Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Kinh tế

Xây dựng, nhân rộng các mô hình kinh tế: Sớm gỡ vướng để triển khai hiệu quả

PV - 10:32, 14/09/2018

Các mô hình kinh tế chỉ thực sự phát huy hiệu quả tối đa khi được nhân rộng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế của địa phương. Tuy nhiên, trên thực tế có rất nhiều mô hình được xây dựng, ban đầu thì rất thành công nhưng khi nhân rộng lại thất bại. Do đó, bên cạnh việc thường xuyên kiểm tra, giám sát thì việc cần làm hiện nay là tháo gỡ những vướng mắc trong quy trình xây dựng-nhân rộng mô hình.

Cần tăng cường kiểm tra, giám sát

Là một trong những huyện nghèo của cả nước, thời gian qua, Tân Sơn (Phú Thọ) được thụ hưởng nhiều chính sách đầu tư, hỗ trợ; trong đó có nội dung hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo bền vững. Nhiều loại cây trồng, vật nuôi cũng được đưa về huyện nghèo, trao tới tận tay người dân giúp họ tăng gia sản xuất, nâng cao thu nhập, trong đó có con bò lai sind - giống bò sinh sản được nuôi tập trung tại các trại giống với nguồn thức ăn bán công nghiệp.

Những mô hình xây dựng thành công cần phải được nhân rộng để phát huy hiệu quả. Những mô hình xây dựng thành công cần phải được nhân rộng để phát huy hiệu quả.

Trong khi điều kiện địa hình, thời tiết và kinh tế lại hình thành cho người dân Tân Sơn thói quen thả rông gia súc nên đàn bò lai sind có vẻ như không mấy phù hợp với địa bàn huyện vùng cao này. Thực tế việc thiếu chuồng trại nuôi nhốt cộng với điều kiện khí hậu khắc nghiệt đã làm cho đàn bò ở một số xã bị hao hụt. Chỉ riêng xã Tân Phú từ năm 2009 đến 2017 được nhận hơn 60 con bò lai sind, đến nay chỉ còn gần 40 con.

Đáng nói là việc bò ốm chết xảy ra ngay từ những năm đầu hỗ trợ, nếu công tác giám sát được tiến hành hiệu quả thì việc chuyển đổi vật nuôi đã sớm hơn. Trong thông báo kết quả giám sát mà Đoàn Giám sát của Ban Dân tộc HĐND tỉnh thực hiện ở Tân Sơn hồi tháng 4/2018 cũng chỉ rõ: “Công tác kiểm tra, hướng dẫn của các cơ quan chuyên môn còn chưa được quan tâm đúng mức để kịp thời phát hiện và giải quyết những bất cập trong quá trình thực hiện, nhất là trong thực hiện Dự án Hỗ trợ phát triển sản xuất. Việc hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt cho người dân được hỗ trợ theo chương trình ở một số nơi chưa thường xuyên dẫn đến hiệu quả thấp, việc tái sản xuất còn hạn chế”.

Lựa chọn cây trồng phù hợp để hỗ trợ nông dân xây dựng mô hình kinh tế. Lựa chọn cây trồng phù hợp để hỗ trợ nông dân xây dựng mô hình kinh tế.

Cũng như huyện Tân Sơn của tỉnh Phú Thọ, những năm qua, nhiều chương trình, dự án giảm nghèo đã được triển khai ở huyện miền núi Sơn Tây, tỉnh Quảng Ngãi. Bên cạnh những mô hình phát huy hiệu quả, thì cũng có không ít mô hình vừa mở ra đã “chết yểu”.

Điển hình là Dự án sinh kế hỗ trợ bò sinh sản cho người dân ở xã Sơn Liên. Năm 2015, xã được hỗ trợ 22 con bò giống Zebu F1 (20 con cái, 2 con đực), mỗi con bò có trọng lượng 160kg, cho người dân 2 thôn Nước Vương và Đăk Long với tổng số tiền 786 triệu đồng, nhằm cải tạo đàn bò của địa phương.

Tuy nhiên, trái với sự kỳ vọng ban đầu, sau hơn 2 năm chăn nuôi, những con bò “ngoại” này chẳng những không phát triển mà còn gầy yếu, ốm trơ xương, thậm chí 2 con bò trong số này đã chết. Đến lúc này, chính quyền địa phương mới nhận ra mình đã sai khi lựa chọn những con bò “ngoại” này để mang về địa phương. Vì đàn bò này không thích nghi với điều kiện thổ nhưỡng và tập quán chăn nuôi của người dân. Hiện, địa phương đang tính đến phương án thanh lý số bò còn lại để hỗ trợ cho người dân giống bò của địa phương.

