Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Kinh tế

Xây dựng nông thôn mới gắn với du lịch cộng đồng: Điểm sáng ở Hồ Thầu

PV - 11:19, 13/06/2018

Với mục tiêu xây dựng bản Sì Thâu Chải trở thành bản tiêu biểu trong xây dựng NTM gắn với phát triển du lịch cộng đồng, thời gian qua xã Hồ Thầu, huyện Tam Đường (Lai Châu) đã dành nhiều nguồn lực đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng bản Sì Thâu Chải.

Xã Hồ Thầu đã tập trung vận động nhân dân tích cực tham gia giữ gìn vệ sinh môi trường, góp công xây dựng các công trình công cộng trong bản; nhờ đó đến nay bản Sì Thâu Chải đã cơ bản hoàn thành các tiêu chí xây dựng NTM và trở thành bản du lịch cộng đồng của xã.

Bản Sì Thâu Chải có 62 hộ dân với 100% là đồng bào Dao sinh sống. Trải qua thời gian, Sì Thâu Chải vẫn giữ được những nét văn hóa truyền thống đậm đà bản sắc dân tộc, cùng phong cảnh nên thơ với nhiều tiềm năng du lịch mạo hiểm từ đỉnh núi PuTaLeng, Thác Tác Tình...

Từ những lợi thế đó, năm 2017 bản Sì Thâu Chải được huyện Tam Đường lựa chọn xây dựng trở thành bản du lịch cộng đồng. Chính quyền các cấp đã dành nhiều nguồn lực để đầu tư xây dựng đường nội bản, hàng rào đá, nhà văn hóa bản, đầu tư trồng cây ăn quả, cây cảnh tạo cảnh quan trong bản. Tuyên truyền vận động nhân dân thực hiện tốt phong trào xây dựng môi trường nông thôn xanh-sạch-đẹp; khôi phục lại các nghề thủ công truyền thống...; tạo các sản phẩm phục vụ nhu cầu mua sắm cho du khách…

Người dân tham gia quét dọn, giữ gìn vệ sinh bản làng. Người dân tham gia quét dọn, giữ gìn vệ sinh bản làng.

 

Anh Lý A Gôn, Trưởng bản Sì Thâu Chải vui vẻ cho biết, thực hiện chủ trương xây dựng bản thành điểm du lịch, người dân trong thôn đã vận động nhau hiến hàng nghìn mét đất, góp trên 500 ngày công để hoàn thành tuyến đường liên bản. Có đường đi lại tốt để đón được nhiều khách du lịch hơn.

Anh Gôn cũng cho biết thêm, thôn cũng vận động người dân đóng góp 100 ngày công phát quang đường đi, khảo sát chinh phục đỉnh núi Putaleng; hơn 3 nghìn ngày công mở đường ngắm đỉnh Thác Tình; 200 ngày công xếp bờ kè đá; 200 ngày công phát dọn điểm bay dù lượn; xây dựng trên 2km hàng rào đá, trồng hơn 1 nghìn gốc địa lan…

Chủ trương xây dựng bản du lịch cộng đồng gắn với xây dựng NTM luôn được người dân bản Sì Thâu Chải nhiệt tình hưởng ứng. Cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước, người dân trong thôn đã tự ý thức tham gia vào các hoạt động phát triển du lịch cộng đồng tại địa phương thông qua việc trang hoàng lại nhà cửa, mua sắm thêm các trang thiết bị để đón khách thăm quan, lưu trú.

Bà con ngày càng có ý thức bảo vệ môi trường, tạo cảnh quan sạch đẹp; mỗi tuần, Chi hội Phụ nữ thôn lại tiến hành quét dọn đường làng, ngõ xóm 3 lần. Các hộ dân trong thôn cũng tự di dời chuồng trại gia súc ra xa nhà, làm công trình vệ sinh, chỉnh trang khuôn viên nhà cửa.

Cùng với đó, bà con hăng hái lao động, sản xuất, giúp nhau phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo. Chính quyền địa phương xác định, lấy trồng trọt làm mũi nhọn, trong đó chú trọng các mô hình trồng địa lan, quy hoạch vùng tập trung 8ha trồng lê, hồng, sơn tra. Nhờ đó, đời sống của người dân ngày càng được nâng lên, thu nhập bình quân đầu người đạt trên 17 triệu đồng/người, hệ thống đường bê tông đến từng nhà hoàn thành, cơ bản hoàn thành các tiêu chí xây dựng NTM.

Ông Quách Tá Thiện, Chủ tịch UBND xã Hồ Thầu cho biết cuối năm 2017, bản Sì Thâu Chải đã được công nhận là bản du lịch cộng đồng. Để đạt được kết quả đó, xã luôn tích cực trong việc xây dựng NTM, đặc biệt là thực hiện xây dựng NTM gắn với xây dựng du lịch cộng đồng. Nhờ đó, đến nay xã đã hoàn thành 9 tiêu chí trong xây dựng NTM. Bản du lịch cộng đồng Sì Thâu Chải thu hút hơn 10 nghìn lượt khách đến du lịch trong năm 2017.

Có thể khẳng định, chủ trương xây dựng bản du lịch cộng đồng gắn với xây dựng NTM đã tạo bước đột phá làm chuyển biến nhận thức của người dân, huy động được nhiều nguồn lực để phát triển kinh tế-xã hội ở Hồ Thầu, đẩy nhanh tiến độ xây dựng NTM trên địa bàn.

HOÀNG QUÝ

Tin cùng chuyên mục
Đông Giang (Quảng Nam): Xuất hiện nhiều mô hình sinh kế hiệu quả

Đông Giang (Quảng Nam): Xuất hiện nhiều mô hình sinh kế hiệu quả

Thời gian qua, huyện miền núi Đông Giang (Quảng Nam) đã triển khai nhiều mô hình sinh kế mới như nuôi hưu lấy nhung, chuỗi liên kết sản xuất chè, chuỗi sản xuất về chăn nuôi heo, bò… Những mô hình này không chỉ cải thiện sinh kế cho người dân, mà còn góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế -xã hội của địa phương.