Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Kinh tế

Xoa dịu nỗi đau thời hậu chiến

PV - 09:56, 26/04/2019

Chiến tranh đã lùi xa, nhưng nỗi đau vẫn còn hiện hữu đến tận bây giờ trên những thân thể mang di chứng của chiến tranh. Tại Hội nạn nhân chất độc da cam Dioxin tỉnh Gia Lai đang có những con người hằng ngày vẫn âm thầm xoa dịu nỗi đau, di chứng chiến tranh để lại. Những hành động tưởng chừng như bình dị nhưng mang ý nghĩa hết sức cao cả.

Cô giáo H’Khuin dạy học cho học sinh là nạn nhân của di chứng chất độc da cam Cô giáo H’Khuin dạy học cho học sinh là nạn nhân của di chứng chất độc da cam.

Theo chồng vào trung tâm

Từng có thời gian công tác tại chiến trường nước bạn Campuchia, y sĩ Phạm Thị Lũy không thể đếm xuể những lần tận tay chăm sóc cho các thương, bệnh binh vào sinh ra tử nơi chiến trường. Trên đôi bàn tay nhỏ bé ấy, chính bà đã phải chứng kiến quá nhiều chàng trai trẻ ra đi mãi mãi khi vẫn còn phơi phới tuổi xuân.

Trong những ngày sống trong mưa bom bão đạn, y sĩ Phạm Thị Lũy từng quen, gặp gỡ rồi nảy nở mối tình đẹp như mơ với một người lính Bộ đội Cụ Hồ. Hết chiến tranh, 2 người xây dựng gia đình sinh sống trên vùng đất đỏ bazan Tây Nguyên. Về chung sống với nhau, chồng y sĩ Lũy mới phát hiện mình bị nhiễm chất độc da cam. Khi biết thông tin ấy, ban đầu y sĩ Lũy không khỏi sốc nhưng rồi bản lĩnh người lính Cụ Hồ khiến y sĩ Lũy dần lấy lại được thăng bằng trong cuộc sống.

Vì vậy, dù được nhiều cơ sở y tế lớn mời về làm việc với mức lương hấp dẫn, môi trường làm việc tốt nhưng y sĩ Phạm Thị Lũy lại tình nguyện xin về công tác ở Trung tâm nuôi dưỡng, phục hồi chức năng bán trú cho nạn nhân chất độc da cam tỉnh Gia Lai.

Y sĩ Lũy thật thà chia sẻ: mặc dù về công tác tại Trung tâm mức lương thấp hơn nhưng làm việc ở đây tôi có thể tận tay chăm sóc cho chồng mình mỗi khi đau yếu, trái gió trở trời. Không những vậy, từng trực tiếp chứng kiến nỗi đau từ cuộc chiến tranh, tôi muốn đóng góp chút gì đó cho những chiến sĩ từng gánh chịu nỗi đau da cam này.

Vào công tác tại Trung tâm Nuôi dưỡng, Phục hồi chức năng bán trú cho nạn nhân chất độc da cam tỉnh Giai Lai, y sĩ Phạm Thị Lũy được điều về phòng Xông hơi giải độc.

Y sĩ Phạm Thị Lũy tâm sự: Tôi đồng cảm sâu sắc và mong muốn chồng mình cũng như đồng đội có sức khỏe để vượt lên nỗi đau thể xác cũng như tinh thần sau những cống hiến trong chiến tranh.

Ông Dương Minh Châu, thương binh sống tại huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai đang trong quá trình xông hơi giải độc cho biết: Trước đây, mỗi khi trái gió trở trời, chân tay ông nhức mỏi, đầu đau như búa bổ. Ông đã xông hơi, giải độc được 10 ngày và thấy sức khỏe có tiến triển tốt hơn trước. Ông mong rằng, tỉnh Gia Lai có nhiều đợt hỗ trợ xông hơi giải độc để đồng đội của ông có cơ hội tiếp cận phương thức chăm sóc sức khỏe tốt hơn nhằm nguôi ngoai nỗi đau sau chiến tranh.

Y sĩ Phạm Thị Lũy tại nơi làm việc. Y sĩ Phạm Thị Lũy tại nơi làm việc.

