Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Kinh tế

Xã Pờ Ê (Kon Plông): Nỗ lực về đích nông thôn mới

PV - 09:45, 12/08/2019

Thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM), trong giai đoạn 2013-2018, xã Pờ Ê, huyện Kon Plông tỉnh Kon Tum được đầu tư trên 27 tỷ đồng để xây dựng các công trình hạ tầng, mô hình sản xuất. Đến nay, xã đã hoàn thành 18/19 tiêu chí và đặt quyết tâm hoàn thành 19/19 tiêu chí NTM trong năm 2019.

Cuối tháng 3/2019, 600m đường giao thông nông thôn (với tổng kinh phí đầu tư trên 800 triệu đồng) ở thôn Vi K’Tàu, xã Pờ Ê đã được hoàn thiện. Công trình này đã góp phần đưa xã Pờ Ê đạt 18/19 tiêu chí NTM. Điều đáng mừng là người dân thôn Vi K’Tàu đã tham gia tích cực vào việc làm đường, làm kênh mương thủy lợi; đã tự nguyện hiến gần 1.000m2 đất và hàng trăm cây lâu năm, cây ăn quả các loại… tạo điều kiện thuận lợi trong quá trình thi công, xây dựng NTM.

Trên lĩnh vực phát triển kinh tế, từ năm 2013 đến nay, toàn thôn Vi K’Tàu đã phát triển được 3,8ha lúa, 77,2ha mì lai, 2ha bắp và các loại rau đậu, 185 con trâu, 15 con bò, 135 con lợn, 200 con gia cầm… Bà con Nhân dân đã biết trồng các loại cây dược liệu có giá trị kinh tế cao như: đương quy, sa chi, sâm dây, dứa gai… và cây keo lấy gỗ. Kinh tế hộ gia đình được chú trọng với các mô hình trồng cây cà phê xứ lạnh, nuôi giun quế, gà thả vườn, trồng cỏ voi phát triển chăn nuôi bò. Nhờ đó, đến nay, 100% số hộ gia đình trong thôn đã thoát nghèo.

Phụ nữ thôn Vi Ô Lăk chung tay giữ gìn vệ sinh môi trường. Phụ nữ thôn Vi Ô Lăk chung tay giữ gìn vệ sinh môi trường.

Điển hình như gia đình anh A Thông, thôn Vi K’Tàu. Từ một hộ nghèo, được vay vốn sản xuất, chăm chỉ làm ăn, biết áp dụng khoa học-kỹ thuật vào sản xuất, A Thông đã trở thành hộ phát triển kinh tế tiêu biểu của thôn Vi K’Tàu. A Thông đầu tư vườn, rừng, trồng mì, keo, cà phê… cho thu nhập ổn định hàng trăm triệu đồng/năm. A Thông cho biết: Từ khi đường đến các thôn được cải tạo, nâng cấp, bà con đi làm ruộng, đi rẫy không phải gùi mà xe vào tận nơi. Vì vậy, giá mì, giá cà phê cũng cao lên, cuộc sống ổn định hơn trước nhiều.

Ở thôn Vi Ô Lăk, mô hình “Làng phụ nữ NTM” ra đời tháng 4/2017 với 100% phụ nữ trong thôn tham gia. Chị em hội viên bảo nhau nâng cao ý thức vệ sinh đường làng, ngõ xóm sạch, đẹp. Đều đặn hai lần mỗi tháng, chị em phụ nữ trong chi hội đều chia tổ để dọn vệ sinh đường làng. Hằng ngày dọn vệ sinh tại hộ gia đình, 1 tuần/lần, dọn vệ sinh bể nước chung của thôn. Đến nay, trong thôn không còn hộ nghèo, không có gia đình sinh con thứ ba trở lên, không còn tình trạng trẻ em suy dinh dưỡng và bỏ học giữa chừng hay tình trạng bạo lực gia đình, vi phạm pháp luật…

Ông A Điểm, Bí thư Đảng ủy xã Pờ Ê cho biết: Thực hiện Chương trình xây dựng NTM, trong giai đoạn 2013-2018, huyện Kon Plông đã ủy quyền cho UBND xã Pờ Ê đầu tư trên 27 tỷ đồng để xây dựng các công trình hạ tầng, mô hình sản xuất. Với nguồn lực đầu tư đó, cùng sự vào cuộc đồng bộ của cấp ủy, chính quyền, sự đồng thuận của người dân, đến nay, cơ sở hạ tầng đã được kiện toàn phục vụ hiệu quả đời sống sinh hoạt sản xuất người dân.

Theo đó, hàng trăm ha lúa, ngô, mì, cà phê, cây dược liệu của đồng bào trong xã Pờ Ê đã và đang phát triển, cho thu nhập ổn định. Từ hiệu quả của việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đời sống của người dân xã Pờ Ê đã có bước phát triển, thu nhập bình quân đầu người tăng từ 14 triệu đồng/người (năm 2014) lên gần 27 triệu đồng/người (cuối năm 2018), tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 32,22% (năm 2014) xuống còn 6,8% (cuối năm 2018). Đến nay, xã đã hoàn thành 18/19 tiêu chí NTM.

“Chúng tôi đang tập trung chỉ đạo và tổ chức thực hiện Đề án chuyển đổi cơ cấu cây trồng; kế hoạch nâng cao chất lượng, thể trạng đàn gia súc giai đoạn 2016-2020; xây dựng cánh đồng lớn để liên kết trong việc trồng cỏ, trồng ngô lấy thân để bán cho Công ty nuôi dê sữa; đẩy mạnh tuyên truyền vận động Nhân dân vay vốn với lãi suất thấp để đưa các giống cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao vào sản xuất. Phấn đấu đến hết năm 2019, Pờ Ê sẽ về đích Chương trình NTM sau khi hoàn thiện tiêu chí về thu nhập”, ông A Điểm khẳng định.

MINH THU

Tin cùng chuyên mục
Nuôi hươu sao - Mô hình kinh tế mới ở huyện biên giới Ia H’Drai

Nuôi hươu sao - Mô hình kinh tế mới ở huyện biên giới Ia H’Drai

Huyện biên giới Ia H’Drai (Kon Tum) có hơn 60% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) sinh sống; đa phần người dân đều làm công nhân cho các Công ty cao su trên địa bàn huyện. Tận dụng thời gian nhàn rỗi, nhiều hộ dân đã quyết định đầu tư vào mô hình nuôi hươu sao và chế biến sâu các sản phẩm từ nhung hươu để kiếm thêm thu nhập, hướng đến làm giàu trên vùng đất khó.