Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Thời sự

Xây dựng Chương trình phục hồi và phát triển KT-XH tại thời điểm hiện nay là phù hợp và cấp thiết

Minh Thu - 18:26, 11/11/2021

Đó là phát biểu của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội chiều 11/11, tại phiên chất vấn tại hội trường, trong chương trình Kỳ họp thứ Hai, Quốc hội khóa XV.

Toàn cảnh phiên chất vấn chiều 11/11/2021
Toàn cảnh phiên chất vấn chiều 11/11/2021

Các đại biểu Quốc hội đã có nhiều câu hỏi chất vấn Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng về giải pháp phục hồi và phát triển kinh tế trong bối cảnh tình hình mới; các giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh để phục hồi, phát triển sản xuất, kinh doanh. Công tác chuẩn bị đầu tư, việc phân bổ, giao kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn 2021 - 2025 và kế hoạch năm 2021; giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện giải ngân vốn đầu tư công và các dự án trọng điểm quốc gia. Tiến độ thực hiện các chương trình, dự án sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi đầu tư phát triển.

Theo Bộ trưởng Bộ KH&ĐT, thời gian qua, với sự đồng hành của Quốc hội, Chính phủ ban hành nhiều chính sách, giải pháp nhằm nỗ lực huy động mọi nguồn lực hỗ trợ người dân, doanh nghiệp vượt qua khó khăn của dịch bệnh nhưng quy mô các chính sách hỗ trợ còn tương đối thấp, chủ yếu tác động về phía cung, chưa có giải pháp tổng thể cùng với nguồn lực mạnh mẽ hỗ trợ cho người dân, người lao động, doanh nghiệp, thúc đẩy phục hồi đồng bộ cả về phía cung và phía cầu của nền kinh tế.

Đến nay, dịch bệnh dần được kiểm soát. Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 để chủ động chuyển sang phòng, chống, thích ứng linh hoạt, an toàn, hiệu quả dịch Covid-19, đưa đất nước chuyển sang trạng thái bình thường mới sớm nhất có thể. Nghị quyết ngay lập tức có tác động tích cực đến người dân, doanh nghiệp và nền kinh tế.

Việc xây dựng Chương trình phục hồi và phát triển KT-XH tại thời điểm hiện nay là hết sức phù hợp và cấp thiết, nhằm tập trung hỗ trợ nền kinh tế sớm vượt qua khó khăn, thúc đẩy tăng trưởng và phát triển, sớm trở lại trạng thái bình thường mới.

Hiện Bộ KH&ĐT đã chủ động, khẩn trương phối hợp với các bộ, ngành, địa phương, tham vấn các đối tác phát triển, hiệp hội doanh nghiệp, ngành hàng, chuyên gia, nhà khoa học trong nước và quốc tế, khẩn trương xây dựng và hoàn thiện dự thảo Chương trình phục hồi và phát triển KT-XH với các nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, như: Giải pháp tổng thể mở cửa nền kinh tế gắn với phòng, chống dịch bệnh Covid-19; giải pháp về an sinh xã hội và hỗ trợ việc làm; giải pháp về phục hồi doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh; giải pháp phát triển kết cấu hạ tầng, nhất là cơ sở hạ tầng chiến lược, khơi thông nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển; giải pháp về quản trị rủi ro gắn với ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn; giải pháp về cải cách thể chế, cải cách hành chính, thủ tục hành chính, nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước.

Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội
Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội

Hiện nay dự thảo Chương trình vẫn đang trong quá trình hoàn thiện, Bộ KH&ĐT đang phối hợp với Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước dự kiến kinh phí, phương án huy động, phân bổ và sử dụng nguồn lực, bao gồm cả chính sách tài khóa và tiền tệ để hỗ trợ phục hồi và phát triển KT-XH.

Trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết: Đại dịch Covid-19 đã tác động sâu sắc đến kinh tế thế giới, cũng như Việt Nam. Trong lúc thế giới đã có những gói hỗ trợ lớn, kịp thời, nhưng phải chấp nhận tăng trần nợ công và bội chi ngân sách, bởi vậy đã có tăng trưởng nhanh về kinh tế.