“Gỡ” vướng mắc

Dự án Hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo theo Quyết định 1722/QĐ-TTg (phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020) được giao cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương liên quan triển khai. Tuy nhiên, hiện vẫn có sự “tréo ngoe” trong khâu quản lý, tổ chức thực hiện Dự án.

Cụ thể, theo quy định hiện hành, nội dung xây dựng các mô hình kinh tế được giao cho ngành Nông nghiệp. Nhưng việc kiểm tra, giám sát và nhân rộng lại được giao cho ngành Lao động.

Hỗ trợ phát triển sản xuất phải đi đôi với tăng cường kiểm tra, giám sát. (Ảnh minh họa) Hỗ trợ phát triển sản xuất phải đi đôi với tăng cường kiểm tra, giám sát. (Ảnh minh họa)

Theo ông Nguyễn Bằng Toàn, nguyên Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Nghệ An, đây là một nghịch lý. Quyết định số 1722/QĐ-TTg quy định: “Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trực tiếp chỉ đạo hoạt động hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội trực tiếp chỉ đạo hoạt động nhân rộng mô hình giảm nghèo” là không hợp lý, không sát thực tiễn vì ngành Nông nghiệp chỉ đạo xây dựng mô hình, trong khi ngành Lao động lại đi nhân rộng mô hình.

Sự “tréo ngoe” này là một trong những nguyên nhân khiến kết quả nhân rộng các mô hình kinh tế ở các huyện miền núi Nghệ An thời gian qua rất hạn chế. Theo kết quả giám sát của HĐND tỉnh Nghệ An được thực hiện trong năm 2017, giai đoạn 2011-2016, ngoài các mô hình kinh tế thuộc các Chương trình 135 và 30a, toàn tỉnh chỉ đầu tư xây dựng thêm được 13 mô hình giảm nghèo tại 13 xã thuộc 11 huyện với 681 hộ nghèo tham gia, tổng kinh phí thực hiện là 4,5 tỷ đồng; trong đó có 11 mô hình chăn nuôi bò lai sind tại các xã: Lục Dạ (Con Cuông), Châu Tiến (Quỳ Châu), Châu Đình (Quỳ Hợp)…; 1 mô hình nuôi gà ác tại xã Phúc Sơn (Anh Sơn); 1 mô hình trồng cây chanh leo tại xã Tri Lễ (Quế Phong). Ngay đối với Chương trình 135, giai đoạn 2012 -2016 có tổng mức đầu tư hơn 140 tỷ đồng, nhưng cũng chỉ thực hiện được 13 mô hình với tổng số vốn đầu tư hơn 4 tỷ đồng trong các năm 2012 và 2014 tại các huyện Tương Dương và Quế Phong.

Với thực tế đó, nhiều ý kiến cho rằng cần phải sửa đổi quy định về tổ chức, thực hiện Dự án Hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế, nhân rộng mô hình giảm nghèo bền vững. Như chia sẻ của Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Nghệ An-ông Nguyễn Bằng Toàn, phải từ kinh nghiệm thực tiễn qua chỉ đạo thì mới nhân rộng ra được; đồng nghĩa việc tổ chức các nội dung của Dự án nên theo hướng quy về một đầu mối, đó là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

KHÁNH THƯ

Tin cùng chuyên mục
Chiêm Hóa (Tuyên Quang): Chú trọng phát triển cây lâm nghiệp gắn với bảo vệ rừng bền vững

Chiêm Hóa (Tuyên Quang): Chú trọng phát triển cây lâm nghiệp gắn với bảo vệ rừng bền vững

Diện tích rừng và đất lâm nghiệp ở huyện Chiêm Hóa (tỉnh Tuyên Quang) rất lớn, đây được xem là tiềm năng, lợi thế để người dân sống nhờ rừng thêm cơ hội và điều kiện để phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp bền vững gắn với bảo vệ rừng. Việc khai thác tốt tiềm năng, lợi thế cùng với các chính sách của Đảng, Nhà nước, nhất là chính sách hỗ trợ từ Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2025 (Chương trình MTQG 1719), có ý nghĩa quan trọng, để người dân có thêm điều kiện phát huy giá trị kinh tế ổn định cuộc sống và phát triển bền vững từ rừng.