Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

WHO cảnh báo làn sóng lây nhiễm Covid-19 mới đã bắt đầu

PV - 11:40, 23/07/2021

Theo thống kê, tính đến 6h ngày 23-7, toàn thế giới đã ghi nhận tổng cộng 193.325.189 trường hợp nhiễm vi rút SARS-CoV-2, trong đó có 4.150.233 ca tử vong. Trong bối cảnh số ca mắc mới Covid-19 đang tiếp tục tăng lên trên toàn cầu, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) thừa nhận một làn sóng lây nhiễm và tử vong mới đã bắt đầu.

Số ca mắc mới Covid-19 tại Nhật Bản đang gia tăng trong bối cảnh Olympic Tokyo 2020 đã cận kề
Số ca mắc mới Covid-19 tại Nhật Bản đang gia tăng trong bối cảnh Olympic Tokyo 2020 đã cận kề

Châu Á

Ngày 22-7, Lào đã ghi nhận ngày có số ca nhiễm mới cao nhất từ trước tới nay, với 256 trường hợp. Trước tình hình số ca bệnh là người nhập cảnh tiếp tục tăng cao, tỉnh Savannakhet đã đặt giờ giới nghiêm, phạt nặng trường hợp vi phạm quy định phòng dịch. Trong khi đó, nước láng giềng Campuchia vẫn đang nỗ lực ứng phó với tác động của đại dịch Covid-19 khi số ca mắc mới không ngừng tăng, nâng tổng số ca mắc Covid-19 tại nước này vượt con số 70.000 trong ngày 22-7.

Tại Malaysia, tỷ lệ lây nhiễm trên tổng số xét nghiệm đạt mức cao kỷ lục, lần đầu vượt mốc 12%. Mốc cao nhất trước đó được ghi nhận vào ngày 19-7 với 10,74%, tiếp sau là 9,93% trong ngày 20-7 và 9,57% của ngày 11-7. Malaysia ghi nhận 199 ca tử vong vì Covid-19, cũng là mức cao nhất kể từ khi dịch bệnh bùng phát tại nước này. Tới nay, Malaysia đã có tổng cộng 7.440 ca tử vong, chiếm 0,78% trong tổng số 951.884 ca bệnh.

Ngày 22-7, WHO hối thúc Indonesia mở rộng phạm vi áp dụng lệnh phong tỏa nghiêm ngặt, vài ngày sau khi tổng thống nước này thông báo ý định nới lỏng các biện pháp phòng dịch. WHO đưa ra khuyến cáo trên căn cứ đánh giá tình hình dịch bệnh thực tế tại Indonesia, nơi đã trở thành một trong những điểm nóng trên thế giới trong vài tuần qua, với số ca nhiễm mới tăng gấp 5 lần trong 5 tuần. Trong tuần này, số ca tử vong ghi nhận hằng ngày đã vượt 1.300 ca, đưa nước này vào danh sách những nước có số ca tử vong hằng ngày cao nhất thế giới.

Trong diễn biến mới nhất, chính quyền thủ đô Jakarta đang tiến hành sửa đổi Quy định khu vực (Perda) số 2/2020 về ứng phó với đại dịch theo hướng truy tố hình sự đối với những người vi phạm các quy định y tế phòng, chống dịch. Các mức hình phạt đối với những người vi phạm sẽ được thực hiện theo Bộ luật Hình sự.

Tại Thái Lan, Thủ tướng Prayut Chan-o-cha đã chỉ đạo các cơ quan chức năng thành lập một ủy ban nghiên cứu về việc sử dụng chiết xuất từ cây xuyên tâm liên (Andrographis paniculata) để điều trị cho các bệnh nhân Covid-19 có các triệu chứng nhẹ. Ủy ban này, do Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Y tế Anutin Charnvirakul đứng đầu, sẽ điều phối các nghiên cứu về tính an toàn và hiệu quả của việc chiết xuất từ cây xuyên tâm liên trên bệnh nhân Covid-19, cũng như soạn thảo một kế hoạch chiến lược để quảng bá y học cổ truyền Thái Lan nói chung.

