Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Kinh tế

Xã Quang Thành (Nghệ An): Vững bước xây dựng nông thôn mới nâng cao

Khánh Ngân - CĐ - 11:13, 11/11/2021

Là một xã miền núi của huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An, thế nhưng Quang Thành lại về đích Nông thôn mới (NTM) sớm. Hiện nay, Đảng bộ và Nhân dân xã Quang Thành đang tiếp tục xây dựng NTM nâng cao, góp phần xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.

Đường làng ở Quang Thành được bê tông hóa, khang trang sạch đẹp (Ảnh chụp trước khi dịch covid-19 bùng phát)
Đường làng ở xã Quang Thành được bê tông hóa, khang trang sạch đẹp (Ảnh chụp trước khi dịch covid-19 bùng phát)

Quang Thành là xã có ít diện tích đất ruộng trồng lúa nước, phần lớn diện tích là đồi núi, khó canh tác, hiệu quả kinh tế thấp. Những năm trước, đời sống bà con Nhân dân còn gặp nhiều khó khăn. Khi bắt đầu thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM, Quang Thành có điểm xuất phát thấp, nguồn lực đầu tư còn hạn chế. Nhờ phát huy tốt quy chế dân chủ, khơi dậy được sức mạnh toàn dân nên xây dựng NTM ở xã miền núi Quang Thành đã thu được những kết quả đáng khích lệ. Toàn xã đã huy động tổng nguồn lực gần 200 tỷ đồng, trong đó Nhân dân đóng góp trên 64%.

Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM như một luồng gió mới, làm thay đổi diện mạo làng quê ở Quang Thành; đặc biệt người dân cũng thay đổi tư duy, đột phá trong làm ăn. Trong quá trình xây dựng NTM, Quang Thành tập trung vào phát triển lợi thế kinh tế rừng. Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát huy có hiệu quả tổ hợp tác, HTX chăn nuôi, đa dạng hóa mô hình kinh tế hộ... đưa thu nhập bình quân đầu người đạt trên 34 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn trên 3,6%, có 2/3 tổng số trường học đã được công nhận đạt chuẩn quốc gia, 6/8 làng đã được công nhận danh hiệu Làng Văn hóa; cơ sở vật chất được cải thiện rõ rệt

Với những thành quả và nỗ lực đó, tháng 10/2019, xã Quang Thành được Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An ký quyết định công nhận xã đạt chuẩn NTM. Không dừng lại ở đó, Đảng bộ và Nhân dân xã Quang Thành tiếp tục phấn đấu đưa quê hương đạt chuẩn NTM nâng cao.

Theo đó, giai đoạn 2021-2025, Đảng bộ và Nhân dân xã Quang Thành xác định trọng tâm là làm cho nền kinh tế chuyển biến tích cực. Lấy kinh tế rừng, kết hợp với trang trại làm múi chủ lực. Bên cạnh đó, tăng cường công tác chuyển đổi cơ cấu, cây trồng vật nuôi đã làm cho hiệu quả kinh tế tăng lên rõ rệt. Chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2021, tổng giá trị sản xuất toàn xã đã đạt 165,6 tỷ đồng. Đời sống Nhân dân đã có những bước phát triển vượt bậc, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống 2%.

Trục đường chính ở xã miền núi Quang Thành
Trục đường chính ở xã miền núi Quang Thành

Từ những chuyển biến tích cực trong phát triển kinh tế - xã hội, đời sống Nhân dân được nâng cao, Quang Thành lại có điều kiện để đầu tư làm thêm đường bê tông, các khu vui chơi công cộng ở các xóm…; cũng trong 6 tháng đầu năm 2021, Ủy ban nhân dân xã đã đầu tư 42,5 tỷ đồng để đầu tư xây dựng, nâng cấp các công trình trên địa bàn. Mặc dù mới bắt đầu xây dựng NTM nâng cao, nhưng bộ mặt làng quê ở xã miền núi Quang Thành đã thay da đổi thịt. 

Đặc biệt, đối với tiêu chí vườn mẫu được địa phương vận động Nhân dân đầu tư phát triển mạnh. Với mỗi mô hình "Nhà sạch - vườn mẫu" được hỗ trợ 20 triệu đồng. Sau gần một năm thực hiện, mô hình "Nhà sạch - vườn mẫu" tại xã Quang Thành đã và đang tạo sức lan tỏa, thu hút được sự quan tâm của cộng đồng xã hội; được Hội Liên hiệp Phụ Nữ huyện Yên Thành chỉ đạo Hội Liên hiệp Phụ nữ các xã, thị trấn tham quan, học tập kinh nghiệm để nhân ra diện rộng.

Có thể thấy, qua 7 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, không chỉ tạo ra một tiền đề vững chắc về kinh tế - xã hội, mà đó còn là quãng thời gian quý báu để lãnh đạo và Nhân dân Quang Thành rút ra nhiều bài học quý trong phát triển kinh tế -xã hội, xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, từng bước hoàn thiện bộ tiêu chí trong NTM nâng cao.

Tin cùng chuyên mục
Chiêm Hóa (Tuyên Quang): Chú trọng phát triển cây lâm nghiệp gắn với bảo vệ rừng bền vững

Chiêm Hóa (Tuyên Quang): Chú trọng phát triển cây lâm nghiệp gắn với bảo vệ rừng bền vững

Diện tích rừng và đất lâm nghiệp ở huyện Chiêm Hóa (tỉnh Tuyên Quang) rất lớn, đây được xem là tiềm năng, lợi thế để người dân sống nhờ rừng thêm cơ hội và điều kiện để phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp bền vững gắn với bảo vệ rừng. Việc khai thác tốt tiềm năng, lợi thế cùng với các chính sách của Đảng, Nhà nước, nhất là chính sách hỗ trợ từ Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2025 (Chương trình MTQG 1719), có ý nghĩa quan trọng, để người dân có thêm điều kiện phát huy giá trị kinh tế ổn định cuộc sống và phát triển bền vững từ rừng.