Đối với chương trình hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế, căn cứ tình hình thực tiễn, Việt Nam cần có quy mô đủ lớn, thời gian phù hợp, phải bảo đảm kinh tế vĩ mô, gắn kết chặt chẽ với Kế hoạch phát triển KT-XH 10 năm; phải tập trung vào các chính sách có tác động trước mắt như xuất khẩu, tiêu dùng nội địa. Thực hiện hỗ trợ có trọng tâm trọng điểm, gắn với nguồn lực và khả năng vay trả của nền kinh tế. Bảo đảm chủ động sản xuất kinh doanh cho doanh nghiệp với mục tăng trưởng đạt khoảng 6,5 - 7% trong giai đoạn 2021 - 2025.

Đại biểu Quốc hội chất vấn Bộ trưởng Bộ KH&ĐT
Đại biểu Quốc hội chất vấn Bộ trưởng Bộ KH&ĐT

Về tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công thấp, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng lý giải: Do chất lượng chuẩn bị các dự án thấp, công tác giải phóng mặt bằng còn vướng mắc về nguốn gốc đất đai, giá đền bù, ý thức người dân, vốn đối ứng không được bố trí đủ. Riêng năm 2021, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, nên nhiều địa phương thiếu nhân công, chi phí nguyên vật liệu tăng cao.

Về giải pháp đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng: Các địa phương phải thực hiện quyết liệt, nghiêm túc hơn các nghị quyết của Chính phủ, cần nêu cao trách nhiệm người đứng đầu, đẩy mạnh công tác đấu thầu, giải phóng mặt bằng. Cần có quy hoạch tốt; nâng cao được sức cạnh tranh, tạo được môi trường đầu tư; có chính sách quản trị rủi ro… để các địa phương có điều kiện phát triển nhanh hơn.

Người đứng đầu cơ quan, đơn vị phải coi việc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, kết quả giải ngân là căn cứ đánh giá việc hoàn thành nhiệm vụ. Rà soát, kịp thời phát hiện vướng mắc, đặc biệt là những vướng mắc về cơ chế, chính sách để kịp thời báo cáo cấp có thẩm quyền hoặc xử lý theo thẩm quyền được giao.

Tăng cường năng lực tổ chức thực hiện dự án ở cấp cơ quan chủ quản, chủ đầu tư và Ban Quản lý dự án, bảo đảm đội ngũ cán bộ quản lý dự án có năng lực, trình độ chuyên môn cao. Thực hiện nghiêm việc đánh giá cán bộ, công chức, cơ quan, đơn vị liên quan trong triển khai thực hiện nhiệm vụ; xử lý nghiêm minh các trường hợp cố tình làm chậm, gây khó khăn, nhũng nhiễu, vi phạm quy định, lợi ích nhóm, tham nhũng, lãng phí về đầu tư công.

“Trong việc chậm giải ngân vốn đầu tư công, Bộ KH&ĐT xin nhận trách nhiệm và sẽ khắc phục nghiêm túc việc rà soát kế hoạch vốn do Bộ, ngành, địa phương trình lên trong thời gian tới”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cam kết.

Tin cùng chuyên mục
Cập nhật dữ liệu thực trạng kinh tế - xã hội sau thiên tai để tránh sai số: Quỹ đất tiếp tục bị thu hẹp (Bài 2)

Cập nhật dữ liệu thực trạng kinh tế - xã hội sau thiên tai để tránh sai số: Quỹ đất tiếp tục bị thu hẹp (Bài 2)

Ảnh hưởng của bão số 3 và mưa lũ đã khiến qũy đất (đất ở, đất sản xuất) ở nhiều địa phương khu vực miền núi phía Bắc tiếp tục bị thu hẹp do sạt lở, bồi lấp. Dữ liệu về quỹ đất đã bố trí cho người dân được thu thập cách đây hơn một tháng nay không còn chính xác, cần thiết được cập nhật để thực hiện hiệu quả chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất cho đồng bào DTTS.