Tại Nhật Bản, lễ khai mạc Olympic Tokyo 2020 đang đến gần nhưng tâm lý lo ngại về sự lây lan dịch Covid-19 đang bao trùm khi thủ đô Tokyo ghi nhận tới 1.832 ca mắc mới, lần đầu tiên số ca mắc mới trong ngày vượt quá con số 1.800 kể từ ngày 16-1. Đáng chú ý là sự lây lan nhanh của biến chủng Delta với 681 ca, gấp đôi so với mức 317 ca được ghi nhận từ ngày 1-7 đến 20-7. Giới chuyên gia y tế Nhật Bản cảnh báo con số mắc mới còn tăng hơn nữa vào tuần tới khi Nhật Bản bước vào kỳ nghỉ dài 4 ngày và mật độ người dân tại Tokyo gia tăng cùng với các hoạt động liên quan đến Olympic.

Châu Âu

Nga hiện là nước bị ảnh hưởng nhiều nhất châu lục khi số ca nhiễm đã vượt quá 6 triệu ca, trong đó có 151.501 người tử vong. Pháp đứng thứ hai cũng đã ghi nhận hơn 5,9 triệu ca nhiễm và tiếp đó là Anh với hơn 5,5 triệu ca.

Các siêu thị và nhà cung ứng tại Anh ngày 22-7 cảnh báo nguy cơ thiếu hàng hóa do nhân viên các công ty cung ứng và vận tải phải tự cách ly. Báo chí Anh ngày 22-7 đăng tải các hình ảnh siêu thị sạch bóng hàng hóa trên kệ, do nhân viên các kho hàng và tại các chuỗi dây chuyền cung ứng không thể đi làm, ảnh hưởng đến các nhà bán lẻ. Một số cửa hàng thậm chí đã phải đóng cửa.

Cùng ngày, Liên minh châu Âu (EU) cho biết, 200 triệu người dân châu Âu đã được tiêm phòng Covid-19 đầy đủ, chiếm hơn một nửa số người trưởng thành ở khối này. Phát biểu tại cuộc họp báo ở Brussels (Bỉ), người phát ngôn Ủy ban châu Âu (EC) Dana Spinant cho biết, căn cứ vào dữ liệu mới nhất của Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh châu Âu, 54,7% số người trưởng thành đã được tiêm phòng đầy đủ với 2 mũi hoặc 1 mũi vắc xin của hãng Johnson & Johnson. Tuy nhiên, tỷ lệ này vẫn thấp hơn so với mục tiêu đề ra là tiêm đầy đủ cho 70% người trưởng thành vào mùa hè này.

Châu Mỹ

Tại Mỹ, Viện Nhi khoa Mỹ (AAP) và Hiệp hội Bệnh viện Nhi đồng cho biết, hơn 4 triệu trẻ em ở Mỹ đã có kết quả xét nghiệm dương tính với vi rút SARS-CoV-2 kể từ khi đại dịch bùng phát ở nước này. Mỹ lại bắt đầu chứng kiến số ca nhiễm gia tăng trở lại trong tháng 7. Chỉ trong một tuần (tính đến hết ngày 15-7), đã có hơn 23.500 ca nhiễm là trẻ em. Tính tổng thể, trẻ em chiếm 14,2% tổng số ca mắc Covid-19 trong cả nước. Trẻ em cũng chiếm từ 1,3-3,6% tổng số ca nhập viện và 0-0,26% tổng số ca tử vong do Covid-19. Trong khi đó, theo một báo cáo của hãng tin CNN, số ca mắc Covid-19 ở trẻ em tại Mỹ đã tăng gần gấp đôi kể từ cuối tháng 6 vừa qua.

Cùng ngày, Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết đang có kế hoạch mở rộng đối tượng tiêm chủng, theo đó nước này cân nhắc đưa trẻ dưới 12 tuổi vào diện tiêm vắc xin vào trước cuối tháng 8 hoặc đầu tháng 9 tới. Theo quy định mới, những trẻ dưới 12 tuổi chưa tiêm vắc xin sẽ phải đeo khẩu trang khi tới trường. Quy định này sẽ không áp dụng với những trẻ đã tiêm vắc xin.

Tin cùng chuyên mục
Ghi ở Sủa Cán Tỷ

Ghi ở Sủa Cán Tỷ

Theo chân Phó Chủ tịch xã Cán Tỷ - Sùng Mí De (huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang) chúng tôi tới thôn Sủa Cán Tỷ làm công tác chuẩn bị cho Ngày Hội Đại đoàn kết toàn dân. Trong lúc chuyện trò cùng trưởng thôn Vàng Chứ Lềnh về sự đổi thay của thôn bản, ông ngỏ lời mời tôi lên thăm nhà của Lù Mí Thánh – Một trong 3 hộ dân của thôn được Nhà nước hỗ trợ xây dựng nhà ở kiên cố trong năm 2023.