Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

Xây dựng đội ngũ kế cận cho nghệ thuật truyền thống - Bài toán nan giải

Trương Vui - 14:38, 17/07/2023

Xẩm, chèo, tuồng, ca trù, dân ca, quan họ… là những loại hình nghệ thuật truyền thống đặc sắc của dân tộc đang được những nghệ nhân đi trước cố gắng gìn giữ, phát triển trong đời sống hiện đại. Trong đó, việc thắp lửa đam mê, ươm mầm cho thế hệ trẻ tiếp nối, sáng tạo, là câu chuyện dài hơi đòi hỏi cần có nhiều sáng kiến và hành động thiết thực, nhất là khi những giá trị văn hóa này đang dần bị nhiều hình thức giải trí hiện đại lấn át.

Thắp lửa tình yêu trong thế hệ trẻ với những loại hình nghệ thuật dân gian chính là một phần quan trọng trong việc gìn giữ, phát huy các loại hình nghệ thuật truyền thống này trong đời sống hiện đại (Ảnh: TL)
Thắp lửa tình yêu trong thế hệ trẻ với những loại hình nghệ thuật dân gian, chính là góp phần quan trọng trong việc gìn giữ, phát huy các loại hình nghệ thuật truyền thống này trong đời sống hiện đại (Ảnh: TL)

“Đỏ mắt” tìm kiếm lực lượng kế cận

Được ra đời cùng với lịch sử phát triển của dân tộc, chúng ta luôn tự hào về kho tàng các giá trị văn hóa của 54 dân tộc anh em, trong đó có những loại hình nghệ thuật truyền thống. Những năm gần đây, cùng với xu thế phát triển của xã hội, các loại hình nghệ thuật này không chỉ được biểu diễn tại các hội diễn hay trong các nhà hát, mà còn được diễn ra ở nhiều không gian giao lưu nghệ thuật, để có thể dễ dàng tiếp cận với đông đảo công chúng, đặc biệt là thế hệ trẻ.

Tuy nhiên, mặc dù có nhiều giải pháp linh hoạt trong việc bảo tồn, lưu truyền bền bỉ cho các thế hệ kế tục, cũng không thể phủ nhận một thực tế đáng buồn, là trong thời kỳ công nghiệp hóa hiện nay, giữa quá nhiều lựa chọn về các loại hình nghệ thuật giải trí, nhất là cơn lốc của âm nhạc hiện đại, K-pop…, giới trẻ ngày càng xa rời, lãng quên sân khấu truyền thống.

Một minh chứng, chỉ mới mấy ngày trước, giới trẻ trong nước “đứng ngồi không yên” trước thông tin nhóm nhạc đình đám Hàn Quốc BlackPink mở Show diễn đầu tiên tại Việt Nam. Và chỉ vài phút sau khi cổng bán vé Concert này được mở, lượng người truy cập đã đạt đến hàng trăm nghìn, cổng bán vé rơi vào tình trạng tắc nghẽn, mặc dù giá vé cho một đêm công diễn không hề rẻ.

Trong khi đó, nghệ thuật truyền thống lại đang chật vật, cố gắng tìm chỗ đứng của mình. Các buổi diễn nghệ thuật truyền thống không còn cảnh người xem chen chân vào rạp, tình trạng vắng bóng khán giả, đặc biệt là khán giả trẻ tại các sân khẩu nghệ thuật này không phải là điều hiếm gặp. Điều đó cho thấy hiện nay, các loại hình nghệ thuật này không được giới trẻ mặn mà.

Biểu diễn hát xẩm trong một phiên chợ xuân (Ảnh: TL)
Biểu diễn hát xẩm trong một phiên chợ xuân (Ảnh: TL)

Không chỉ vắng bóng ở hàng ghế khán giả, phía trên sân khấu, lực lượng diễn viên, đạo diễn… cũng “khan hiếm” những nhân tố mới. Theo Nghệ sĩ Nhân dân (NSND) Triệu Trung Kiên - Giám đốc Nhà hát Cải lương Việt Nam, tình hình chung của các nhà hát đều thiếu nguồn nhân lực trẻ. Cả Nhà hát Cải lương Việt Nam chỉ còn một vài diễn viên trẻ, nhưng sau 5 - 10 năm nữa thì sẽ rất khó.

Cùng với đó, việc tuyển sinh đầu vào tại các trường nghệ thuật, các ngành nghệ thuật truyền thống đang rơi vào tình trạng ít khi tuyển đủ chỉ tiêu. Ngay cả tại Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội, nơi đào tạo nghệ sĩ tương lai cho đất nước, trong nhiều năm qua, các bộ môn này cũng luôn trong tình trạng “khát” học viên.

Trong khi đó, số lượng nghệ sĩ đang hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật dân gian phần lớn đã lớn tuổi. Xu hướng “già hóa”, “đứt gãy” này đang thực sự là thực trạng đáng báo động đối với nghệ thuật truyền thống hiện nay, khiến những loại hình nghệ thuật này đứng trước nguy cơ bị mai một.

