 tổ tự quản cột mốc và 1 tổ tự quản đường biên. Hàng tuần, 2 tổ này đi tuần tra dọc tuyến biên giới, kịp thời phát hiện những dấu hiệu bất thường để báo lực lượng chức năng kịp thời xử lý. Chính nhờ tinh thần cảnh giác và chung tay bảo vệ biên giới quốc gia mà người dân làng Bi an tâm sản xuất, ổn định phát triển kinh tế, góp phần cùng xã Ia O “về đích” NTM.

Già làng Ksor Bơng của làng Bi là một trong hàng chục nghìn già làng, Người có uy tín trong đồng bào DTTS đang ngày đêm phát huy uy tín của mình để xây dựng thế trận lòng dân, củng cố vững chắc nền quốc phòng toàn dân ở vùng phên dậu. Ghi nhận công lao của họ, Đảng, Nhà nước đã ban hành chủ trương, chính sách hỗ trợ kịp thời để khích lệ, động viên. Đội ngũ già làng, Người có uy tín trong đồng bào DTTS là những “hạt nhân” xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, góp phần bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa.

Người dân sinh sống tại khu vực biên giới chính là “tai mắt”, là những “cột mốc sống” đầu tiên trong công cuộc gìn giữ và bảo vệ biên giới. (Trong ảnh: Người dân xã Ia O, huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai tham gia tuần tra cùng Bộ đội Biên phòng - Ảnh: P.D)
Người dân sinh sống tại khu vực biên giới chính là “tai mắt”, là những “cột mốc sống” trong công cuộc gìn giữ và bảo vệ biên giới. (Trong ảnh: Người dân xã Ia O, huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai tham gia tuần tra cùng Bộ đội Biên phòng - Ảnh: P.D)

Trả lời phỏng vấn trên Báo điện tử Đảng Cộng sản hồi tháng 2/2022, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ đã khẳng định, người dân sinh sống tại khu vực biên giới chính là “tai mắt”, là những “cột mốc sống” đầu tiên trong công cuộc gìn giữ và bảo vệ biên giới bằng tình yêu quê hương, đất nước. Hơn ai hết, họ am hiểu về từng tấc đất, ngọn cây và luôn là những người đầu tiên nắm bắt các diễn biến xảy ra trên đường biên giới. Chính họ đang từng ngày, từng giờ góp phần củng cố, bảo vệ vững chắc đường biên, mốc giới, xây dựng đường biên hòa bình, hữu nghị.


Tin cùng chuyên mục
Đăk Hà (Kon Tum): Đất ở khu vực Cây đa cười mới “cơ bản” trả lại hiện trạng ban đầu

Đăk Hà (Kon Tum): Đất ở khu vực Cây đa cười mới “cơ bản” trả lại hiện trạng ban đầu

Từ tháng 5/2024 đến nay, Báo Dân tộc và Phát triển đã bám sát cơ sở, nắm bắt thông tin và có đến 11 tin, bài phản ánh về những vi phạm trong lĩnh vực đất đai tại khu vực giáp ranh giữa địa giới hành chính xã Đăk Pxi và xã Đăk Long, huyện Đăk Hà, tỉnh Kon Tum (thường gọi khu vực Cây đa cười), đến nay, đất ở khu vực Cây đa cười mới “cơ bản” được trả lại hiện trạng ban đầu. Điều đáng nói là khi phóng viên làm việc với lãnh đạo UBND xã Đăk Pxi thì bị từ chối cung cấp thông tin vì cho rằng UBND huyện Đăk Hà đã có văn bản chỉ đạo “Mật”, mọi thông tin giờ đều qua Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện cung cấp.