Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Người có uy tín

Bức “lũy thép” trên vùng biên viễn: Những “hạt nhân” xây thế trận lòng dân (Bài 2)

Quỳnh Trâm - 21:51, 04/10/2022

Trong vùng DTTS và miền núi, Người có uy tín luôn đóng vai trò quan trọng, góp phần vào quá trình phát triển kinh tế-xã hội, giảm nghèo, xóa bỏ hủ tục, xây dựng nếp sống văn hóa mới . Bằng những hành động thiết thực, hiệu quả, họ chính là những hạt nhân xây dựng thế trận lòng dân, khối đại đoàn kết, củng cố lòng tin của người dân vào Đảng và chính quyền.

Người có uy tín ở Thanh Hóa luôn nỗ lực trở thành cánh tay nối dài của Đảng
Người có uy tín ở Thanh Hóa luôn nỗ lực trở thành cánh tay nối dài của Đảng

Tất cả đều vì dân

Anh Hà Công Chức (42 tuổi), được bà con tín nhiệm bầu làm Trưởng bản Bút, xã Nam Xuân, huyện Quan Hóa (Thanh Hóa) đến nay được 10 năm. Nhiệt tình, năng nổ trong công việc, gương mẫu và chuẩn mực trong lối sống, tiên phong trong hành động, đó là những gì mà người dân bản đánh giá về anh. Với uy tín của mình, từ năm 2017, anh Chức được tín nhiệm bầu làm Bí thư kiêm Trưởng bản Bút.

Trước đây, dân bản Bút hầu hết đều bị cái nghèo, lạc hậu đeo bám. Là người đứng đầu bản, anh Chức luôn trăn trở, làm sao để bản mình sớm thoát nghèo. Trong những cuộc họp, anh luôn cố gắng truyền tải, vận động thật tốt để bà con hiểu và thực hiện các phong trào phát triển kinh tế.

Anh Hà Công Chức Bí thư Chi bộ, Trưởng bản Bút, xã Nam Xuân, huyện Quan Hóa (Thanh Hóa) luôn được bà con yêu quý và tin tưởng
Anh Hà Công Chức Bí thư Chi bộ, Trưởng bản Bút, xã Nam Xuân, huyện Quan Hóa (Thanh Hóa) luôn được bà con yêu quý và tin tưởng

Để thực hiện có hiệu quả công việc, anh thường xuyên phối hợp chặt chẽ với các đoàn thể, cùng già làng, trưởng họ, những Người có uy tín, đến từng nhà để tuyên truyền vận động bà con đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp. 

Trong đó, nhiều mô hình được áp dụng như nuôi lợn đen địa phương, nuôi bò, gà, cá; xây dựng chuồng trại để nuôi nhốt gia súc, gia cầm hợp vệ sinh; trồng luồng, lúa ... đang phát huy hiệu quả

“Quan trọng nhất là phải thay đổi được nhận thức, tư tưởng của bà con, để không còn ai trông chờ vào trợ cấp của Nhà nước, mỗi người phải làm việc chăm chỉ, phấn đấu để thoát nghèo”, anh Chức nói. Như được thức tỉnh, bà con đua nhau làm kinh tế, tích cực trồng rừng luồng, chăn nuôi gia súc. Những năm gần đây, được sự định hướng, hỗ trợ của chính quyền, bản Bút đang chuyển mình làm du lịch nhờ có cảnh quan hữu tình, sông núi hùng vĩ.

Khi nào người dân còn tín nhiệm, còn tin tưởng, tôi sẽ vẫn tiếp tục cố gắng công việc, dù không có công cán gì lớn lao nhưng người dân cần, thì mình không từ chối, tất cả đều phải vì dân”.

Anh Hà Văn ChứcBí thư Chi bộ, Trưởng bản Bút, xã Nam Xuân, huyện Quan Hóa (Thanh Hóa)

Anh Chức nhận định, đây là cơ hội cho bà con bản Bút. Với cương vị là Trưởng bản phụ trách quản lý các hộ dân đăng ký tham gia làm du lịch homestay, anh luôn làm tốt chức trách nhiệm vụ của mình, tổ chức các cuộc họp dân để vận động bà con chỉnh trang hàng rào, tạo khuôn viên, cảnh quan môi trường tại bản và các điểm du lịch trọng tâm.

 Đến nay, bản có 5 nhà được chọn duy trì đón khách, người dân đã tự mua sắm các trang thiết bị, chỉnh trang, xây dựng công trình phục vụ du khách và phong cách phục vụ du lịch ngày càng chuyên nghiệp hơn...