Kiên nhẫn và yêu thương

Tại Trung tâm Nuôi dưỡng, Phục hồi chức năng bán trú cho nạn nhân chất độc da cam tỉnh Gia Lai, công việc thường nhật của các thầy, cô giáo nơi đây thật đặc biệt. Họ là những người không quản ngày đêm với sự kiên nhẫn và tình yêu thương xoa dịu nỗi đau thân thể, dạy học cho những đứa trẻ không may mắn hứng chịu di chứng da cam.

Cô giáo H’Khuin, dân tộc Jrai (sinh năm 1988) tâm sự, năm 2012, cô tốt nghiệp khoa Giáo dục đặc biệt, Trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương Nha Trang. Ngành của cô dạy học đã khó, dạy học cho trẻ khuyết tật nhận thức (thế hệ thứ 3 bị nhiễm chất độc da cam) còn khó hơn gấp bội.

Nhớ lại những ngày đầu nhận lớp, các em hầu như không nhận thức được vệ sinh cá nhân. Thậm chí, khi cô dành tất cả tình yêu thương cho học sinh nhưng chỉ nhận lại những tiếng gào thét cào cấu của các em bị thiểu năng trí tuệ. Những đêm về, soi vào gương cô thấy trên gò má, trên cánh tay, trên thân thể là những vết chày xước bầm dập chảy máu đến tím tái. Thế nhưng, khi ấy cô H’Khuin thầm nghĩ đối diện với bạo lực bằng giận dữ thì chỉ làm cho tinh thần người dạy và người học thêm căng thẳng. Chỉ có tình thương mới xoa dịu được nỗi đau của các em. Vậy là, những ngày đầu cô cắn răng chịu đựng, cô đáp trả sự cào cấu, lên cơn của các em học sinh bằng sự nhẫn nại, nụ cười hiền từ bao dung.

Vừa dạy chữ, dạy kỹ năng, cô H’Khuin còn như một bảo mẫu chăm sóc sức khỏe cho các em. 7 năm miệt mài cùng sự yêu thương, nay lớp học của cô có 20 em đã biết viết chữ, biết đọc thơ, biết cả làm toán cộng trừ nhân chia những số đơn giản. Đến thời điểm này, có lẽ cô H’Khuin còn thân thiết hơn cả bố mẹ ở nhà, nên các em, ai cũng quấn quýt, thương yêu.

Chị Nguyễn Thị Lành, có con đang theo học tại đây chia sẻ: Con tôi đã 15 tuổi là nạn nhân chất độc da cam (di chứng từ ông nội). Trước đây vì thiểu năng nên không thể tự chăm sóc bản thân. Gia đình đi làm hết, gửi cháu cho cô H’Khuin nuôi dạy. Từ khi được học hành, dạy dỗ, con tôi rất tiến bộ, biết xếp đồ đạc và phụ mẹ trông em, nấu cơm.

Bà H’Nghia, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/Dioxin tỉnh Gia Lai cho biết: Chúng tôi gây dựng nơi đây như một mái nhà chung, là nơi tập trung những mảnh đời thiếu may mắn sau cuộc chiến tranh, không chỉ trong tỉnh và cả những tỉnh lân cận. Với sự quan tâm của Đảng và Nhà nước về chính sách chăm sóc người có công với cách mạng và nạn nhân chất độc da cam trên địa bàn, những đối tượng này phần nào cũng được xoa dịu nỗi đau mất mát. Chúng tôi cũng đang cố gắng nhờ sự ủng hộ của các nhà hảo tâm để chung sức chăm lo, hỗ trợ cho các đối tượng có công, nạn nhân nhiễm chất độc da cam có cuộc sống ổn định hơn để hòa nhập với cộng đồng.

Chiến tranh qua đi nhưng nỗi đau còn ở lại. Có những người hy sinh tuổi thanh xuân, gồng mình gánh chịu bom đạn, nhiễm độc trực tiếp nơi chiến trường thì cũng có những tấm lòng cao cả dành thời gian, tâm huyết để xoa dịu nỗi đau sau chiến tranh. Những nghĩa cử cao đẹp ấy thật đáng để chúng ta ngưỡng mộ và tôn vinh.

HỒNG ĐIỆP