Để tre già, măng mọc

Bàn về tình trạng thưa thớt khán giả, thiếu đội ngũ kế cận tại các sân khấu nghệ thuật truyền thống, Nghệ sĩ Ưu tú (NSƯT) Thu Huyền - Phó Giám đốc Nhà hát Chèo Hà Nội cho hay, các bộ môn nghệ thuật truyền thống không những khó về mặt chuyên môn mà còn khó cả về mặt cảm thụ, đòi hỏi người học, người xem phải có độ am hiểu tương đối về văn hóa, lịch sử, xã hội, và hơn hết là tình yêu với nghề, với văn hóa truyền thống. Cùng với đó, do mảng này không có bề nổi, khó nổi tiếng so với dòng nhạc hiện đại, cũng là điều khiến cho nghệ thuật truyền thống ít thu hút lớp trẻ.

Làm sao để kéo khán giả trẻ đến gần hơn với sân khấu nghệ thuật truyền thống vẫn là bài toán khó cần đi tìm lời giải đáp ((Ảnh: TL)
Làm sao để kéo khán giả trẻ đến gần hơn với sân khấu nghệ thuật truyền thống vẫn là bài toán khó cần đi tìm lời giải đáp ((Ảnh: TL)

Trước thực trạng này, câu hỏi lớn cần đặt ra là, làm cách nào để nhen nhóm, thắp lên tình yêu với các bộ môn nghệ thuật truyền thống, mở lối cho những loại hình này được tiếp cận và trở nên thu hút trong cộng đồng, nhất là những lớp người nắm giữ tương lai của nghệ thuật truyền thống.

Đây là nỗi băn khoăn không chỉ của riêng ngành Văn hóa, các cơ quan chức năng, mà còn của cả xã hội, đặc biệt là những nghệ nhân yêu nghề và những khán giả luôn nặng lòng với văn hóa dân gian.

Theo NSND Triệu Trung Kiên - Giám đốc Nhà hát Cải lương Việt Nam, thực tế giới trẻ hiện nay cũng không hoàn toàn xa rời các giá trị nghệ thuật truyền thống. Gần đây xu hướng đưa chất liệu âm nhạc dân tộc vào các tác phẩm mới đã thành công, tạo ra sức hút với giới trẻ, như bài “Thị Mầu” của Hòa Minzy, hay ca sĩ Hoàng Thùy Linh... 

Do đó, theo NSND Triệu Trung Kiên, nghệ thuật dân tộc cũng cần phải tiếp cận với thực tại. Giá trị nào cần lưu giữ bất biến thì phải bảo tồn, giữ gìn nguyên bản, còn giá trị nào cần hòa vào thực tại thì phải làm cho nó tươi mới. Khi đó, thế hệ trẻ mới thích, mới vào nhà hát, từ đó mới góp phần nuôi dưỡng, tạo ra các thế hệ tiếp nối.

Trong sự giao thoa văn hóa mạnh mẽ như hiện nay, nghệ thuật truyền thống cần phát huy thế mạnh của mình, đồng thời không ngừng đổi mới, sáng tạo phù hợp, từ đó tạo sức hút để chiêu mộ những tài năng mới (Ảnh: TL)
Trong sự giao thoa văn hóa mạnh mẽ như hiện nay, nghệ thuật truyền thống ngoài việc phát huy thế mạnh của mình, cũng phải không ngừng đổi mới, sáng tạo phù hợp, mới có thể tạo sức hút để chiêu mộ những tài năng mới (Ảnh: TL)

Chia sẻ về giải pháp ươm mầm tài năng trẻ cho nghệ thuật truyền thống, NSND Xuân Hợi nhìn nhận, diễn viên trẻ là những người giữ nghề, là thế hệ kế cận sau này. Việc tuyển được diễn viên trẻ, rồi đào tạo là cả một quá trình, nhưng khi họ làm nghề thì thu nhập chưa được đảm bảo, do đó rất khó gắn bó với nghề. 

"Do vậy, Nhà nước cần có thêm chính sách thu hút, đãi ngộ để tìm kiếm lớp trẻ có năng khiếu, bồi dưỡng từ khi ngồi trên ghế nhà trường và tạo điều kiện cho các em được hoạt động tại nhà hát, vừa học nghề, vừa học văn hóa, như vậy mới có được lớp diễn viên kế tiếp", nghệ sĩ Xuân Hợi nêu ý kiến

Trong sự phát triển chung của các loại hình nghệ thuật, nghệ thuật truyền thống cần tiếp tục phát huy thế mạnh của mình, đồng thời không đứng ngoài dòng chảy công nghiệp hóa, xây dựng nhiều hơn các tác phẩm với những đề tài, nội dung đổi mới, sáng tạo và mới mẻ. 

Đây cũng là một trong những cách thu hút khán giả trẻ quan tâm hơn, góp phần khơi dậy niềm đam mê gắn bó, từ đó mới chiêu mộ được những “ngôi sao” mới cho nghệ thuật truyền thống mang bản sắc văn hóa lâu đời của dân tộc.