Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Giáo dục

XÃ CƯ PUI (Đăk Lăk): Nỗ lực xóa phòng học tạm

PV - 10:51, 07/08/2018

Cư Pui là xã vùng sâu của huyện Krông Bông (Đăk Lăk). Điều kiện phát triển kinh tế- xã hội còn gặp rất nhiều khó khăn. Trong những năm qua, xã Cư Pui đã được đầu tư hàng chục tỷ đồng từ nguồn vốn của Nhà nước và các nguồn vốn khác, cùng với sự nỗ lực của địa phương nhằm cải thiện về cơ sở vật chất trường học. Đến nay, trên địa bàn xã đã xóa được phòng học tạm, không còn tình trạng học nhờ, cơ sở vật chất trường học đã cơ bản đáp ứng được nhu cầu cho dạy và học.

phòng học tạm Trường Tiểu học Ea Bar (xã Cư Pui) được xây dựng kiên cố với kinh phí hơn 10 tỷ đồng, do Ngân hàng Vietcombank tài trợ.

Năm học 2018-2019, xã Cư Pui có 1 trường mẫu giáo, 3 trường tiểu học và 1 trường THCS với 118 lớp, 3.447 học sinh (trong đó học sinh dân tộc thiểu số chiếm trên 80%). Là địa phương khó khăn nên những năm trước đây, cơ sở vật chất của các trường trên địa bàn xã chủ yếu là phòng học tạm, một số trường còn phải học nhờ vì thiếu phòng học.

Trường Mẫu giáo Cư Pui là một trong những trường có nhiều điểm trường nhất của huyện Krông Bông (13 điểm trường). Những năm trước đây, phòng học ở các điểm trường chủ yếu là phòng học tạm. Một số điểm trường do không có phòng học phải đi học nhờ. Từ năm 2015 đến nay, nhà trường đã được đầu tư gần 10 tỷ đồng từ nguồn vốn của các dự án và hàng trăm triệu đồng từ các tổ chức từ thiện để xây dựng, sửa chữa, mua sắm cơ sở vật chất.

Hiện nay cả 13 điểm trường đều được đầu tư xây dựng khang trang, kiên cố, đủ điều kiện để tổ chức dạy bán trú. Riêng trong năm 2018, Trường Mẫu giáo Cư Pui được đầu tư xây dựng 5 phòng học ở 3 điểm trường, trị giá hơn 2 tỷ đồng. Trong đó 4 phòng học được xây dựng từ nguồn vốn kiên cố hóa trường học và 1 phòng được Công an tỉnh Đăk Lăk tài trợ. Cô Hoàng Thị Thu, Hiệu trưởng nhà trường phấn khởi cho biết: “Đến nay, tất cả các điểm trường đều đã có phòng học được xây dựng kiên cố. Năm học này, nhà trường không phải đi học nhờ và cũng không còn phải học ở phòng học tạm nữa”.

phòng học tạm Thư viện Trường THCS Cư Pui được xây dựng từ nguồn kinh phí xã hội hóa.

Trường THCS Cư Pui năm học 2018-2019 cũng sẽ đưa vào sử dụng một số hạng mục mới được xây dựng từ nguồn vốn của Dự án Giáo dục THCS khu vực khó khăn giai đoạn 2. Đó là phòng học văn hóa, phòng bộ môn, nhà ở bán trú cho học sinh, nhà ăn, nhà công vụ cho giáo viên, tổng trị giá gần 10 tỷ đồng. Thầy Nguyễn Hữu Tuân, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Cơ sở vật chất của nhà trường hiện nay đã cơ bản đáp ứng nhu cầu phục vụ dạy và học, sinh hoạt cho học sinh và giáo viên. Vừa qua, tổ chức từ thiện cũng đã tài trợ cho nhà trường các thiết bị thư viện, sách tham khảo trị giá hơn 300 triệu đồng”.

Cũng trong năm học này, Trường Tiểu học Cư Pui 2 được đầu tư xây dựng nhiều nhất là với 12 phòng học kiên cố, 1 công trình vệ sinh được xây mới từ nguồn vốn phi chính phủ trị giá 13 tỷ đồng và 3 phòng học từ nguồn vốn dự án kiên cố hóa trường lớp học với kinh phí hơn 1 tỷ đồng. Như vậy, cả 6 điểm trường của Trường Tiểu học Cư Pui 2 đến nay đều đã đủ phòng học và các trang thiết bị, đảm bảo cho học sinh học 2 ca.

Ngoài việc xây dựng, sửa chữa, nâng cấp phòng học, trong thời gian qua, các trường trên địa bàn xã Cư Pui cũng quan tâm đến việc xây dựng các công trình khác như công trình vệ sinh cho học sinh và giáo viên, sân bê tông, cổng trường, tường rào; tôn tạo cảnh quan trường học… bằng nguồn vốn của Nhà nước và nguồn vốn xã hội hóa.

Ông Nguyễn Văn Tâm, Chủ tịch UBND xã Cư Pui cho biết: “Tuy còn gặp nhiều khó khăn nhưng trong thời gian tới, địa phương tiếp tục ưu tiên, giành nguồn vốn từ các dự án để đầu tư xây dựng, sửa chữa, nâng cấp cho các trường một số hạng mục như xây dựng thêm phòng học, các phòng chức năng, nhà hiệu bộ, sửa chữa các công trình đã xuống cấp. Phấn đấu cho các trường trên địa bàn xã đạt chuẩn về cơ sở vật chất trường học trong thời gian sớm nhất”.

TÙNG LÂM

Tin cùng chuyên mục
Đắk Lắk: Đầu tư, đổi mới phương pháp giáo dục phù hợp với điều kiện học tập, bản sắc văn hóa truyền thống

Đắk Lắk: Đầu tư, đổi mới phương pháp giáo dục phù hợp với điều kiện học tập, bản sắc văn hóa truyền thống

Thực hiện Dự án 5 về Phát triển giáo dục đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, Chương trình MTQG phát triển kinh tế -xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi (Chương trình MTQG 1719), tỉnh Đắk Lắk đã phân bổ khoảng 173 tỷ đồng đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị dạy học cho các trường phổ thông dân tộc nội trú, trường phổ thông dân tộc bán trú. Đồng thời, quan tâm đổi mới giáo dục, phương pháp giảng dạy phù hợp với ngôn ngữ, văn hóa của từng dân tộc.