Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Bạn đọc

Xây dựng nhà tựa lưng vào núi: Quan niệm cũ, nỗi lo mới

PV - 09:37, 23/10/2018

Người dân miền núi, thường hay chọn vị trí tựa lưng vào núi đá để xây nhà, bởi theo kinh nghiệm của họ, đó là vị trí đắc địa để an cư. Thế nhưng, vài năm trở lại đây, vị trí đó lại tiềm ẩn nhiều rủi ro do biến động của địa chất, cùng những tác động của con người.

Nhà Hàng chục hòn đá lăn từ trên núi xuống còn đang mắc lại ở hàng cây sau thôn.

Cũng như nhiều hộ dân ở thôn Vả Thàng, xã Tung Chung Phố, huyện Mường Khương (Lào Cai), căn nhà của gia đình chị Giàng Seo Chấn nằm tựa lưng vào dãy núi đá, thung lũng trước mặt là khu vực để canh tác sản xuất nông nghiệp. Chị Chấn cho biết: Khoảng ba năm gần đây, cứ sau một vài trận mưa to những tảng đá trên núi lại lăn xuống khu dân cư phía dưới. Chỉ vào tảng đá to, bằng nửa gian nhà bị những cây cổ thụ chắn lại, chị Chấn cho biết, nếu không mắc vào hàng cây này thì nó đã lăn sập nhà mình rồi. Từ ngày hòn đá tảng này lăn xuống, đêm nào có mưa to mình không dám ngủ ở nhà nữa. Mỗi khi có tiếng động lạ, vợ chồng, các con lại chuẩn bị chạy ra khỏi nhà. Chỉ mong Nhà nước bố trí nơi ở mới để yên tâm sinh sống.

Cũng vì lo sợ đá lăn vào nhà mà hiện nay, nhiều hộ dân trong thôn của chị Chấn không dám ở trong căn nhà cũ, phải làm lán ra thôn khác ở tạm. Như nhà anh Thào Seo Sẩu vì lo sợ cho tính mạng của người thân nên anh Sẩu phải rời bỏ ngôi nhà gắn bó với gia đình bao năm qua, mượn tạm đất của họ hàng thôn bên cạnh làm lán ở. “Tuy có chật chội nhưng an toàn hơn”, anh Sẩu bảo vậy.

Dấu tích và những tảng đá từ những trận đá lăn trên núi còn hiện hữu trên những nương ngô, những bụi tre dập nát hay khu chuồng gia súc bỏ hoang sau khi bị đá rơi trúng. Ngay cả tuyến đường giao thông của thôn vừa đổ bê tông cũng đã xuất hiện nhiều đoạn gãy, vỡ vì những tảng đá lớn lăn qua. Theo các hộ dân, chỉ cách đây hai tuần, một tảng đá to bằng bể nước cũng vừa lăn xuống giữa đường đè nát một xe máy của người dân đi làm nương, rất may không làm chết người. Biết là nguy hiểm đến tính mạng, nhưng bà con cũng chưa biết di chuyển đi đâu.

Theo ông Sùng Sẩu, Phó Chủ tịch UBND xã Tung Chung Phố, thôn Vả Thàng có 54 hộ, thì có 23 hộ sống dưới chân núi thường xuyên bị đe dọa vì đá lở. Nhiều đoàn công tác của tỉnh và huyện đã đến kiểm tra và xây dựng phương án di chuyển người dân đến khu TĐC. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa triển khai.

“Trước mắt để tránh thiệt hại về người và tài sản, những ngày mưa to, xã thường xuyên cử cán bộ xuống vận động người dân di chuyển tạm thời đến nơi ở khác. Hy vọng, thời gian tới, người dân sẽ sớm có nơi an cư để không phải sống thấp thỏm nữa”, ông Sẩu cho hay.

Ông Đinh Trọng Khôi, Phó Chủ tịch UBND huyện Mường Khương cho biết: Theo phương án xây dựng khu TĐC được UBND huyện đề xuất với UBND tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, dự án di dân khẩn cấp thôn Vả Thàng có tổng kinh phí 17,1 tỷ đồng, thời gian thực hiện trong hai năm 2018 và 2019. Việc xây dựng khu TĐC Vả Thàng có ý nghĩa to lớn về kinh tế-xã hội và quốc phòng, an ninh của huyện, đặc biệt là đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của người dân, vì vậy huyện đang tập trung thực hiện.

“Khó khăn lớn nhất là kinh phí giải phóng mặt bằng, đặc thù ở vùng cao Mường Khương là tìm vị trí TĐC rất khó khăn. Những vị trí có thể TĐC được thì vướng vào diện tích đất sản xuất của người dân. Chưa kể phải đầu tư mới hạ tầng giao thông, điện, nước. Do kinh phí thực hiện lớn, vượt quá khả năng của địa phương, nên UBND huyện đang tiếp tục đề nghị UBND tỉnh, các sở, ngành của tỉnh sớm bố trí kinh phí”, ông Khôi nhấn mạnh.

Ngày 20/6/2018, UBND tỉnh Lào Cai đã ban hành Phương án số 201/PA-UBND về thực hiện Chương trình mục tiêu tái cơ cấu kinh tế nông nghiệp và phòng chống giảm nhẹ thiên tai, ổn định đời sống dân cư giai đoạn 2018-2020, trong đó có Dự án sắp xếp dân cư phòng chống giảm nhẹ thiên tai thôn Vả Thàng, xã Tung Chung Phố, huyện Mường Khương, với số hộ dự kiến sắp xếp là trên 50 hộ. Tổng kinh phí cho việc bố trí, di chuyển các hộ dân trong thôn là 24 tỷ 666 triệu đồng (ngân sách Trung ương 22 tỷ 525 triệu đồng, ngân sách địa phương 2 tỷ 141 triệu đồng). Riêng trong năm 2018, dự kiến tổng nguồn vốn được bố trí là trên 17,1 tỷ đồng, giao cho Chi cục Phát triển nông thôn, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì thực hiện.

TRỌNG BẢO

Tin cùng chuyên mục
Thanh Hóa: Yêu cầu các địa phương xử lý dứt điểm cơ sở thu mua, chế biễn gỗ keo trái phép

Thanh Hóa: Yêu cầu các địa phương xử lý dứt điểm cơ sở thu mua, chế biễn gỗ keo trái phép

Tỉnh ủy Thanh Hóa vừa có văn bản yêu cầu các địa phương khẩn trương làm rõ và xử lý nghiêm các tập thể, cá nhân thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý, để các cơ sở thu mua, chế biến gỗ keo tự phát hoạt động trái phép, vi phạm các quy định của pháp luật mà không có biện pháp xử lý kịp thời, hiệu quả.