Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Kinh tế

Xây dựng NTM ở Nho Quan: Tạo chuyển dịch cơ cấu kinh tế vùng DTTS

Thúy Hồng - 10:35, 29/06/2020

Quan tâm phát triển sản xuất gắn với tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, nâng cao thu nhập cho người dân, tập trung phát triển các sản phẩm có lợi thế, các mô hình kinh tế được chú trọng và hoạt động có hiệu quả... là những kết quả triển khai xây dựng nông thôn mới (NTM) trên địa bàn huyện Nho Quan (Ninh Bình).

Đường giao thông nông thôn ở xã Phú Long được xây dựng từ Chương trình NTM
Đường giao thông nông thôn ở xã Phú Long được xây dựng từ Chương trình NTM


Cúc Phương là xã vùng cao của huyện Nho Quan, có đông đồng bào DTTS sinh sống. Để xây dựng NTM, xã đã từng bước triển khai quy hoạch sản xuất phát triển nông, lâm nghiệp. Từ năm 2015, xã đã dồn điền, đổi thửa, quy hoạch vùng sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, các loại con nuôi đặc sản phù hợp với đặc điểm, tiềm năng của địa phương (như hươu, ong, dê, gà đồi...). Hằng năm, xã đều mở các lớp tập huấn đào tạo về kỹ thuật phát triển chăn nuôi, vận động Nhân dân tích cực áp dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật (KH-KT) vào sản xuất, chuyển đổi cơ cấu kinh tế nâng cao thu nhập người dân. Từ đó đã xuất hiện nhiều mô hình phát triển chăn nuôi trang trại mang lại giá trị kinh tế cao.

Bà Đinh Thị Văn, Bí thư Đảng ủy xã Cúc Phương cho biết: Để phát triển kinh tế theo Chương trình NTM, Cúc Phương xác định tập trung vào chăn nuôi và trồng cây công nghiệp. Xã giao nhiệm vụ cụ thể cho các tổ chức hội, đoàn thể như Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Đoàn Thanh niên… huy động các nguồn vốn ưu đãi, giúp hộ nghèo, cận nghèo được vay vốn phát triển kinh tế. Tích cực chuyển giao KH-KT đến người dân, khuyến khích chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện đồi rừng tại địa phương như trâu, bò, hươu, dê, ong, nhím, lợn, gà rừng… Hiện trên địa bàn xã có hơn 1.000 con trâu, bò; gần 500 con hươu; trên 700 đàn ong; hàng nghìn con dê, nhím, lợn; hàng chục nghìn con gia cầm… Hiện nguồn thu từ chăn nuôi trên địa bàn xã đạt khoảng 20 tỷ đồng/năm.

Còn xã Gia Sơn, từ một xã nghèo với xuất phát điểm thấp, phát triển kinh tế thuần nông, giờ đã khoác lên mình “tấm áo mới”, tạo sự đột phá trong phát triển kinh tế cũng như đời sống xã hội. Năm 2011, khi bắt tay vào xây dựng NTM, Gia Sơn mới chỉ đạt 3/19 tiêu chí, theo kế hoạch phấn đấu về đích NTM sẽ vào năm 2019 - 2020. Nhưng với quyết tâm cao, xã đã về đích NTM vào cuối năm 2017. Đến nay, 100% đường giao thông trên địa bàn xã đã được đổ bê tông, tạo thuận lợi cho người dân đi lại và phát triển sản xuất. 

Theo số liệu thống kê của UBND huyện Nho Quan, hiện trên địa bàn huyện có 3.600ha diện tích nuôi trồng thủy sản, đã hình thành nhiều hợp tác xã, tổ hợp tác nhóm hộ liên kết sản xuất hoạt động hiệu quả, đem lại giá trị kinh tế cao. Nhờ chuyển dịch cơ cấu kinh tế hiệu quả đã góp phần thực hiện thành công Chương trình xây dựng NTM giai đoạn 2010 - 2019. Toàn huyện đã huy động được trên 4.960 tỷ đồng để thực hiện các tiêu chí. Kết thúc năm 2019 đạt 17,8 tiêu chí/xã, không có xã đạt dưới 10 tiêu chí, 18/26 xã đạt chuẩn NTM. Đường giao thông nông thôn, nội đồng, kênh mương được kiên cố. Thu nhập bình quân đạt 33,7 triệu đồng/người/năm, tăng 1,7 triệu đồng so với kế hoạch đề ra. Tỷ lệ hộ nghèo theo tiêu chuẩn nghèo đa chiều toàn huyện còn 4,65%, giảm 0,97% so với năm 2017. 

Ông Hoàng Khắc Tiếp, Phó Bí thư Huyện ủy Nho Quan cho biết: Chương trình xây dựng NTM đã góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế của địa phương, tạo sự liên kết vùng sản xuất hàng hóa tập trung, ứng dụng được công nghệ tiên tiến vào sản xuất mang lại giá trị kinh tế cao, góp phần nâng cao đời sống của người dân.