Sau 15 năm làm Trưởng bản, chứng kiến sự đổi thay của bản từ khi còn nghèo khó, năm 2018, bản được công nhận về đích nông thôn mới, đồng thời giảm hộ nghèo của bản từ gần 50%, đến nay xuống còn 0,6%, nâng thu nhập bình quân đầu người lên 30 triệu đồng/người/năm.

Anh Chức nói rằng, bản Bút phát triển là nhờ chính sách đúng đắn của Đảng và Nhà nước, nhờ sự đoàn kết và nỗ lực của người dân bản Bút, còn bản thân mình, anh ví mình như “người vác tù và hàng tổng”.

“Cánh tay nối dài của Đảng”

Bà Cầm Thị Sâm, Ủy viên Ủy ban MTTQ huyện Triệu Sơn, người đã có nhiều đóng góp cho cộng đồng, bà được người dân, đồng bào DTTS tin tưởng, kính trọng.

Lãnh đạo Ủy ban MTTQ Thanh Hóa thăm mô hình sản xuất giỏi của hộ gia đình bà Cầm Thị Sâm, thôn Bình Phương, xã Triệu Thành (Triệu Sơn – Thanh Hóa)
Lãnh đạo Ủy ban MTTQ Thanh Hóa thăm mô hình sản xuất giỏi của hộ gia đình bà Cầm Thị Sâm, thôn Bình Phương, xã Triệu Thành (Triệu Sơn – Thanh Hóa)

Trên cương vị của mình, bà Sâm luôn gương mẫu đi đầu trong thực hiện nhiệm vụ được giao; đồng thời tích cực tham gia các hoạt động xã hội. Năm 2008, bà Sâm đã chủ động đứng ra tổ chức vận động, xây dựng hội người DTTS tự nguyện, với 38 thành viên nhằm tương trợ nhau những lúc khó khăn, giúp đỡ các hộ nghèo.

Sau 14 năm đi vào hoạt động, trên cương vị hội trưởng, bà cùng chị em trong hội đã giúp nhau phát triển kinh tế, xây dựng gia đình văn hóa. Từ 18 hộ hội viên nghèo và 11 hộ cận nghèo (năm 2015), đến nay, nhờ nhận được sự giúp đỡ, tương trợ của các hội viên trong phát triển kinh tế, đã giảm chỉ còn 4 hộ nghèo và 7 hộ cận nghèo.

Bà Sâm còn mạnh dạn trong phát triển kinh tế gia đình, mô hình gia trại của gia đình bà, mang lại thu nhập gần 200 triệu đồng/năm, tạo việc làm, thu nhập ổn định cho 3 lao động địa phương.

Bà Cầm Thị Sâm đã có nhiều đóng góp cho cộng đồng, đồng bào DTTS tin tưởng, yêu mến
Bà Cầm Thị Sâm đã có nhiều đóng góp cho cộng đồng, bà luôn được đồng bào DTTS tin tưởng, yêu mến

Với những đóng góp của mình, bà Sâm được Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh và xây dựng khối đại đoàn kết các dân tộc tại vùng DTTS.

Nhờ có những người như anh Chức, bà Sâm và nhiều Người có uy tín khác, những năm qua, kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS Thanh Hóa đang ngày càng phát triển.

Bà Lê Thị Huyền, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Thanh Hóa, nhận định: Người có uy tín là “cánh tay nối dài” giúp mặt trận trong công tác tuyên truyền, vận động đồng bào các DTTS chấp hành tốt các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; củng cố và tăng cường khối đại đoàn kết các dân tộc; phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới…

"Thời gian qua, các cấp ủy đảng, chính quyền trong tỉnh luôn quan tâm, tạo mọi điều kiện để Người có uy tín phát huy tốt vai trò của mình, đóng góp công sức trong công cuộc xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS", bà Huyền cho biết.

Tin cùng chuyên mục
Tương Dương (Nghệ An): Người có uy tín chung sức thực hiện hiệu quả Chương trình MTQG 1719

Tương Dương (Nghệ An): Người có uy tín chung sức thực hiện hiệu quả Chương trình MTQG 1719

Cùng với nguồn lực đầu tư từ Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi (Chương trình MTQG 1719) và sự chung tay góp sức của đội ngũ Người có uy tín trong tuyên truyền, vận động người dân thực hiện hiệu quả các dự án của Chương trình; huyện vùng cao Tương Dương (Nghệ An) đã đạt được nhiều kết quả tích cực, đời sống đồng bào từng bước được nâng lên, cơ sở hạ tầng thiết yếu đã có nhiều khởi sắc.